Lần đầu tiên trong lịch sử: Lễ cảm ơn nông dân Việt Nam tại Pháp

TS văn học Trần Thu Dung (Paris) Thứ tư, ngày 03/09/2014 07:11 AM (GMT+7)
Thứ Năm ngày 10.2.2009, lần đầu tiên trong lịch sử nước Pháp, vị Thị trưởng Schiavetti tỉnh Arles đã tổ chức buổi cảm ơn công lao của những nông dân Việt đã giúp nước Pháp cải tạo vùng đất hoang Camargue. 
Bình luận 0

Chiến tích của nông dân Việt

Năm 1939-1940, Pháp đã cưỡng bức 20.000 nông dân Việt qua Pháp lao động với chiêu bài giúp nước Pháp- “mẫu quốc” đang nguy cơ đói trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Mỗi gia đình nông dân phải đóng góp 2 lao động, ai không có tiền thế chân, bỏ trốn, cha sẽ phải đi tù.

Họ được xếp là đội quân "không chuyên nghiệp", tuyển sang để lao động chân tay. Trong số đó, 500 nông dân được điều đến Camargue để trồng lúa. Nhiều người đã trở về Việt Nam sau 12 năm làm việc như tù khổ sai.

Camargue, từ một vùng đói nghèo hoang dại thành vựa thóc trù phú cung cấp gạo sạch cho nước Pháp.

Hàng năm, ở đây tổ chức lễ hội lúa rất đông vui thu hút khách du lịch. Nhưng chưa bao giờ nước Pháp nhắc đến công lao và sự gian khổ của người Việt đã đem kinh nghiệm bao đời lấn biển trồng lúa nước áp dụng tại đây.

Ông Lê Hữu Thọ, bao năm đau khổ thấy thành quả của mình và bạn bè bị lãng quên mỗi khi nhìn thấy lễ hội lúa đầy tự hào của người Camargue. Ông mong con cháu hiểu được chiến tích của nông dân Việt, trong đó có ông, đối với nước Pháp và tự hào nền văn minh lúa nước của ông cha. Song tất cả đều chìm lãng.

Chỉ đến lúc ông Pierre Daume - đi sưu tầm tư liệu, nhân chứng sống trong 4 năm liền viết về những người lao động cưỡng bức Đông Dương, tác giả mới thuyết phục được ông Thị trưởng Arles - đảng viên Đảng Cộng sản Pháp đứng ra làm lễ cảm tạ.

Thứ Năm ngày 10.2.2009, lần đầu tiên trong lịch sử nước Pháp, vị Thị trưởng Schiavetti tỉnh Arles đã tổ chức buổi cảm ơn công lao của những nông dân Việt đã giúp nước Pháp cải tạo vùng đất hoang này.

Rất tiếc trong buổi lễ chỉ có 10 người lao động trên nước Pháp còn sống và đủ sức khỏe để đến tham dự là các ông: Lê Bá Đảng, Phạm Văn Nhân, ông Henri Nguyen Sau, Thieu Van Muu, Tran Van Tan, Nguyen Trong Hoan, Bui Van Diem, Dinh Phung Kieu, Tran Van Trinh, Le Van Phu (tiếng Pháp không dấu, nên khó viết chính xác tên Việt).

Đa số nông dân Việt Nam được Pháp đưa về nước khi tình hình Đông Dương bất ổn. Một số ở lại vì lý do riêng. Nhiều người ở lại Pháp và đã mất, họ không bao giờ biết được hoặc chờ được ngày lễ tạ ơn muộn mằn này như ông Thọ. Vài người ở lại thành công như họa sĩ Lê Bá Đảng, đạo diễn Phạm Văn Nhân.

Người ở lại cũng đau khổ vì bị hiểu lầm, nên ngại trả lời phỏng vấn như ông Đoàn (lúc đó 95 tuổi) nói: "Vô ích, chẳng để làm gì", rồi đóng cửa không tiếp nhà báo. Họ không hy vọng nước Pháp sẽ cảm ơn nô lệ khổ sai một thời.

Khi nhận được giấy mời tới dự lễ cảm ơn, ông Lê Văn Phu viết một lá thư với giọng hài hước cho ông Thị trưởng: “Giá ông Pierre Daume phanh phui sớm vụ này trước 15 năm thì chúng tôi được tăng thêm trợ cấp hưu trí”.

Theo ông Maceron Gilles, khi hỏi Quốc hội về vấn đề trợ cấp hưu cho những người 12 năm lao động cưỡng bức, thì nhận được câu trả lời từ Bộ trưởng Bộ Tài chính Michel Charasse: “Họ không đóng bảo hiểm lao động”. Tức là chủ của họ khi tuyển thợ cưỡng bức Việt Nam đã được miễn thuế bảo hiểm, như sử dụng nô lệ.

Trên nguyên tắc theo luật bảo hiểm xã hội Pháp, người nước ngoài ở tuổi về hưu có quyền đòi nước Pháp trả cho họ tiền hưu. Cộng hòa Pháp vẫn đề cao khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Mới thấy không thể có được tự do, bình đẳng, bác ái nếu không có độc lập. Chẳng một ai trong số họ được hưởng trợ cấp 12 năm lao động khổ sai ở Pháp.

Theo hậu duệ của họ hiện đang sống ở Pháp, ông Richard Trịnh - con ông Trịnh Xuân Bộ, cha ông mang tiếng là tình nguyện đi nghĩa vụ công dân Pháp, nhưng không được hưởng quyền lợi của người Pháp, không được bỏ phiếu, không được gia nhập hội đoàn, không có thẻ căn cước, “mặc dù cha tôi nói - viết tiếng Pháp rất thạo và biết hầu hết văn chương Pháp”.

Ông đi phiên dịch với hy vọng thấy một nước Pháp tự do, bình đẳng, bác ái qua sách vở và vỡ mộng ngay khi đặt chân lên tàu cùng đồng hương bị cưỡng bức ra đi. Cũng chịu cảnh chung như những lính thợ, ông thấu hiểu hoàn cảnh đau đớn của “dân Pháp hạng 2, 3” dưới chế độ bảo hộ.

Cùng đội thợ nông dân, ông Bộ được đưa đến Arles trồng lúa và làm muối và là người duy nhất ở lại Salin de Giraud (khu người Việt làm muối ở Arles). Ông kết hôn với một phụ nữ Pháp. Các con của ông bị gọi là: “Mấy thằng nhãi ranh Tàu”.

Ông Lê Văn Phu - người từng đi làm muối ở Giraud đau buồn kể lại: “Kẻ thù của chúng tôi không chỉ là muỗi mòng mà còn là sự đói khát, thiếu thốn quần áo, giày vớ và nhất là nỗi nhớ quê”... Họ được trả lương bằng 1/10 so với lương người Pháp, và thậm trí chủ thuê không phải trả bảo hiểm lao động. (Theo “Ký ức của những người lao động Đông Dương ở Pháp”).

Quà tặng có giá trị

Trong buổi lễ, ông Thị trưởng đã phát biểu: “Các ông đã mang đến cho chúng tôi một món quà tuyệt vời nhất. Vùng Camargue giờ đây có 20.000ha lúa nước và đây là thứ quà mãi mãi có giá trị… Tôi xin chân thành cảm ơn…”. Phó Chủ tịch Liên đoàn Nông dân trồng lúa ở Camargue gửi lời cảm ơn chân thành đến những người thợ trồng lúa Việt Nam đầu tiên ở vùng này.

Thị trưởng đã trao huy chương kỷ niệm. Một số hậu duệ đến dự xúc động khi lần đầu tiên hiểu được nguồn gốc của ông cha mình. Một số báo Pháp như tờ Quan sát đăng tin này như một chuyện chưa từng có trong lịch sử nước Pháp. Nước Pháp đã nhận lỗi với dân nước thuộc địa hay đúng hơn “chủ” nhận lỗi với “nô lệ”. Như thế, gần 70 năm, công của những nô lệ hiện đại mới được thừa nhận. “Đây là sự thừa nhận dù chậm trễ nhưng thật lòng và đích thực”.

Bà Myriam - con gái ông Lê Hữu Thọ đã đọc diễn văn của cha chuẩn bị (ông đã mất trước ngày lễ ít lâu): “Giờ đây tôi đã vứt tất cả xuống dòng sông Rhône mọi nỗi căm giận và sự thất vọng... Nhiều người dân Arles đã làm giàu từ lúa gạo...

Cứ đến mùa lễ hội lúa, tôi đều yêu cầu người ta phải nêu tên những người lao động Việt Nam, nhưng câu trả lời vu vơ không hạn định là “Để sang năm xem sao…”. Thời Đức chiếm đóng, lúa gạo quý như vàng. Một kg lúa tương đương bao xi măng 50kg.

Nhiều người dân Arles đã giàu lên từ vài hecta đất trồng lúa... “Mỗi dịp lễ hội lúa gạo ở Arles vào tháng Chín, chẳng ai nhớ ơn hoặc trả lại công bằng cho đồng hương của tôi đã đem lại tiếng thơm cho vùng Camargue”.

Ông Gilles Manceron- Phó Chủ tịch Liên đoàn Nhân quyền, phát biểu với báo La Provence: “… Đây là sự kiện đầu tiên ở nước Pháp. Cho đến lúc này, nước Pháp chỉ giữ thái độ lờ hoặc khinh bỉ. Con đường dẫn đến việc tôn vinh như ngày hôm nay quả thật dài và khó khăn”. Một số người đến dự đem theo tư liệu những tấm ảnh thời xưa trong sự nghẹn ngào.

Dù muộn còn hơn không bao giờ. Buổi lễ là bằng chứng hùng hồn về chiến tích của nông dân Việt đối với văn minh Pháp đã được ghi công, dù chỉ ở mức địa phương và vinh danh cho nền văn minh lúa nước Việt Nam.

Một nước Pháp đã nhận lỗi với dân nước từng là thuộc địa hay đúng hơn “chủ” nhận lỗi với “nô lệ”. Như thế, gần 70 năm, công của những  nô lệ hiện đại mới được thừa nhận. “Đây là sự thừa nhận dù chậm trễ nhưng thật lòng và đích thực”. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem