Trên những cánh đồng mênh mông vừa gặt hái xong, ngoài vịt chạy đồng của nông dân địa phương, còn có những đàn vịt hàng ngàn con của nông dân các vùng lân cận di chuyển đến.
Người làm nghề này canh chừng thời gian để từ trứng nở thành vịt con rồi vịt lớn ăn lúa được cũng là lúc lúa ngoài đồng vừa thu hoạch. Từng đàn hàng trăm, có khi cả ngàn con được chủ vịt lùa đến hỏi chủ ruộng rồi thỏa thuận giá cả, họp đồng miệng xong là đàn vịt tha hồ tràn vào ăn lúa mót. Không chỉ có lúa, còn những cua, ốc, dế, tép,…
Có lẽ lượng mồi dồi dào như vậy nên vịt lớn nhanh, mập tròn và đẻ sai trứng. Sáng lùa vịt ra đồng, chiều về quay tạm nan tre, mê bồ để vịt ngủ và … đẻ trứng. Cứ vậy, khi ruộng hết mồi thì chủ vịt lại tìm sang đồng khác, bầy vịt cùng người nuôi lênh đênh rày đây may đó nhưng cũng kiếm được bộn bàng tiền bạc để trang trải kinh tế gia đình.
Đàn vịt nhởn nhơ ngoài đồng trống
Miệt mài kiếm ăn
Cái hay nữa là, trong đàn vịt người ta phải tính sao cho tỷ lệ trống mái hợp lý nhằm đảm bảo cho các trứng vịt đều có thể ấp nở. Hơn thế, chủ vịt thường nuôi thêm vài chục vịt trống khác nữa nhằm để làm thịt xả giao với chủ ruộng.
Cứ chiều chiều, sau khi vịt về chuồng thì bắt những con vịt đó làm rồi nấu cháo, xắt chuối ghém trộn gỏi để … lai rai. Bên những tiệc rượu nghãi tình như vậy, người lạ bỗng chốc hóa quen, nhiều khi kết sui gia luôn. Tính cởi mở đã trở thành nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người miền đất này có lẽ bắt nguồn từ những điều đơn giản như vậy.
Trong bữa cơm thường nhật sẵn có trứng vịt đẻ thì đem luộc hồng đào dầm nước mắm chanh ớt chua cay chấm với năng hoặc rau lang luộc ăn với cơm lúa mùa nóng hổi thì ngon miệng vô cùng.
Trứng vịt chiên xái pấu
Trứng vịt thường được lấy rơm rửa, kỳ cọ cho sạch các chất dơ bám bên ngoài, để ráo. Theo kinh nghiệm dân gian, người ta bắc nồi nước lên chụm lửa cho sôi rồi thả trứng vịt vào. Canh chừng đúng 5 phút thì vớt trứng ra rồi đổ ngay vào thau nước lạnh.
Trứng hồng đào ngon không chỉ nhờ vào lòng đỏ vừa chín còn sền sệt mà lòng trắng trứng cũng phải chín, giòn. Trứng lột sạch vỏ để cho khô.
Trứng vịt luộc hồng đào
Rau lang, rau ngổ hái ngoài vườn về lặt, rửa sạch, để ráo. Bắc nồi nước cho sôi, thêm chút muối rồi cho rau vào, sao cho rau ngập hết trong nước, dùng đũa trở đều rồi vớt rau ra rổ cho ráo nước. Nước mắm ăn trứng vịt hồng đào chấm rau lang, rau ngổ được chế biến cũng khá kỳ công. Tỏi đâm, ớt bằm nhuyễn, vắt chanh vào, gạn bỏ hột, thêm chút bột ngọt và nước dừa tươi, khuấy đều và cuối cùng là rót nước mắm vào.
Trứng vịt bẻ làm đôi, làm ba, chan nước mắm vừa làm lên trên, trộn đều cho thấm. Cơm nóng vừa chín ăn với rau lang luộc chấm trứng vịt luộc thì vừa ngon miệng vừa có giá trị dinh dưỡng. Rau lang có tác dụng chống táo bón, dễ tiêu, giàu vitamin A.
Cháo vịt, gỏi vịt
Còn món ăn dân gian độc đáo nữa mà nguyên liệu chính cũng là trứng vịt là trứng vịt chiên xái pấu. Xái pấu theo tiếng Tiều có nghĩa là cải bổ, người Việt gọi củ cải muối.
Người ta xắt nhuyễn xái pấu bóp qua nước lạnh một vài dạo cho bớt mặn rồi đập trứng vịt tươi vào. Thêm ít hành lá xắt nhuyễn, nêm chút đường, bột ngọt, khuấy đều, rồi bắt chảo dầu nóng lên chiên vàng. Củ cái muối chiên trứng vịt ăn với cơm và canh rau tập tàng thì … no quên thôi.
Trứng vịt còn luôn có mặt trong nồi thịt kho ngày tết. Nhiều khi xào khổ qua, xào nấm rơm, … để tăng thêm dinh dưỡng người ta còn đập thêm mấy trứng vịt vào, …
Những năm gần đây nhiều dịch bệnh nguy hiểm xuất hiện, khiến nghề nuôi vịt đồng và người nông dân ít nhiều trăn trở để làm sao có thể vừa bảo đảm đời sống kinh tế vừa gìn giữ nghề thú vị đã lưu truyền tự bao đời.
Út Tẻo (Út Tẻo)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.