Thông thường, bà con hay có thói quen thay những tranh cũ bằng tranh mới trên bàn thờ mỗi dịp tết đến, xuân về với mong muốn cầu bình an, mạnh khỏe cho gia đình.
Từ khoảng năm 1999 đến nay số lượng người mua ít dần, sức tiêu thụ giảm sút khiến nhiều người bỏ nghề. Thế nhưng, Chợ Mới, tỉnh An Giang, một trong những nơi nổi tiếng về sản xuất tranh kiếng, hiện vẫn còn nhiều hộ gia theo đuổi và gắn bó với nghề truyền thống này.
Trưng tranh kiếng là một nét đẹp trong ngày xuân của người Nam bộ. Ảnh: Mai Anh.
Vẽ tranh trên kiếng xuất hiện tại huyện Chợ Mới vào khoảng đầu những năm 1950 và từ lâu đã trở thành nghề thủ công truyền thống của vùng đất này. Dẫu đã qua thời hoàng kim của nghề, nhưng giờ đây vẫn còn những người thợ canh cánh mong muốn giữ vẹn hồn nghề trên từng khuôn kiếng.
Chập chững theo nghề từ khi chưa lên 10, đến năm 15 tuổi ông Nguyễn Thế Vinh (xã Long Điền B, huyện Chợ Mới) đã có thể nuôi sống gia đình từ nghề vẽ tranh kiếng. Dù không được đào tạo qua trường lớp, nhưng bằng kinh nghiệm cha ông truyền lại, cộng với sự khéo léo sẵn có, ông Vinh đã tạo nên những bức tranh lưu giữ hồn quê.
Gia đình ông Vinh được xem là những người đầu tiên truyền nghề vẽ tranh kiếng ở Chợ Mới. Ảnh: Mai Anh.
Giờ đây, dù đã 55 tuổi nhưng hàng ngày, ông vẫn miệt mài với từng đường cọ, nét vẽ. Với ông, đó không chỉ là niềm đam mê mà đó còn là cách để ông giữ vẹn hồn nghề trên khuôn kiếng.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Vinh cho biết: “Gia đình tôi theo nghề từ những năm 1957-1958. Ngày trước, cha tôi từ Cần Thơ lên đây, ông là người đầu tiên truyền nghề ra xứ này. Tranh kiếng người ta thích là vì nó bền, đẹp kiểu như hồi xưa. Người ta trưng ở bàn thờ ông bà, dù có cũ rồi nhưng lau chùi rồi cũng như tranh mới”.
Mỗi bức tranh kiếng là cả tâm huyết của người nghệ nhân. Ảnh: Mai Anh.
Cũng theo ông Vinh, xứ Bà Vệ vốn là nơi gắn liền với xuất xứ của loại tranh kiếng từ thời phổ biến bật nhất ở miền Tây. Hồi trước chỉ có những gia đình khá giả mới có tiền mua tranh kiếng, từ đó, người bán dạo tranh kiểng trên bộ, dưới sông rất tập nập, nhất là vào các dịp Tết Nguyên đán.
Khác với những loại tranh vẽ khác, tranh kiếng phải vẽ từ phía sau mặt kiếng, khi vẽ xong phía không có nét vẽ mới là mặt chính của tranh. Chính điều này làm nên nét độc đáo của tranh kiếng.
Mỗi bức tranh kiếng đều cần đến sự tỉ mỉ và tài hoa của người thợ. Ảnh: Mai Anh.
“Những bức tranh đã được hoàn thành phải qua nhiều khâu tỉ mỉ và công phu. Điều này đòi hỏi óc thẩm mĩ, sự khéo léo ở nghệ nhân, chỉ cần sai dù là một chi tiết nhỏ xem như phải bỏ cả bức tranh. Cái khó nhất là mực tàu, ra mẫu vì viết tách đó làm từ cộng lông gà tức ra làm làm sợi chỉ, càng nhỏ càng làm mới đẹp” - ông Vinh chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Hòa (xã Long Điền B, huyện Chợ Mới), người thợ phải tạo những nét cơ bản như những nét đen đầu tiên, sau đó mình mới vẻ lên trên kiếng. Kế đến mới vẽ những nét màu lên. Thông thường, tranh kiếng được khách hàng ưa chuộng thường là tranh phong cảnh, tranh sự tích, đặc biệt là tranh thờ,…
Tranh kiếng mang đậm nét đẹp văn hóa của người dân Nam bộ, là vật trưng Tết ý nghĩa những ngày xuân. Ảnh: Mai Anh.
Đi đôi với số lượng, những người thợ làm tranh kiếng cũng phải làm mới sản phẩm đáp ứng theo thị hiếu khách hàng. Không chỉ kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại vào trong tranh mà nội dung tranh phong phú và đa dạng. Dù đã có nhiều đổi thay, nhưng hồn nghề trên khuôn kiếng vẫn vẹn nguyên. Đó cũng là cách giúp làng nghề tranh kiếng ở đây phát triển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.