Đầu vụ thu hoạch cam, giá cam luôn là nỗi lo thường trực đối với bà con trồng cam ở huyện Cao Phong. Bởi lẽ, giá cả quyết định tới sự thành bại của một vụ mùa mà họ đã phải đầu tư quá nhiều công sức và tiền của cho vườn cam. Theo anh Trần Văn Tiệp, ở khu 1, thị trấn Cao Phong, 2 vụ gần đây, giá cam không được cao như những năm trước. Hơn nữa, do sản lượng cam quá nhiều, nên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.
Trồng cam đúng tiêu chuẩn không lo chỗ bán
Nỗi lo của anh Tiệp cũng là việc mà cả nghìn hộ trồng cam ở Cao Phong đang phải đối mặt. Tuy nhiên, chính trong lúc sản lượng cam đang tăng chóng mặt từng năm, nhiều nhà vườn vẫn cứ ung dung thu tiền tỷ. Hơn nữa, họ lại không phải lo lắng lắm về đầu ra cho sản phẩm.
Trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap là việc mà các hộ nông dân huyện Cao Phong đã và đang thực hiện.
Anh Nguyễn Văn Mừng ở xã Bình Thanh, huyện Cao Phong đã trồng cả chục ha cam. Suốt mấy năm vừa qua, sản lượng vườn cam không ngừng tăng cao, nhưng anh vẫn bán được giá. "Năm 2018, tôi bán cam giá trên 20.000đ/1kg mà các mối vẫn khuân sạch. Cuối năm, gia đình tôi còn không có đủ cam để bán. Năm nay, nhiều khách cũng đã đặt hàng. Vườn nhà tôi bán được là nhờ tôi trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap", anh Mừng chia sẻ.
Cam trồng ở đất Cao Phong luôn có hương vị thơm rất đặc trưng. Nó là lợi thế so với các vùng khác. Tuy nhiên, khi diện tích trồng cam tăng chóng mặt, sản lượng cũng tăng lên theo cấp số nhân, việc bán cam lại là vấn đề nan giải.
Những năm trước, do cam bán quá chạy, nên nhiều hộ trồng cam không để ý đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap. Do vậy, khi cung vượt quá cầu, chỉ có những nhà vườn làm cam được cấp giấy chứng nhận VietGap là bán chạy và giữ giá.
Anh Nguyễn Văn Mừng ở xã Bình Thanh, huyện Cao Phong đã tìm nhiều cách để nâng cao chất lượng cam. Nhờ vậy mà sản phẩm của anh luôn bán được giá cao.
Chị Tô Bích Ngọc, Khu 1, thị trấn Cao Phong cũng là một trong những hộ sớm trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap. Gia đình chị có hơn 1 ha cam, chủ yếu là cam V2, lòng vàng và cam Canh. Năm 2017, gia đình tham gia mô hình trồng cam theo quy trình VietGAP.
Theo đó, gia đình áp dụng khoa học kĩ thuật, sử dụng phân bón hữu cơ để bón cho cây, đèn sinh học bẫy côn trùng gây hại. Cùng với kinh nghiệm thâm canh nhiều năm, hiện năng suất, chất lượng cam của gia đình tăng hơn những năm trước. Sản phẩm cam quả bán ra thị trường bảo đảm an toàn cho khách hàng. Tính ra, tổng doanh thu của gia đình đạt trên 700 triệu đồng/năm, tăng trên 100 triệu đồng so với thời điểm năm 2015.
Cây cam vẫn có thể mang lại tiền tỷ cho người trồng cam ở Cao Phong, nếu như họ biết cách chăm sóc cam theo đúng tiêu chuẩn.
Số hộ trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap không ngừng tăng lên
Năm 2014, toàn huyện Cao Phong có 235 hộ tham gia trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 248,36 ha. Tham gia mô hình, các hộ được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây theo đúng quy trình kỹ thuật tiêu chuẩn; từng bước giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, mẫu mã, chất lượng và giá thành sản phẩm. Đồng thời, có điều kiện trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và cơ hội liên kết, nắm bắt thông tin thị trường.
Nâng cao chất lượng và trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap là hướng đi cần thiết đối với người trồng cam ở Cao Phong.
Nhận thấy việc chăm sóc cam theo tiêu chuẩn VietGap có nhiều lợi ích, sau mỗi năm số người tham gia chương trình không ngừng tăng lên. Năm 2019, toàn huyện Cao Phong đã có 734 hộ tham gia với tổng diện tích 972,44 ha cam VietGAP. Niên vụ 2018 - 2019, sản lượng cam đạt 3,4 vạn tấn, giá bán từ 20.000 - 35.000 đồng/kg. Huyện tiếp tục quản lý tốt 447 ha được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm của Hội trồng cam thị trấn Cao Phong, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hà Phong, HTX 3T Nông sản Cao Phong, Công ty TNHH Hùng Phong...
Cam sạch luôn bán được giá.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.