Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, chùa Bái Đính là cơ sở của Giáo hội, không thuộc sở hữu của tư nhân, doanh nghiệp nào
Như đã đưa tin, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà vừa ký văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị làm rõ căn cứ cho việc cấp hàng ngàn hecta đất tại Ninh Bình, Hà Nam để doanh nghiệp xây chùa Bái Đính và Tam Chúc.
Liên quan đến vấn đề này, dư luận cho rằng, việc tỉnh Ninh Bình và Hà Nam giao hàng ngàn hecta đất cho doanh nghiệp xây dựng chùa “khủng” sau đó kinh doanh là sự bất thường, có nhiều uẩn khuất cần được làm rõ.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó trưởng Ban kiêm Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình, Phó Trụ trì chùa Bái Đính và Tam Chúc (thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam); lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường để làm rõ các vấn đề nêu trên.
Thượng tọa Thích Minh Quang khẳng định, chùa Bái Đính và chùa Tam Chúc là cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. “Đây là cơ sở, nơi thờ tự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được quản lý, vận hành theo Hiến chương GHPGVN và pháp luật. Không có cơ sở tôn giáo, chùa chiền nào thuộc sở hữu của tư nhân và không có chùa doanh nghiệp”, Thượng tọa Quang nói.
Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2019 tổ chức thành công tại chùa Tam Chúc.
Phó Trụ trì chùa Bái Đính và Tam Chúc viện dẫn, cuối năm 2018 và đầu năm 2019, trước những “ồn ào” về việc doanh nghiệp xây chùa “khủng” để kinh doanh, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đã có văn bản gửi các cơ quan Trung ương khẳng định, chùa Tam Chúc, chùa Bái Đính là cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
“Mọi người thấy doanh nghiệp xây dựng chùa cứ nghĩ chùa là của họ, họ có quyền sở hữu và kinh doanh, điều này không đúng. Chính quyền địa phương giao đất cho Giáo hội Phật giáo, doanh nghiệp và các phật tử chỉ là đơn vị thi công chùa giúp cho Giáo hội, mọi người là công quả, hộ trì Phật giáo”, Thượng tọa Quang cho hay.
Thượng tọa Quang cho biết thêm, Bái Đính, Tam Chúc là những ngôi chùa cổ có từ nghìn năm, còn lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử văn hóa. Doanh nghiệp cùng phật tử giúp Giáo hội Phật giáo khôi phục, tôn tạo, xây dựng mở mang lại trên nền móng chùa cũ, không phải tự đặt ra xây mới.
Với diện tích rộng như vậy nhưng quá trình xây dựng không hề ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường xung quanh. Ngược lại các ngôi chùa còn làm tôn thêm vẻ đẹp nơi chùa hiện hữu, tạo không khí trong lành để nhân dân và du khách thập phương đến thắng cảnh.
“Hai ngôi chùa ngoài là nơi thờ phụng tâm linh tín ngưỡng tôn giáo, còn là nơi bà con nhân dân phật tử đến tĩnh tâm, tu tập và sinh hoạt cộng đồng như tổ chức các khóa tu học hướng thiện. Thúc đẩy phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương. Phục vụ công tác đối ngoại của đất nước, đặc biệt là đối ngoại về văn hóa, tôn giáo...”, Thượng tọa Thích Minh Quang chia sẻ.
Trước đó, phát biểu trước diễn đàn Quốc hội, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng khẳng định, không có “chùa BOT”. Tất cả chùa đều do Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý, tiền xây chùa là do Giáo hội, các địa phương và người dân đóng góp.
“Không có bất kỳ chùa nào có sự góp vốn đầu tư xây dựng từ những cá nhân, công chức tập thể với mục đích kinh doanh”, Hòa thượng Nghiêm khẳng định.
Trước những “ồn ào” về việc doanh nghiệp là chủ sở hữu hai ngôi chùa “khủng” là Bái Đính (Ninh Bình) lớn nhất Đông Nam Á và Tam Chúc (Hà Nam) lớn nhất thế giới, trao đổi với PV ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường khẳng định: “100% doanh nghiệp Xuân Trường “không có 1m2 đất nào” ở chùa Bái Đính và Tam Chúc”.
Đại gia Xuân Trường khẳng định, "không có 1m2 đất nào" ở chùa Bái Đính và Tam Chúc.
Vị đại gia đất Ninh Bình nói: “Tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về điều này” (khẳng định trên – PV). Ông Trường chia sẻ thêm, ông là người mến mộ Đức Phật, yêu thiên nhiên, trân trọng các giá trị lịch sử văn hóa của quê hương nên đã cùng các phật tử góp công, góp của để xây dựng chùa Bái Đính và Tam Chúc, đưa những điểm du lịch này của Việt Nam thành các di sản thế giới.
Ông Trường viện dẫn, thực tế cho thấy khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An sau khi được xây dựng đã tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2014 và được công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới sau đó. Chùa Tam Chúc cũng vừa tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2019 (ngày 12 – 14/5).
“Hai Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2014 và 2019 được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức thành công không chỉ là sự kiện văn hóa tôn giáo của Liên hiệp quốc mà còn là sự kiện đối ngoại nhân dân quan trọng, khẳng định với cộng đồng quốc tế sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với đời sống tự do tôn giáo của nhân dân. Đồng thời khẳng định vị thế, trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hiệp quốc. Đây cũng là dịp để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu hòa bình, năng động, sáng tạo với bạn bè quốc tế”, Thượng tọa Thích Minh Quang chia sẻ.
Thái Bá (Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.