Đón Tết, vui xuân, nếu các cháu tung tăng vui đùa bên những bộ đồ mới may, lo le “quà mừng tuổi” nào bánh, nào kẹo, nào những tờ giấy bạc mới tinh chưa có lằn xếp, thì các cô tụm năm tụm ba cắn hột dưa lách tách cho môi thêm hồng, miệng thêm duyên, hoặc nhỏ nhẻ miếng mứt ngọt do chính bàn tay khéo léo mình làm ra; các cụ ngồi bên bình trà mà “thời sự” toàn những chuyện đời xưa, đời nay.
Xưa thì “dựng nêu ăn chè”; “pháo tre một tiếng trừ năm cũ”; lắng nghe con gì kêu đầu tiên trong đêm giao thừa để ngầm đoán vận số năm mới ngay trong những giờ phút thiêng liêng đầu năm đầu tháng, rồi thì múa lân, kiêng kỵ quét nhà…; nay thì râm ran bàn luận nào giá lúa, gía phân, nào khu dân cư mới mở, thậm chí phân tích tình hình kinh tế tài chính bên Tây bên Tàu!…
Về bánh, tuy có đến hàng trăm món, chung nhất là đều làm bằng gạo nếp hoặc để nguyên hột, hoặc được xay thành bột. Bánh mặn thì nhưn thịt, mỡ; bánh dành cho người ăn chay thì nhưn đậu, chuối, dừa… ướp đường mía hoặc đường thốt nốt. Bánh nào cũng ngon thơm ngọt béo. Nhưng cho đến nay có không ít người vẫn thắc mắc về ý nghĩa tên gọi của chúng. Đề tài này, hơn ai hết các cụ không thể không trổ tài “người cao tuổi biết nhiều chuyện”, bèn hào hứng giảng giải theo cách hiểu của mình.
Theo các cụ, ngay khi người xưa “chế” ra mỗi thứ bánh, qua đặc điểm và hình dạng hẳn đều đã đặt cho nó một cái tên rất sát hợp, nhưng dần về sau, do nhiều lý do, những tên gọi ấy đã bị biến đổi. Chẳng hạn như:
- Bánh tét: Nguyên tên là bánh Tết, vì tiếng Tết trại ra từ tiết. Tiết Nguyên đán, ngày Nguơn đán, mồng một tháng Giêng kêu là ngày xuân, rồi sau lần lần kêu là ngày Tết. Món bánh truyền thống dâng cúng Ông bà ngày trước gọi bánh tiết sau này kêu là bánh tét, với nghĩa tét tách ra từng khoanh mà ăn – nay vẫn thấy ông già bà cả dùng chính dây cột đòn bánh ấy mà tét ra chứ không dùng dao để cắt.
- Bánh ích/ ít
Bánh ếch/ ích/ ít
Nguyên tên là bánh ếch, vì khi gói rồi để bánh vô cái xề, chúng sắp lớp nhau giống như những con ếch ngồi (“ếch hội”) nên kêu bánh ếch. Đây cũng là một loại bánh truyền thống, thường được làm trong những ngày giỗ, Tết để “trước cúng sau ăn”. Có lẽ do nghiệm rằng dâng (con) “ếch” hèn mọn lên cúng trên bàn thờ Ông bà là thiếu tôn kính nên dần về sau để không “trái đạo”, dân gian nói là bánh ích, nhưng lại viết là ít. Từ đó có câu thơ đối vui: “Bánh nhiều quá cũng kêu bánh ít, Chuối non nhớt cũng gọi chuối già!”.
- Bánh ít trần: Nó chính là bánh ít, vì bánh này, làm bằng bột và nhưn y như bánh ít mà để trần, không gói lá (chỉ khác một chút là có chế nuớc cốt dừa), nên thay vì gọi bánh ếch trần người ta gọi bánh ít trần.
- Bánh cúng
Bánh cúng
Nguyên tên của nó là bánh cuốn, vì khi làm, người ta cuốn lá tròn lại như cái ống, rồi cho bột vô cột bít lại mà nấu. Dần về sau, có lẽ để không bị trùng tên với bánh cuốn (quấn cuốn bằng bánh tráng trắng) người ta gọi trại thành bánh cúng – là thứ bánh nay thường thấy dâng cúng trong những ngày “làm tuần”.
- Bánh gói: Nguyên tên là bánh ngói vì giống như miếng ngói (ngói vảy cá) lợp nhà, nhưng nghiệm lại, ăn miếng ngói sao được, nên người ta phải gọi trại thành bánh gói, nghe mới ổn.
- Bánh ú
Bánh ú
Nguyên tên nó là bánh ấu, vì hình dạng nó có những góc nhọn đưa ra tựa như trái ấu, nhưng ấu vốn là một loại “trái”, nên để không bị trùng, dân gian gọi trại thành bánh ú. Cũng có người giảng nguyên tên bánh ú là bánh vú, nhưng cái vú thì để bú chớ ai lại cắn, nhai, nuốt bao giờ (đó là chưa nói đến việc đem “cái vú” dâng cúng tổ tiên trên bàn thờ – rất “khó coi”), thành ra phải sửa nói là bánh ú cho thanh nhã.
- Bánh cấp: Nguyên tên nó là bánh cặp, vì người ta gói hai cái cột cặp lại, sau, do thấy nó có hình tượng như cặp vợ chồng (“cặp đôi”) nên phải nói tránh là bánh cấp v.v.
Các cụ bảo, Tết, bày chuyện nói cho vui chứ dầu sao tên gọi của các loại bánh đã được định hình tự ngàn xưa rồi. Một khi đã lưu truyền tận đến ngày nay, thì cũng có nghĩa là dân gian mặc nhiên thừa nhận tính chính danh của nó, bởi đó là ngôn ngữ của dân gian, do dân gian đặt gọi, nên mọi người không chỉ có trách nhiệm giữ gìn mà còn phải phát huy.
Văn chương bình dân phát huy như thế nào?
Tiền nhân ta đã sáng tác những câu ca dao dân ca mang nội dung rất chi là tình cảm; bên cạnh, người bình dân cũng sáng tạo vô vàn những câu đố dí dỏm, ngắn gọn mà súc tích, dễ gây ấn tượng và rất dễ nhớ. Các bậc phụ huynh thường lấy đó để khơi động tư duy các cháu, cũng là một cách trò chuyện thân mật, đầm ấm gia đình trong những ngày vui Tết. Những câu đố về bánh rất phong phú, đa dạng. Chẳng hạn như:
– Bánh tét
Bánh tét
“Cái gì trong trắng ngoài xanh, Trồng đậu trồng hành mà thả heo vô”; hoặc vui hơn: “Tực từng tưng dây lưng quấn trước, Tực tưng từng dây quần quấn sau”.
– Bánh ướt: “Nàng ngồi trước mũi ghe lê, Phải chi anh đặng ngồi kề một bên”. (Ước ao).
– Bánh tráng: “Chợ tranh không bán, bán tránh chợ ngoài”. (Nói lái bán tránh).
– Bánh cúng:“Bằng ngón tay nằm ngay bàn Phật, Tụng kinh rồi búng cánh bay xa”. (Nói lái búng cánh).
– Bánh hỏi:“Hỏi cô ngồi dựa loan phòng, Tóc mai dợn sóng cô có chồng hay chưa?”. (Câu hỏi).
– Bánh xèo: “Lúc đầu thì tựa trăng tròn, Trở qua trở lại chỉ còn một nửa”.
– Bánh phồng: “Mình tròn thình thịch, da trắng tinh, Nóng lên nổi hột đầy mình em ơi!”.
Nướng bánh phồng
Còn về trái thì tùy từng vùng, từng nơi mà có những đặc sản. Chung nhất là ngon, bổ lại nhiều.
Chính vì vậy mà dưới thời Bắc thuộc, nhiều loại trái đặc hữu của nước ta đã được xem là vật quý, được triều đình bình chọn dùng làm quà ngoại giao như cam, chuối (hàng chục giống), quýt, bưởi (hai loại này đem sang Trung Quốc trước tiên), dưa hấu, trái vải (theo Vân đài loại ngữ thì nước ta sản xuất nhiều trái vải nhứt – món ruột của Tô Đông Pha)… tất cả đều là thượng phẩm.
Trái thì dưa hấu (xanh vỏ đỏ lòng, đặc sản của nước ta – sự tích An Tiêm), xoài, cam, quýt, bưởi (các loại này cũng đều là đặc sản của Việt Nam – xưa dùng làm quà ngoại giao; chuối, đu đủ (ngon, bổ lại mềm, các cụ rụng hết răng vẫn ăn được ngon lành). Cho đến nay dù đã trải hàng ngàn năm, cứ đến ngày Tết dân ta vẫn giữ tục chưng cúng “ngũ quả” nhưng không phải 5 loại quả nhất định như xưa (theo sách Chiến thư, nó có đặc tính cảm ứng và trợ lực cho ngũ cốc, tức 5 thứ hạt được dùng làm lương thực chính là: gạo, nếp, lúa mì, mè và đậu) mà là 5 loại quả ngon bất kỳ nào cũng được.
Tuy nhiên, để thể hiện lòng thành hiếu kính, sau này người ta dâng cúng Ông bà nhiều hơn 5; còn chưng thì chọn 5 loại quả có tên gọi như ý mong muốn là cầu (mảng cầu), tiền (nho – xưa, trên đồng tiền có chữ Nho, nên khi túng thiếu dân gian thường nói “trong túi không có một đồng một chữ”), đủ (đu đủ), xài (xoài), sung (sung mãn, tràn đầy).
Vui xuân đoàn tụ, dâng lên tổ tiên la liệt bánh ngon, trái ngọt cùng là những món ngon vật lạ để “trước cúng sau ăn”, vừa thể hiện cao nhất tấm lòng hiếu thảo, vừa lấy đó mà cùng nhau no say “hưởng lộc”. Rồi thì kể lại chuyện xưa tích cũ, nhắc nhau chuyện làm ăn, chuyện đạo lý… đều là nét văn hóa độc đáo riêng có trong ngày Tết của dân ta.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.