Nam Định: Cho cá trắm "khủng" ăn bột thơm, bán đắt như tôm tươi

Phạm Anh Thứ bảy, ngày 07/03/2020 06:10 AM (GMT+7)
Sau nhiều năm tự mày mò nghiên cứu, ông Lê Văn Bản (66 tuổi) ở xóm 15, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Trường (Nam Định) đã tự làm thức ăn để nuôi mấy ao cá của gia đình. Ao cá nhà ông Bản nuôi nhiều loài cá ngon, trong đó có nhiều cá trắm đen, cá trắm cỏ "khủng", bán lúc nào cũng đắt như tôm tươi.
Bình luận 0

Muốn giàu nuôi cá...

Chúng tôi đến thăm trang trại nuôi cá của ông Lê Xuân Bản vào những ngày đầu tháng 3. Trong khuôn viên trang trại nuôi cá của gia đình ông, lúc nào cũng  thoang thoảng giống mùi thơm của một số loại ngũ cốc để làm đồ uống. Lúc đầu, chúng tôi cứ nghĩ ở gần đó có một cơ sở sản xuất ngũ cốc làm đồ uống, nhưng sau câu trò chuyện với ông Bản chúng tôi mới biết, mùi thơm đó chính là thức ăn mà ông tự chế biến để cho cá ăn.

img

Nhờ nuôi cá trắm đen, cá trắm cỏ theo tiêu chuẩn VietGAP mà mỗi năm gia đình ông Lê Văn Bản có lãi lên đến 500 triệu đồng. 

Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông Bản chạy vào trong nhà cầm một vốc cám mà ông mà ông tự mày mò làm ra cho chúng tôi xem thử. Thấy cám cá mà có mùi thơm đặc biệt, giống như một thứ bột ngũ cốc người ăn được hơn là cho cá, tôi nói đùa: “Chú ơi, cám này khéo người cũng ăn được nhỉ?”. Ông Bản cười tươi trả lời,” Mùi thơm do công thức phối trộn các loại nguyên liệu đó. Cám này làm toàn bằng nguyên liệu sẵn có ở địa phương thôi và thêm một số loại thảo dược cho con cá tiêu hóa tốt, Đặc biệt, cám tôi tự làm không có chất bảo quản, kháng sinh hay bất cứ chất tăng trọng nào nên sạch 100%”.

Sau đó ông Bản vội vàng nói về câu chuyện làm ra loại cám cho cá ăn. Ông kể, mình bắt đầu nuôi cá từ những năm đầu năm 2000. Thời gian đầu ông nuôi cá theo hình thức bán công nghiệp tức là vẫn cho cá tự tìm thức ăn tự nhiên và cho ăn thêm cả cám công nghiệp. Nhưng sau đó thấy năng suất cá thấp, nên ông chuyển sang nuôi cá công nghiệp 100%. Theo đó, năng suất cá cực kỹ cao và đem về cho ông một khoản thu lớn.

Nhưng, ông nhận ra con cá ăn cám công nghiệp thịt không còn thơm ngon như trước nữa. Bây giờ ít người nuôi công nghiệp còn bán cá được, sau này nhiều thì sẽ rất khó bán. Hơn nữa, nhu cầu của người tiêu dùng là muốn ăn cá ngon, cá nuôi tự nhiên, nuôi bằng thức ăn có nguồn gốc tự nhiên...

img

Ông Lê Xuân Bản tận dụng nguồn nguyên liệu sẫn có ở địa phương như các loại hạt ngũ cốc như ngô, đậu tương, cám gạo...và mua máy móc về ép thành cám viên cho cá ăn.

Chính suy nghĩ đó đã thôi thúc ông Bản phải tìm con đường đi riêng, tự làm ra một loại thức ăn riêng nuôi cá. Năm 2013, ông Bản bắt tay vào nghiên cứu vào phối trộn các nguyên liệu để làm cám cho cá. Từ một người nông dân chân đất bước chân vào một lĩnh vực mà ông chẳng có chút kiến thức nào, chẳng khác nào như mò kim đáy biển.

“Nghiên cứu mày mò mãi mới làm ra được sản phẩm, tôi gọi là cám cá nhưng khi mang ra cho ăn thử thì nó lại chìm. Riêng cái công đoạn cho nó nổi thôi tôi nghiên cứu mất hơn 1 năm trời, lúc cho nó nổi được thì cho cá nó ăn chậm và lớn chậm. Sau đó, lại phối trộn lại tốn bao nhiêu công sức và không biết bao nhiêu lần phải đổ đi mới có công thức như hiện tại”.

img

Thức ăn của cá được ông Bản làm bằng các nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương như: cám ngô, cám gạo, đậu tương, tỏi…, thậm chí cả các loại ốc được pha trộn theo tỷ lệ phù hợp rồi được ép thành viên cho cá ăn...

Nuôi cá sạch lãi 500 triệu đồng/năm

Nói về loại cám mà mình tự làm ra, ông Bản cho biết, thành phần chính để làm ra loại cám này là gồm 9 nguyên liệu khác nhau như: ngô, đậu tương, cám gạo. tỏi, bột tôm, bột cá....Đây là những nguyên liệu sẵn có ở địa phương và không sử dụng kháng sinh, chất bảo quản và chất kích thích...Đây là một loại thức ăn hoàn toàn bằng tự nhiên và được phối trộn theo tỷ lệ nhất định để cho ra một loại cám cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cá.

Theo ông Bản, ông đã nuôi cá bằng loại thức ăn này đã được hơn 4 năm và hiệu quả của loại cám này mang lại là rất tốt. Năng suất cá tuy chỉ đạt khoảng 80% so với nuôi cá bằng các loại cám công nghiệp khác, nhưng đổi lại cá lại có thịt chắc và thơm ngon hơn, vì vậy lúc nào cũng bán được với giá cao hơn.

“Cá mà cho ăn bằng loại cám này thì chất lượng khỏi phải bàn, thậm chí chất lượng không khác gì cá ở sông hồ tự nhiên. Chính vì thế mà cá nhà tôi nuôi có tiếng ở cái đất này. Có bao nhiêu thương lái cũng đến tận nhà thu mua hết”, ông Bản khẳng định

img

Trong các loại cá đang nuôi, cá trắm đen trọng lượng khủng hơn cả và là loài cá bán được giá cao, thường bán với giá từ 130-140.000 đồng/kg cá trắm đen, đem lại nguồn thu lớn cho gia đình ông Bản.

Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Dân Việt, ông Bản cho hay, hiện gia đình ông đang nuôi các loại cá đặc sản như: cá trắm đen, cá trắm cỏ, cá chép, cá lăng, cá đối mục. Đây là những loại cá ngon và có giá trị kinh tế cao, đặc biệt do được nuôi bằng loại thức ăn do ông tự làm và nuôi theo quy trình VietGAP nên thịt cá thơm ngon, được thị trường ưa chuộng.

“Mấy năm nay, năm nào tôi cũng bán được trên dưới 100 tấn cá các loại, toàn là cá đặc sản cả như: cá lăng, cá chép, cá trắm đen, cá đối nục... nên thu nhập cũng khá, mỗi năm lãi khoảng ngót nghét nửa tỷ thôi...”, ông Bản tiết lộ.

Lý giải về cá luôn bán được giá cao, ông Bản cho biết, loại cá nào gia đình ông cũng phải nuôi từ 12 cho đến 18 tháng mới xuất bán, thời gian nuôi lâu và cộng với cho thức ăn hoàn toàn làm bằng tự nhiên nên thịt cá chắc và ngon hơn nên được thị trường ưa chuộng, lúc nào cũng bán đắt như tôm tươi.

Và điều ông bẢN hài lòng nhất chính là cung cấp những con cá sạch đến bàn ăn của người Việt, điều mà ông đã khao khát từ nhiều năm trước .

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem