CỰC LẠ GIA LAI: Loài cây trực tiếp cho rượu "vạn người mê"

Lê Kiến Thứ hai, ngày 11/02/2019 06:45 AM (GMT+7)
Tại xã Đắk Pling (huyện Kông Chro, Gia Lai) có một thức uống vô cùng độc đáo, hấp dẫn được lấy trực tiếp từ thân cây “cây đóak” phút chốc thành loại rượu mê người. Cây đóak rất được dân làng Bana nâng niu bảo quản, được mệnh danh là "cây rượu của Yàng” ban cho.
Bình luận 0

Cây rừng chảy ra rượu

Tháng Giêng – mùa giáp hạt đến gần, bà con người đồng bào dân tộc Bana ở huyện Kông Chro bắt đầu thảnh thơi, nghĩ đến việc vào rừng lấy rượu từ cây đóak. Đặc biệt, thời điểm này lúc chín muồi để lấy rượu, bởi cây đóak bắt đầu trổ bông, kết trái sẽ cho lượng rượu dồi dào, thơm nồng hơn.

Theo già làng Đinh Êl (làng Tơ Bưng, xã Đắk Pling): “Lâu nay, không ai biết cây đóak được lấy nước làm rượu từ lúc nào, chỉ biết ông bà đời này sang đời khác luôn biết cách vào rừng tìm cây đóak lấy rượu. Nam thanh niên trong làng không ai là không biết cách lấy rượu từ cây đóak. Bình thường, nước lấy từ cây đóak được dùng tại chỗ thay cho nước giải khát, giúp thoải mái, khỏe mạnh. Nếu ngâm nước cây đóak với vỏ cây men rừng thì nước sẽ thành rượu uống thường ngày, hoặc được sử dụng trong các dịp lễ Tết”.

img

Rượu đặc sản ở huyện Kông Chro được lây trực tiếp từ cây đóak.

Để lấy được rượu đóak, thanh niên trong làng phải đeo dao, mang bình nước đi sâu vào trong rừng vài cây số và phải mất ít nhất nửa ngày mới có rượu mang về.

Hiện nay quanh làng vẫn còn nhiều cây đóak được người dân bảo vệ, lấy rượu uống nhưng so về chất lượng và sản lượng lấy được thì không bằng những cây sống tự nhiên trong rừng. Theo đó, cây  đóak nếu được người nào đến trước phát hiện, đánh dấu “làm tài sản riêng” thì sẽ không xảy ra chuyện tranh giành cây rượu.

Cây đóak có vẻ ngoài nhìn rất giống với cây đùng đình nhưng lớn hơn gấp nhiều lần, những cây trưởng thành có thể cao hơn 20m. Từ gốc cây lên đến ngọn có nhiều bẹ lá chỉa ra xung quanh. Thời điểm ra hoa, cây đóak nở ra hoa thành buồng như buồng cau, có những buồng còn to lớn, dài hơn 2m.

Để lấy được rượu đóak cũng tốn không ít công phu: Đầu tiên là dùng cây le kết thành thang dài leo lên ngọn, sau đó lấy dây mây cột các thanh le với những bẹ lá tạo thành thế vững chắc như ngôi nhà trên cây để thuận tiện treo bình lấy nước an toàn.

Vị trí lấy nước rượu tốt nhất chính là nơi cuống của buồng quả đóak, cắt bỏ buồng quả và cắm vào đó là vòi bằng lồ ô dẫn nước thẳng vào can. Cách làm này sẽ lấy được rượu nhiều, chất lượng nước cũng tốt nhất. Mặt khác, việc làm này sẽ hạn chế cây bị nhiễm khuẩn gây bệnh cho cây thay vì khoét thẳng vào thân để lấy nước.

 “Tiên tửu” thơm nồng, không đau đầu

Anh Đinh Lêu (làng Tơ Bưng) là một trong những người có thâm niên nhất trong nghề săn “cây rượu của Yàng”. Năm nay anh 39 tuổi những đã có hơn 24 năm kinh nghiệm vào rừng lấy rượu đóak. Anh Kể: “Hồi nhỏ hay theo bố lên rẫy, lên rừng nên học được cách lấy rượu từ đó. Rượu đóak có thể lấy quanh năm nhưng tốt nhất lấy trong mùa quả đóak từ tháng 3 đến tháng 7, chọn cây lấy rượu phải là cây đã ra hoa.

Nếu cây còn nhỏ mà lấy thì rượu không ngon, cây cũng không lớn nổi, mỗi cây to có thể lấy 30 lít/ngày. Việc trèo lên cao lấy rượu cũng phải hết sức cẩn thận, nếu không may ngã xuống thì rất nguy hiểm. Thường, việc lấy rượu chủ yếu cho gia đình dùng, nếu nhiều mới mang đi bán, uống rượu đóak còn sướng hơn cả uống bia”.

img

Lấy được rượu đóak cũng lắm công phu.

Cùng ngồi uống rượu đóak, già làng Đinh Êl vui vẻ nói: “Rượu đóak thơm nồng, vị không gắt như rượu gạo nên uống không có mồi cùng thơm ngon, khi có khách quý hoặc trong các dịp lễ của làng mới làm heo, làm gà. Rượu này uống không đau đầu nên đàn ông, phụ nữ đều dùng được. Lúc mới lấy từ cây ra thì nước trong vắt, uống vào có vị ngọt, mát như nước dừa. Sau khi bỏ men lá (một loại cây giúp lên men tự nhiên lấy từ cây rừng chỉ người Bana mới biết - PV) vào thì nước chuyển sang mà trắng đục như nước vo gạo, có vị cay nồng của rượu, thơm ngọt. Bình thường, rượu đóak chỉ dùng trong khoảng 2-3 ngày sau khi lấy rượu, để lâu rượu sẽ mất mùi vị uống không ngon nữa, nếu để tủ lạnh có thể dùng được 1 tuần”.  

Thử nhấm nháp ly rượu đóak, lúc đưa lên mũi có mùi thơm nhẹ, uống vào có vị cay nồng, ngọt khá giống với rượu trái cây đã lên men nên... rất ngon. Thế mới thấy, người Bana được thiên nhiên đất mẹ ưu ái, ban cho “tiên tửu” không cần nấu cũng thành rượu. Trong đời sống thường ngày, nhất là những dịp lễ, việc lớn của làng thì rượu đóak là một thức uống không thể thiếu của người dân nơi đây. Chính vì thế, cây đóak rất được người dân nâng niu bảo vệ như “báu vật” của làng.

img

Rượu đóak được dùng trong sinh hoạt thường ngày, các ngày lễ hoặc tiếp khách phương xa

Nói về rượu đóak, ông Đinh Văn Cư – Phó Bí thư Đảng ủy xã Đắk Pling chia sẻ: “Rượu Đoák có từ xa xưa, rượu được lấy hoàn toàn tự tự nhiên, không có men công nghiệp nên uống không đau đầu như uống bia rượu. Lúc tôi 16 tuổi đã theo bố lên rừng, đến 20 tuổi đã biết lấy rượu thành thục. Thường thì bà con buổi sáng đi làm rẫy, lên rừng hứng nước đóak, đến chiều về thì mang về làng uống sum họp gia đình trong buổi tối. Đặc biệt, rượu này giúp người mệt mỏi uống vào có cảm giác sảng khoái. Hiện nay huyện Krông Chro chỉ có 3 xã gồm Sró, Đắk Cơ Ning và Đắk Pling là có cây rượu đóak. Đây cũng là đặc sản địa phương hay dùng tiếp khách phương xa”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem