Người đương đầu với “giặc lửa”, đi tìm sự sống từ đống tro tàn

Việt Linh – Triệu Quang Thứ bảy, ngày 28/04/2018 18:58 PM (GMT+7)
Mỗi khi nghe tiếng chuông báo cháy, người đội trưởng lập tức cùng anh em lên đường làm nhiệm vụ bất kể hoàn cảnh nào.
Bình luận 0

Nhận lệnh là lên đường, lao vào những nơi mà người khác đang cố chạy ra để bảo toàn mạng sống, chiến đấu với "giặc lửa" để giành lại tài sản và tính mạng cho người dân, đó là công việc của những người lính Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ. Họ không quản tính mạng, bất chấp mọi hiểm nguy. Không ít người lính cứu hỏa đã hy sinh và bị thương khi "giành lại cái còn trong cái mất". Để thấu hiểu và trân trọng hơn công việc đầy hiểm nguy này, chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả loạt bài về những người lính cứu hỏa, cùng những bài tư vấn hữu ích có thể giúp bạn thoát nạn khi gặp hỏa hoạn.

img

 Thiếu tá Khúc Nguyên Khánh chỉ đạo lính cứu hỏa trong một vụ cháy.

Khắc tinh của “giặc lửa”

Nếu đã từng chứng kiến một vụ cháy ở Hà Nội, chắc hẳn mọi người sẽ không quên hình ảnh một người đàn ông dáng người hơi mảnh khảnh, giọng nói đanh thép luôn cầm theo một chiếc loa và bộ đàm xung phong vào hiện trường. Đó là Thiếu tá Khúc Nguyên Khánh – Đội trưởng Đội đội Cứu nạn cứu hộ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 8 (Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội).

Nghe đến từ “đội trưởng”, thường người ta nghĩ về một người rất đạo mạo, uy nghi, đứng chỉ đạo từ xa ở ngoài hiện trường. Tuy nhiên, với trọng trách là đội trưởng, anh Khánh càng phải xung phong đứng đầu sóng ngọn gió trong mỗi vụ cháy.

img

Người đội trưởng giản dị nhưng là khắc tinh của “giặc lửa”.

Anh phán đoán tình hình, tiên lượng vấn đề, xác định nguồn cháy, chất cháy… để chỉ đạo lính của mình.  Rất nhiều vụ chữa cháy cây xăng, cháy nhà… được anh chỉ đạo thành công, giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Trong một ngày cuối tháng 4, chúng tôi tìm đến Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 8 (Hoàng Mai, Hà Nội). Bước vào căn phòng rộng vỏn vẹn hơn 10m2 với lỉnh kỉnh các thứ đồ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ… chúng tôi không tưởng tượng ra đây là phòng của một đội trưởng.

Mừng là hôm ấy anh Khánh “thất nghiệp” nên ở đội. Khác với vẻ bề ngoài của một người đội trưởng lạnh lùng, anh Khánh vô cùng gần gũi, sẵn sàng mở lòng mình để sẻ chia những tâm sự với cái nghề đương đầu với “giặc lửa”.

Năm 1995, chàng trai trẻ quê Thái Bình đỗ 2 trường Đại học nhưng không, anh đã lựa chọn trường Cao đẳng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy. Sau 4 năm học, anh ra trường và theo ngành luôn từ đó đến nay.

img

Hơn 20 năm trong nghề, anh Khánh đã tham gia chữa cháy hơn 500 vụ hỏa hoạn.

“Đúng là nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề. Lúc ấy, do nhà nghèo nên không đủ điều kiện đi học trường khác nên tôi chỉ còn cách chọn ngành cứu hỏa. Thế rồi, càng làm càng yêu nghề nên gắn bó với nó đến nay”, anh Khánh tâm sự.

Trong suốt hơn 2 thập kỷ trong nghề, anh Khánh đã kinh qua nhiều đội PCCC như của quận Đống Đa, Từ Liêm… Anh không nhớ nổi số vụ cháy mình đã tham gia. Có những ngày, anh Khánh tham gia tới 16 vụ cháy lớn, nhỏ.

Tay đặt lên đầu, khẽ nhăn trán, miệng lẩm bẩm: “Nhiều lắm, có lẽ nó phải gấp hơn cả 10 lần số tuổi tôi. Tôi dám chắc là không dưới 500 vụ”, anh Khánh trả lời khi chúng tôi hỏi có nhớ về số vụ cháy anh đã tham gia hay không.

Hơn 20 năm trong nghề, anh Khánh cũng nếm đủ những buồn vui, đắng cay cùng những nỗi gian truân của nghề. Việc bỏng rộp, xước xát hay mất tiếng với anh như cơm bữa. Có những vụ đi chữa cháy mà về anh mất tiếng cả tuần liền, nhìn thấy cơm là buồn nôn vì cổ họng lợm giọng mùi khét xen lẫn mùi xác người.

Nhiều lần xông pha đầu sóng ngọn gió, anh Khánh tưởng chết đi sống lại. Rất nhiều mạng sống đã được anh giành lại từ tay “giặc lửa”.

Lúc cứu hỏa, anh Khánh cùng lính của anh như hóa những “siêu nhân”. Họ cầm lăng vòi cứu hỏa xông pha vào nơi nguy hiểm mà không màng tới tính mạng mình, chỉ cốt làm sao cứu được người và hạn chế được tối đa thiệt hại về tài sản cho người dân.

 Giành giật sự sống từ đống tro tàn

Một trong những vụ cứu hỏa thành công nhất mà Thiếu tá Khánh nhớ đó là vụ cứu cây xăng Sang Mạn (Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội) hồi tháng 5/2016.

img

Cây xăng Sang Mạn (Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội) cháy hồi tháng 5/2016.

Khi đó, anh Khánh đang đi giải cứu một thanh niên mạnh động dọa đốt bình ga thì nhận được tin báo cháy cây xăng. Nhận định tình hình nguy hiểm, anh Khánh tức tốc chạy về hiện trường. Không kịp mặc quần áo bảo hộ, anh Khánh đã vào hiện trường chỉ đạo anh em chữa cháy.

“Lúc ấy, không chữa nhanh, xăng chảy xuống sông sẽ rất khó chữa và bên kia sông là trạm điện 110kV, nguy cơ mất điện toàn thành phố là rất cao”, anh Khánh nhớ lại.

img

Vụ cháy cây xăng Sang Mạn phức tạp ở chỗ, một vụ cháy nhưng có 2 điểm cháy. Chiếc xe tiếp xăng sau khi cháy đã chạy ra cách hiện trường khoảng 70 mét và bốc cháy, trong khi cây xăng cũng đang bốc cháy dữ dội. Thế nhưng, bằng kinh nghiệm của một người chỉ huy lâu năm, chỉ trong vòng 10 phút, anh Khánh đã chỉ đạo anh em dập lửa thành công.

“Cháy xăng không phải đơn giản, mình cần phải nắm bắt khi nào cần phun nước, khi nào cần phun bọt để dập tắt đám cháy. Lúc ấy, loa không có, bộ đàm cũng không, tôi ở trong ra ám hiệu 1 là ra nước, 2 là ra bọt, không ra gì là ngừng phun. Cứ thế trong ngoài phối hợp nhịp nhàng nên chỉ khoảng 10 phút, đám cháy đã tắt hoàn toàn”, anh Khánh kể lại với giọng đầy hứng khởi.

Trong suốt những năm tháng chữa cháy, điều anh Khánh ám ảnh nhất là những xác chết. Anh nhớ lại vụ cháy tiệm vàng Kim Sinh khoảng năm 2000, khi đó anh là lính mới, đang công tác ở đội PCCC quận Từ Liêm. Nhận lệnh đến hiện trường, anh cùng các đồng đội đã chữa cháy thành công, không để đám cháy lan rộng.

Sau đó, anh Khánh vào hiện trường thì phát hiện một xác chết ở trong nhà vệ sinh. “Cái xác cháy đen, không biết là trai hay gái nữa. Sau đó, tôi bị ám ảnh mãi”, anh Khánh nhớ lại.

Bây giờ, khi đã trải qua hàng trăm vụ chữa cháy, anh Khánh cũng đã tôi luyện được lòng gan dạ. Anh chia sẻ, đến vụ cháy chỉ cần nhìn lửa là anh biết có người chết hay không bởi, ngọn lửa khi bùng lên có màu vàng khác lạ. Ngoài ra, anh còn bày nhiều cách để những người lính trẻ của đội không còn cảm thấy sợ hãi khi thấy xác chết cháy giống anh ngày xưa.

Nghề cứu hỏa được coi là nghề nguy hiểm, nhiều rủi ro vì vậy, để theo nghề họ thực sự phải là những con người nhiệt huyết và yêu nghề. Có đôi lúc, đang ăn cơm nghe lệnh cũng phải buông bát, đang gội đầu dở chưa kịp xả nước, nửa đêm đang ngủ phải vùng dậy… đó đã trở thành chuyện như cơm bữa của những người lính phòng cháy chữa cháy.

Riêng với anh Khánh, điều làm anh trăn trở hơn cả là không có nhiều thời gian cho gia đình, vợ con. Công việc chỉ huy chữa cháy, huấn luyện lính đã chiếm phần lớn thời gia của anh.

“Nhiều lúc nghĩ về vợ con mà thấy thương, nước mắt rơi lúc nào không hay. Nói chung, khi đã theo nghề mình phải chấp nhận đánh đổi”, anh Khánh ngậm ngùi.

Câu chuyện của chúng tôi dang dở thì bỗng tiếng chuông báo cháy vang lên. Anh Khánh chỉ kịp chào một câu, rồi cầm vội chiếc áo mặc vào lao ra phía xe. Chưa đầy 2 phút, chiếc xe cùng các chiến sĩ đã lao vút ra khỏi đội đến vùng khói lửa.

-------------------------

Khi nhắc đến những người lính cứu hoả, cứu nạn người ta thường hình dung ra những chàng trai cơ bắp cuồn cuộn, thế nhưng ngay tại Hà Nội, có một biệt đội lính cứu nạn vô cùng đặc biệt, họ là những người phụ nữ nhưng dám đảm nhận những công việc mà đàn ông nhìn thấy phải nể phục. Mời độc giả đón đọc bài tiếp theo: Chuyện ít biết về “ngũ long công chúa” cứu người trong biển lửa vào lúc 19h ngày 29/4.

Chữa cháy trong cảng Sài Gòn: ”Mai em thi Hóa, Lý”

“Ngày mai em thi Hóa, Lý đó chị! À quên, còn mấy tiếng nữa chứ. May mà lửa tắt rồi!”, cởi chiếc áo ngoài ướt nhòe...


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem