Không thua “thần dược”, cơ hội kiếm tiền từ chùm ngây

Việt Tùng Thứ bảy, ngày 06/09/2014 13:00 PM (GMT+7)
Chùm ngây và khoai nưa vốn là những loài cây mọc hoang dã, song lại có tác dụng chẳng kém “thần dược”. Vì thế, việc chiết xuất tinh chất của chùm ngây và khoai nưa để xuất khẩu sẽ mở ra cơ hội làm giàu cho người dân...
Bình luận 0

Không thua “thần dược”

Cây chùm ngây có tên khoa học là “Moringa oleifera”, là cây thân gỗ, mọc hoang dã ở nhiều nơi trên cả nước, nhưng nhiều nhất là các tỉnh Bắc và Bắc Trung Bộ. Chùm ngây có thể giâm cành hoặc hạt, ưa sáng, khí hậu nóng, ẩm, trước đây người dân hay trồng làm hàng rào, cây cho trầu không leo… Thời gian gần đây, chùm ngây được nhiều người lùng mua vì có nhiều công dụng chẳng kém gì “thần dược”.

img 

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, lá và hoa chùm ngây là 2 bộ phận chứa lượng vitamin C cao gấp 7 lần lượng vitamin C có trong quả cam; gấp 4 lần vitamin A có trong cà rốt; gấp 4 lần lượng canxi và 2 lần lượng protein của sữa; hơn 3 lần lượng potassium, kali của chuối… Ở nước ta, những thập niên 70 – 80, cây chùm ngây đã được sử dụng trong các bài thuốc Nam và gần đây, lá và hoa của nó đã được người dân sử dụng làm rau ăn, song chưa trở thành cây hàng hóa.

Bà Hoàng Hải – Giám đốc Công ty TNHH Nông Sinh (Hà Nội), người đã có nhiều năm nghiên cứu về cây chùm ngây cho biết: “Rễ, thân, lá, hoa của chùm ngây đều có tác dụng rất tốt cho con người. Lá, hoa có thể nấu canh, xào thịt trâu, bò rất ngon và có tác dụng kích thích tiêu hóa, lợi tiểu, trị sỏi thận, thấp khớp, cổ trướng, kích thích tim và tuần hoàn. Trái chùm ngây có tác dụng làm tăng dục; vỏ làm thuốc trị xơ tuyến tiền liệt, chống mệt mỏi…”.

Tương tự, khoai nưa cũng là cây hoang dã, thuộc họ ráy, mọc nhiều ở các tỉnh phía Bắc, thân cây, đặc biệt là củ có rất nhiều tinh bột. Bà Hải cho biết, khoai nưa đã được người Nhật Bản sử dụng từ hàng trăm năm nay và tinh bột của nó có trong hầu hết các thực phẩm dùng hàng ngày của họ như mì, phở, bánh kẹo…

“Trong củ khoai nưa Amorpho – phalus Konjac K.Koch có lượng tinh bột rất cao, trong đó thành phần chủ yếu là Konjac – mannan hàm lượng 50%, rất tốt cho sức khỏe, có thể dùng để sản xuất thức ăn cao cấp, thực phẩm chức năng. Việc sử dụng khoai nưa đã giúp người Nhật cải thiện chiều cao và là nước có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới” – bà Hải nói.

Cơ hội làm giàu cho nông dân

Mặc dù cây chùm ngây và khoai nưa có giá trị dinh dưỡng cao như vậy, song ở nước ta chùm ngây cũng mới được trồng rải rác ở Bắc Giang, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… với diện tích nhỏ lẻ, để làm rau ăn là chính vì chưa có đầu ra. Còn khoai nưa thì chủ yếu mọc hoang dại, chỉ một số đồng bào Dao ở Điện Biên, Lai Châu là hay sử dụng củ, cây để ăn.

Bà Hải cho biết, sở dĩ bà chọn cây chùm ngây và khoai nưa để phát triển kinh doanh vì 2 loại cây này có giá trị dinh dưỡng cao, dễ trồng, không cần nhiều đất (cây khoai nưa có thể trồng xen trong rừng); tinh bột của chùm ngây sấy khô, nghiền nhỏ, trộn với tinh bột củ khoai nưa để làm mì, phở, bánh có giá trị dinh dưỡng rất cao, có thể làm thức ăn cao cấp, thực phẩm chức năng.

“Tháng 2.2014, tôi đã xây dựng Dự án “Sản xuất giống cây trồng và chế biến nông sản phục vụ xuất khẩu” và đã được UBND huyện Đan Phượng (Hà Nội) cấp hơn 7.500m2 đất tại xã Thượng Mỗ. Hiện tôi đang sản xuất giống chùm ngây, khoai nưa để cung cấp cho bà con trồng, đồng thời sẽ mua lại sản phẩm để chiết xuất rồi xuất khẩu đi Nhật” - bà Hải thông tin.

Được biết, công ty của bà Hải đang có 3ha khoai nưa thử nghiệm tại xã Pá Khoang, Mường Phăng và Thanh Luông (huyện Điện Biên, Điện Biên) và cây chùm ngây cũng đang được trồng tại xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng) và Bắc Giang với tổng diện tích hơn 1ha.

Điều đáng mừng là vừa qua, phía bạn hàng Nhật Bản đã sang tận nơi kiểm tra chất lượng chùm ngây, khoai nưa, với kết quả rất khả quan. “Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng và phát triển cây chùm ngây, khoai nưa thành mặt hàng xuất khẩu. Điều này rất có ý nghĩa với nông dân, đặc biệt là nông dân miền núi, vì ngoài tạo công ăn việc làm cho bà con, nó còn phát huy tiềm năng đất đai khi trồng xen trong rừng” – bà Hải chia sẻ.

Anh Vừa A Thể, bản Lọong Luông, xã Pá Khoang - một người tham gia trồng khoai nưa vui vẻ cho hay: “Đất mình có nhiều lắm, trước đây mình trồng cây dong riềng, nhưng 2 năm nay dong riềng rẻ nên chẳng buồn làm nữa. Cây khoai nưa mọc ở đất mình lâu rồi, nhưng không ai mua, nay có người đầu tư giống, dạy kỹ thuật cho trồng, bao đảm đầu ra, bản mình có cơ hội đổi đời rồi”.

GS Nguyễn Lân Dũng: Chùm ngây đã được bảo hộ

Cây chùm ngây đã có ở nước ta từ rất lâu, nhưng trước đây nhiều người không biết công dụng của nó trong việc hỗ trợ chữa các loại bệnh như: Ung thư, tiểu đường, thiếu máu, còi xương, bệnh tim mạch, ung loét, co giật, bệnh gan, hạ huyết áp, cholesterol, chống oxy hóa... Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) đều đề cao cây chùm ngây, coi nó là cứu tinh cho người nghèo, đặc biệt ở các nước thứ 3. Nó có thể ăn sống như các loài rau sống, hay nghiền lá ra làm sinh tố...

Người già, trẻ em và người có thể trạng yếu ăn rau chùm ngây sẽ rất mau khỏe. Do không biết công dụng của nó nên người dân chủ yếu trồng làm hàng rào, vì cây dễ trồng, dễ sống, do đó nhiều năm liền cây này không được phát triển. Tháng 7.2009, Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng, thuộc Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đã đưa chùm ngây vào danh mục 11 loài cây trồng được bảo hộ, vì vậy ở một số nơi đã bắt đầu trồng, nhưng chủ yếu lấy rau ăn. Để phát triển lâu dài, cần chiết xuất tinh chất cây chùm ngây để sử dụng vào các ngành thực phẩm, làm đẹp… và xuất khẩu.

Nam Tùng Sơn (ghi)



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem