Bước vào cơ sở trồng nấm của gia đình ông Phạm Văn Chuyền ở xóm 10, xã Khánh Công, đập vào mắt chúng tôi là hàng nghìn mét vuông nhà xưởng với hàng vạn bịch phôi nấm đang mọc chi chít những cây nấm sò, nấm bào ngư trắng to mập và đã và sắp đến ngày thu hoạch.
Nhờ trồng 100.000 bịch phôi nấm, ông Phạm Văn Chuyền hái ra 40 triệu mỗi tháng.
Tiếp chúng tôi là một người đàn ông đã có tuổi, dáng người nhỏ thó, đen đúa và đậm chất nông dân. Vừa gặp, ông Chuyền vội bắt tay, mặt mừng khoe ngay: “Ngày nào cũng vậy, khu nhà xưởng trồng nấm sò rộng hơn 2.000 m2 của nhà tôi luôn có sản phẩm nấm xuất bán ra thị trường. Ngày nhiều thì tôi cũng bán ra vài tạ, ngày ít từ 70-80 kg nấm sò”.
Nói về thu nhập từ nghề trồng nấm sò, ông Chuyền cho biết sau khi trừ hết các chi phí, mỗi tháng vợ chồng ông thu lãi khoảng 40 triệu đồng. Với quy mô 100.000 bịch nấm, cơ sở sản xuất nấm của gia đình ông đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức lương 3,6 – 5 triệu đồng/tháng và hàng chục lao động thời vụ khác.
Theo ông Chuyền, nấm bào ngư sau khi trồng khoảng 20-25 ngày là bắt đầu cho thu hoạch liên tục từ tháng 9 năm nay cho đến tháng 4 năm sau.
Ông Chuyền bắt đầu xây dựng trang trại trồng nấm ở Ninh Bình từ năm 1998, nghĩa là gia đình ông đã theo nghề trồng nấm hơn 21 năm. Ban đầu, ông chỉ tận dụng thời gian nông nhàn sau mỗi vụ lúa để trồng nấm kiếm thêm thu nhập. Sau đó ông nhận thấy trồng nấm đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, nguồn nguyên liệu trồng nấm lại dễ kiếm nên ông mở rộng quy mô và xác định cây nấm chính là loại cây làm giàu,
“Ngày xưa cứ sau vụ lúa mùa thì rảnh rỗi đến vụ lúa xuân năm sau, mà lúc đó nông dân chúng tôi chẳng có việc gì khác để làm. Không có việc làm thì chuyện tiêu pha, mua sắm trong gia đình hết sức bí bách. Thế nên tôi quyết định trồng nấm kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn. Ngày đó kỹ thuật trồng nấm tôi chưa có gì nên 2 năm đầu tiên thất bại và sang năm thứ 3 khi biết kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm trồng nấm thì mới trồng thành công và được hơn 1 tấn nấm, giá lúc đó là có 3.500 đồng/kg, gia đình cũng kiếm được gần 4 triệu đồng/vụ. Mà 4 triệu đồng thời đó to lắm, cầm tiền trên tay mà vui cả tháng, sau đó tôi lại tiếp tục đầu tư và mở rộng mô hình” - ông Chuyền nhớ lại.
Sản phẩm nấm sau khi gia đình ông Chuyền thu hoạch về sẽ được đóng gói và được bán với giá 25.000 đồng/kg.
Hiện tại, cơ sở sản xuất nấm của ông Chuyền đã được mở rộng lên hơn 2.500 m2, được đầu tư bài bản theo quy trình khép kín. Trung bình, vào mỗi vụ sản xuất nấm ông trồng khoảng 100.000 bịch phôi nấm, mỗi tháng sản lượng nấm bào ngư thu về được hơn từ 8-10 tấn.
“Thời điểm trồng nấm bào ngư tốt nhất là từ tháng 8 năm trước đến tháng 4 năm sau. Nguyên liệu trồng nấm chủ yếu là rơm rạ, bông phế thải, mùn cưa...Để có những bịch nấm đạt tiêu chuẩn, tôi luôn thực hiện nghiêm ngặt các công đoạn từ bật tơi bông, rơm rạ trước khi ủ, đóng bịch sau đó đưa vào lò khử thanh trùng và cấy, ươm giống, thường xuyên tưới đủ nước sạch”- ông Chuyền tiết lộ.
Trong quá trình trồng nấm bào ngư, ông Chuyền liên tục cải tiến giống để phù hợp với khí hậu của địa phương, đồng thời tận dụng nguồn rơm rạ, mùn cưa, nguồn lõi bắp ngô...dồi dào để tăng thêm nguồn cung cấp nguyên liệu , qua đó chủ động nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng nấm...".
“Nấm bào ngư của gia đình tôi được trồng theo quy trình khép kín và không dùng các chất kích thích nên sản phẩm luôn đảm bảo, nhằm đưa ra thị trường sản phẩm nấm chất lượng, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng” - ông Chuyền cho biết thêm.
Theo tính toán của ông Chuyền, chi phí để làm được một bịch phôi nấm hết khoảng 5.000 đồng, một bịch phôi sẽ cho sản lượng khoảng 1kg nấm/vụ, giá nấm bào ngư hiện dao động khoảng 20-25.000 đồng/kg.
“Sau 7 tháng trồng và chăm sóc một bịch phôi nấm sẽ cho lãi ít nhất là 15.000 đồng. Nhưng mấy năm gần đây thời tiết khắc nghiệt, việc trồng nấm rất khó khăn và tỷ lệ phôi bị hỏng khá cao dẫn đến thu nhập bấp bênh hơn”- ông Chuyền chia sẻ.
Nói thêm về loại nấm bào ngư, ông Chuyền cho biết, đây là loại nấm dễ bị ảnh hưởng của thời tiết nên khá khó trồng, nhưng nếu tuân thủ theo quy trình và đúng kỹ thuật thì trồng nấm thì mọi việc lại đơn giản. Không chỉ nguồn nguyên liệu đầu vào phải sạch mà nguồn nước tưới cho nấm cũng phải đảm bảo sạch. Nếu tưới bằng nước bẩn, nhiễm phèn, nhiễm khuẩn thì nấm sẽ chết, không thu hoạch được nên trồng nấm phải tuyệt đối giữ sạch nguồn nước. ‘
Nấm sò hay có tên là nấm bào ngư, sinh trưởng và phát triển thuận lợi trong điều kiện nhiệt độ từ 25 đến 30 độ C, độ ẩm không khí trên 85%.
Cũng theo ông Chuyền, nhờ tận dụng được nguồn nguyên liệu sản xuất bịch phôi nấm có sẵn tại địa phương như mùn cưa, rơm rạ…nên người trồng nấm đã giảm thiểu được rất nhiều chi phí. Nhưng bên cạnh đó, người trồng nấm cũng gặp không ít khó khăn như thời tiết, dịch bệnh, nhất là việc ruồi, muỗi ký sinh đẻ trứng phá hoại phôi.
Về kỹ thuật trồng nấm bào ngư, ông Chuyền lưu ý mọi người cũng cần lưu ý xây dựng hệ thống lán kín, quạt công nghiệp để chống ruồi, muỗi ký sinh làm hỏng phôi nấm; giữ nhiệt độ và độ ẩm thích hợp trong lán phù hợp bằng cách phun sương và tưới ẩm nền để nấm phát triển tốt nhất, đạt hiệu quả cao”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.