Nhìn lại 10 câu chuyện cảm động lấy nước mắt của dân mạng năm 2018

Trà Li (Tổng hợp) Thứ hai, ngày 31/12/2018 09:55 AM (GMT+7)
Năm 2018 đang trôi qua những giờ phút cuối cùng và để lại những mẩu chuyện, những con người khiến chúng ta sẽ còn nhớ mãi như hình ảnh người cha xẻ núi tìm đường cho con đến trường, cuộc giải cứu đội bóng nhí Thái Lan trong hang sâu đầy chông gai hay hình ảnh bé Tôm đầy nghị lực trước căn bệnh ung thư quái ác.
Bình luận 0

Cậu bé Trung Quốc đến trường với mái đầu... đóng băng

img

Phú Mãn trở nên nổi tiếng sau bức ảnh đến trường với mái đầu đóng băng.

Ngày 9.1.2018, trên khắp các phương tiện truyền thông lan truyền bức ảnh một cậu bé đầu tóc đóng băng, mặt đỏ ửng, mặc độc một chiếc áo khoác mỏng giữa thời tiết rét buốt âm độ đi đến trường dự thi. Hình ảnh này khiến cư dân mạng được phen bật cười thích thú. Nhưng đằng sau nó lại chứa đựng một câu chuyện chẳng mấy vui vẻ.

Cậu bé trong ảnh tên Vương Phú Mãn, là học sinh lớp 3 của một trường tiểu học tại huyện Lỗ Điện, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Mỗi ngày, Phú Mãn đều phải đi gần 5km để đến trường. Hoàn cảnh gia đình Phú Mãn rất khó khăn, bố mẹ em đều đi làm xa nên em phải ở với ông bà và chị gái. Dù còn rất nhỏ nhưng Phú Mãn thường xuyên phụ giúp ông bà việc đồng áng.

Sau khi trở nên nổi tiếng vì bức ảnh với mái đầu đóng băng, Phú Mãn đã được rất nhiều người giúp đỡ. Bức ảnh trên còn lọt vào top 10 bức ảnh gây ảnh hưởng nhất trên thế giới của Trung Quốc năm 2018 do tờ SCMP bình chọn.

Đồng đội cào tuyết giúp Quang Hải tạo “cầu vồng” lịch sử

img

Đồng đội cào tuyết giúp Quang Hải đá phạt thuận lợi tại trận Chung kết giải U23 Châu Á.

Chắc hẳn, đến giờ, mỗi khi nhớ lại hành trình kỳ diệu của đội tuyển U23 Việt Nam tại giải đấu Chung kết U23 châu Á hồi đầu năm, nhiều người vẫn không khỏi sởn da gà vì sức chiến đấu mãnh liệt của thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo. Và có lẽ, khoảnh khắc đắt giá nhất giải đấu lịch sử đó là hình ảnh các đồng đội xúm vào cào lớp tuyết dày cộm dưới sân để “Quả bóng vàng Việt Nam 2018” Nguyễn Quang Hải sút phạt trong trận Chung kết chiều 27.1.2018 tại Thường Châu, Trung Quốc.

Cảnh tượng những Văn Thanh, Xuân Trường dùng tay cào tuyết dưới sân khiến nhiều cổ động viên xúc động và đến giờ khi xem lại, dường như cảm xúc vẫn vẹn nguyên như chiều hôm đó.

Khoảnh khắc dù rất ngắn này đã cho thấy tình đồng đội trân quý, sự sẻ chia sâu sắc và ý chí quyết thắng của các chàng trai trẻ trước ngưỡng của lịch sử của bóng đá nước nhà.

Jalandhar Nayak - Người cha xẻ núi, đào đường cho con đến trường

img

Anh Jalandhar Nayak - người cha xẻ núi tìm đường đi học cho con.

Anh Jalandhar Nayak chỉ là một người đàn ông 45 tuổi sống trong ngôi làng hẻo lánh Gumsahi ở bang Odisha, miền Đông Ấn Độ. Ngôi làng nơi gia đình anh cư ngụ bị cô lập hoàn toàn khỏi hệ thống đường bộ khu vực bởi địa hình đồi núi nguy hiểm. Mỗi ngày, con trai anh đều phải mất tới 3 giờ đồng hồ để đi bộ vượt núi đi học. Vì vậy, anh Jalandhar đã quyết định làm một việc không tưởng, đó là ròng rã suốt 2 năm qua, mỗi ngày, anh Jalandhar đều dành 8 giờ để xẻ núi, đào 8km đường xuyên qua các ngọn đồi với mong muốn mở đường cho con đi học dễ dàng hơn.

Những nỗ lực thầm lặng nhưng phi thường của anh Jalandhar sau đó đã được các nhà chức trách địa phương ghi nhận và gây chú ý trên toàn cầu đầu năm 2018. Sau đó, anh đã được địa phương hỗ trợ hoàn thành nốt con đường và tìm việc làm ổn định.

Người phụ nữ gốc Việt nhặt ve chai quyên tiền cho quỹ ung thư

img

Bà Gia Trần quyên tiền cho bệnh nhân ung thư từ việc nhặt ve chai. 

Đã từ lâu, tại văn phòng Quỹ Ung thư BC ở Vancouver, Canada, gần như ngày nào cũng có một người phụ đứng tuổi tới văn phòng với một nụ cười tươi rói, trao tận tay cho nhân viên món tiền nhỏ chỉ vài đô la.

Qua tìm hiểu,người phụ nữ đó là bà Gia Trần, người gốc Việt, 63 tuổi, sống trên đường East Hastings. Bà đã làm như vậy trong suốt 21 năm qua và ước tính chỉ riêng 10 năm gần đây, bà đã quyên góp cho Quỹ Ung thư BC hơn 11.500 đôla Canada (khoảng 266 triệu đồng).

Được biết, bà Gia Trần tích góp tiền từ việc nhặt ve chai đem đi bán. Mỗi ngày, bà đều dành khoảng một giờ đi thu lượm, 45 phút đi bộ đến chỗ bán trong mùa hè, nhưng vào mùa đông bà phải mất đến 1,5 giờ di chuyển.

Sarah Roth - Giám đốc điều hành của Quỹ Ung thư BC chia sẻ: “Bà ấy ở đây vì lòng tốt và trái tim nhân hậu. Mỗi khi đến, bà ấy luôn như một cơn gió mang sự vui vẻ và dễ chịu vào văn phòng, tất cả chúng tôi đều được cười nói vui vẻ. Đây là một câu chuyện tuyệt vời về lòng biết ơn và vị tha”.

Nghẹt thở giải cứu đội bóng đá nhí Thái Lan mắc kẹt trong hang sâu

img

Hình ảnh đội bóng nhí trong hang sâu ngâp nước.

Sự việc bắt đầu vào ngày 23.6.2018, khi 12 thành viên của đội bóng nhí Lợn Hoang của Thái Lan cùng vị trợ lý huấn luyện viên của đội bóng đi vào hang Tham Luang Nang Non ở vùng nông thôn Thái Lan. Họ không thể ngờ rằng chỉ ít phút sau tất cả đã mắc kẹt và tưởng như chẳng còn bất kỳ hy vọng nào để thoát ra ngoài do mực nước trong hang ngày một dâng cao vì mưa lớn.

Nhưng điều kỳ diệu đã xảy đến khi cả 13 người được phát hiện vẫn còn sống vào ngày 2.7.2018. Câu chuyện về 13 con người bị mắc kẹt trong hang sâu nhanh chóng càn quét truyền thông thế giới và một cuộc giải cứu mang tầm cỡ quốc tế đã được thực hiện. Tuy nhiên, công cuộc giải cứu ngày càng trở nên khó khăn khi lối vào hang quá hẹp, tầm nhìn hạn chế và những cơn mưa lớn khác vẫn luôn dình dập. Thậm chí, một người lính Hải quân Thái Lan đã tử vong trong chiến dịch này do thiếu oxy sau khi tiếp tế cho 13 người bị mắc kẹt.

Cuối cùng, đến ngày 10.7.2018, tất cả 12 cậu bé của đội bóng nhí thái lan và bị huấn luyện viên đã được giải cứu thành công. Sau một thời gian ngắn nhập viện, tất cả đều đã được trở về đoàn tụ bên gia đình vào ngày 18.7.2018.

Người mẹ hôn mê 3 tháng và sự chào đời kỳ diệu của thiên thần nhỏ

img

Chị Quỳnh Anh nằm liệt trên giường sau tai nạn bất ngờ.

Vào một buổi chiều tháng 5.2018, khi đang đi làm về, chị Đỗ Quỳnh Anh (30 tuổi, đang mang thai 5 tháng) đã bất ngờ gặp tai nạn khiến chị rơi vào tình trạng nguy kịch. Nhưng thai nhi trong bụng chị tim vẫn đập rất mạnh khoẻ với những dấu hiệu sinh tồn rõ rệt.

Sau ca phẫu thuật cấp cứu phức tạp, dù giữ được tính mạng nhưng chị Quỳnh Anh rơi vào trạng thái mất ý thức, nằm liệt giường và phải thở máy. Sau hơn 3 tháng nằm viện với sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm, tình trạng của chị Quỳnh Anh đã dần chuyển biến không ngờ. Và điều kỳ diệu hơn cả đó là sự ra đời của bé Cốm – bào thai 5 tháng vẫn kiên cường sống và phát triển với tốc độ và cân nặng như những thai nhi bình thường khác khi mẹ nằm liệt giường.

Bé Cốm, tên thật là Cao Tuệ Như, ra đời vào ngày 22.8.2018 với sức khỏe ổn định và nặng 3,2kg .

Sự ra đời của bé Cốm không chỉ là điều kỳ diệu với con và gia đình, mà còn là kỳ tích hiếm có với cả ngành y.

Khai giảng đầu tiên của cậu bé xếp dép

img

Hình ảnh bé Đạt xếp dép cho các bạn đi tham quan khiến cộng đồng dậy sóng.

Câu chuyện về cậu bé xếp dép đã được lan truyền từ giữa năm 2017, tuy nhiên đến 2018, nó vẫn tiếp tục khiến người ta phải rưng rưng. Sau khi bức ảnh, bé Đạt xếp dép cho các bạn đi tham quan trở nên nổi tiếng, cuộc sống của em và mẹ đã có những thay đổi vô cùng tích cực.

Năm nay, Đạt đã 6 tuổi và đủ tuổi vào lớp 1. Và may mắn tiếp tục mỉm cười với mẹ con Đạt khi em được một ngôi trường ở Bình Dương đồng ý miễn phí toàn bộ học phí của 12 năm học. Mẹ của em cũng được tạo điều kiện đến Bình Dương để chăm con.

img

Bé Đạt tươi cười trong buổi lễ khai giảng đầu đời.

Đầu tháng 7.2018, Đạt chính thức vào trường học như bao bạn bè cùng trang lứa. Sáng 5.9, em đã được dự buổi lễ khai giảng đầu tiên trong đời. Em háo hức, nô nức cùng chúng bạn xúng xính cờ hoa đến trường. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu khởi đầu cho một hành trình mới – hành trình mà Đạt vẫn luôn ước mơ.

Thầy giáo tí hon và ước mơ to lớn

Ngừng phát triển từ năm 7 tuổi, vì vậy dù năm nay đã 29 tuổi nhưng thầy giáo Nguyễn Văn Hùng (29 tuổi) vẫn mang vẻ ngài của một cậu bé với chiều cao chỉ 1,17m và nặng 19kg. Tuy nhiên, không vì vẻ ngoài khác thường mà anh ủ rũ, quay lưng với cuộc đời. Mà ngược lại, anh đã trở thành một người thầy tí hon được nhiều người biết đến tại các lớp học tình thương ở Trung tâm Nghị lực sống (bán đảo Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội).

Hàng ngày, thầy giáo tí hon Nguyễn Văn Hùng đều đặn lên lớp, hưỡng dẫn các bạn có hoàn cảnh đặc biệt hay khuyết tật để giúp các bạn có công việc ổn định. Tuy nhỉ người nhưng thầy Hùng vô cùng nhanh nhẹn. Trong suốt buổi, anh cứ chạy hết bàn này đến bàn kia hướng dẫn các học viên mà không biết mệt mỏi. 

img

Người thầy tí hon mơ ước mở một trung tâm tại quê nhà để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Ở hiện tại, thầy Hùng tiết lộ mình có thu nhập ổn định và đã có bạn gái. Người thầy tí hon mơ ước có thể mua được một căn nhà, mở Trung tâm dạy nghề của riêng ở quê nhà Nghệ An và có một gia đình nhỏ làm chốn đi về sau một ngày mệt mỏi.

Chuyện nhặt 3.000 xác thai nhi đầy ám ảnh của tình nguyện viên trường y

Cuối năm 2018, cư dân mạng đã thực sự sửng sốt và đau xót trước những trải lòng của A – một cậu sinh viên trường y 20 tuổi tại Hà Nội trong hành trình thu lượm 3.000 thai nhi bị vứt bỏ trên khắp thủ đô.

Từ năm 2016, A đã bắt đầu hành trình của mình. Ban đầu, vì số tiền 3 triệu/tháng do cha mẹ chu cấp không đủ để giúp A có những phương tiện bảo quản xác thai nhi tốt nên A thường mua những chiếc thùng xốp ở chợ để đựng xác thai nhi. Vì vậy, cứ 3 ngày một lần, A lại phải thu xếp mang các thai nhi về quê bằng xe khách hay xe máy để chôn cất. Sau đó, nhờ một nhóm tình nguyện tài trợ, A đã sắm được một chiếc tủ lạnh để bảo quản xác thai nhi thuận lợi hơn.

Trong balo của A luôn có sẵn một bình ô xy sẵn sàng hỗ trợ khi gặp những trường hợp còn hi vọng sống sót. Tuy nhiên, có bé chỉ sống được một ngày, nhiều nhất cũng chỉ được một tuần.

A trải lòng bản thân đã nhiều lần phải đi xét nghiệm vì vô tình bị kim tiêm đâm chảy máu khi lượm xác thai nhi. Nhiều người gọi A là kẻ điên, tâm thần nhưng chàng trai trẻ vẫn bỏ ngoài tai và làm điều mình cảm thấy đúng đắn.

A còn chia sẻ, trong suốt 2 năm ròng rã làm việc thiện, ngày em cảm thấy hạnh phúc nhất chính là ngày duy nhất em không nhặt được xác thai nhi nào.

Bé Tôm và cầu thủ đội tuyển Việt nam: Cuộc gặp gỡ giữa những người truyền lửa

img

Bé Tôm gặp gỡ các tuyển thủ Việt Nam.

Khi chỉ mới 33 tháng tuổi, bé Tôm đã bị phát hiện mắc bệnh ung thư não. Trải qua 16 liệu trình hóa trị và 2 lần phẫu thuật đau đớn nhưng bé Tôm vẫn luôn lạc quan.

Với đam mê cháy bỏng dành cho trái bóng tròn, bé Tôm ước mơ được một lần gặp gỡ các tuyển thủ của đội tuyển Việt Nam. Và tại Chương trình Điều ước thứ 7, ước mơ của con đã trở thành hiện thực khi cầu thủ Quang Hải, Đức Chinh, Văn Hậu, Bùi Tiến Dũng đã tham gia chương trình để gặp gỡ con mặc dù lịch trình vô cùng bận rộn chuẩn bị cho trận Chung kết lượt về AFF Cup 2018 giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Malaysia trên sân vận động Mỹ Đình.

Tuy cuộc gặp gỡ diễn ra khá nhanh nhưng bé Tôm đã được chơi bóng, được trò chuyện và chia sẻ ước mơ của mình với các cầu thủ. Cuối chương trình, cầu thủ Quang Hải đã hứa anh cùng đồng đội sẽ chiến đấu hết mình để mang Cup Vàng về cho hàng triệu người hâm mộ Việt Nam và cho bé Tôm. Và cuối cùng, điều đó đã trở thành sự thật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem