1 nguyên đơn Mỹ yêu cầu điều tra gỗ ván cứng nhập khẩu từ Việt Nam

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 02/03/2020 11:49 AM (GMT+7)
Theo thông tin của Dân Việt, về việc xuất khẩu gỗ sang Mỹ, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nhận được thông tin về việc Liên minh thương mại công bằng gỗ dán cứng (nguyên đơn) gửi yêu cầu đề nghị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) điều tra áp dụng chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm ván ép gỗ cứng xuất khẩu từ Việt Nam.
Bình luận 0

Nghi ngờ hàng Trung Quốc chuyển sang

Trong công văn số 121/PVTM-P3 gửi Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam ngày 28/2/2020, Cục Phòng vệ thương mại cho biết, ngày 25/2, Cục nhận được thông tin về việc Liên minh thương mại công bằng gỗ dán cứng (nguyên đơn) gửi yêu cầu đề nghị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) điều tra áp dụng chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm ván ép gỗ cứng xuất khẩu từ Việt Nam.

Theo đó, sản phẩm bị yêu cầu điều tra là mặt hàng gỗ dán cứng (hardwood plywood) có mã HS theo phân loại của Hải quan Mỹ. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nói trên sang Mỹ là 309 triệu USD, tăng khoảng 950% so với năm 2016.

Nguyên đơn cho rằng sau khi áp thuế với mặt hàng của Trung Quốc, các nhà sản xuất của Trung Quốc đã chuyển các phần của sản phẩm này sang Việt Nam để thực hiện việc lắp ráp và tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ.

Nguyên đơn cũng cáo buộc rằng, các nhà máy lắp ráp sản phẩm gỗ dán cứng tại Việt Nam và nhà máy sản xuất tại Trung Quốc là các công ty liên kết, thực hiện hành vi lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đang áp dụng với sản phẩm của Trung Quốc.

Dựa trên cáo buộc này, nguyên đơn đề nghị DOC khởi xướng điều tra, xác định tồn tại hành vi lẩn tránh và áp dụng biện pháp trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận đơn kiện. Thêm vào đó, nguyên đơn cũng yêu cầu điều tra và áp dụng biện pháp với tất cả các nhà xuất khẩu sản phẩm bị cáo buộc của Việt Nam.

Được biết, tháng 1/2018, DOC đã ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp lên các sản phẩm gỗ dán cũng có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá là 183,36%; mức thuế chống trợ cấp là 22,98% - 194,9%.

Sau khi sản phẩm này bị áp thuế, DOC tiếp tục điều tra, xác định việc các nhà sản xuất của Trung Quốc đã thực hiện hành vi lẩn tránh thông qua việc thay đổi sản phẩm để tiếp tục xuất khẩu sang Hoa Kỳ hay không.

Tháng 11/2019, DOC khẳng định việc nhập khẩu sản phẩm gỗ dán mềm (softwood plywood) với lớp vỏ dán đang lẩn tránh biện pháp áp dụng với sản phẩm gố dán cứng.

img

Gỗ dán cứng xuất khẩu từ Việt Nam có nguy cơ bị Bộ Thương mại Hoa Ky điều tra chống bán phá giá. (Ảnh minh họa)

Sau khi sản phẩm gỗ dán cứng bị áp thuế, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm đi nhanh chóng, từ khoảng 800 triệu USD năm 2018 xuống còn khoảng 300 triệu USD năm 2019. Trong khi đó, sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam tăng lên nhanh chóng, từ 63 triệu USD năm 2017 lên 187 triệu USD năm 2018 và 309 triệu USD năm 2019.

Tháng 10/2019, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) đã tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp tạm thời đối với sản phẩm gỗ dán của doanh nghiệp Việt Nam trên cơ sở kết luận sơ bộ cho rằng có bằng chứng xác thực để nghi ngờ hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng cho hàng hóa của Trung Quốc.

Hiện, DOC vẫn đang xem xét có chấp nhận đơn kiện và khởi xướng điều tra của phía nguyên đơn hay không. Trong trường hợp bị xác định là lẩn tránh thuế, DOC sẽ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh với mức thuế mang tính trừng phạt rất cao (mức cao nhất áp dụng với hàng hóa của Trung Quốc) và có hiệu lực tại thời điểm khởi xướng. 

Đại diện doanh nghiệp nói gì?

Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hội Chế biến gỗ Bình Dương - cho biết, thực tế, các đơn vị quản lý nhà nước đã sớm có cảnh báo về việc nguồn gốc sản phẩm ván ép, nguy cơ dịch chuyển các nhà máy sản xuất ván ép từ Trung Quốc sang Việt Nam để né thuế từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

"Năng lực sản xuất ván ép của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây nhưng con số xuất khẩu không thể tăng đột biến như vậy được. Đây là điều đáng lo ngại, nếu thành hiện thực, có thể ảnh hưởng đến sản xuất, uy tín ngành gỗ, vì vậy, lực lượng chức năng như hải quan cần quyết liệt hơn với vấn đề này, để tránh những gian lận có thể xảy ra" - ông Liêm nói.

Cũng theo ông Liêm, đây chỉ là hiện tượng "con sâu làm rầu nồi canh", bởi thực tế cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ ngày càng lớn mạnh và hướng đến sự chuyên nghiệp, uy tín để chinh phục những thị trường khó tính.

Liên quan đến việc xuất khẩu gỗ ván ép từ Việt Nam sang Mỹ, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết, sau khi đứt gãy nguồn cung với các dòng sản phẩm ván, các nhà mua hàng Mỹ đã sang Việt Nam làm việc để nối lại.

"Nguyên vật liệu cấu thành sản phẩm ván ép cho phép được nhập khẩu 30% và nguồn nguyên liệu này đang nhập từ Trung Quốc, hiện đang bị đứt gãy bởi dịch Covid - 19. Đáng tiếc là chúng ta có nhiều doanh nghiệp sản xuất ván ép nhưng chỉ có 3 nhà máy đạt tiêu chuẩn đi Mỹ nên đã và đang đánh mất cơ hội lớn bởi chưa bao giờ ván đắt như bây giờ, tăng tới 10 - 15%" - ông Lập nói.

"Chúng tôi đang khuyến nghị các doanh nghiệp thay đổi công nghệ để đảm bảo an toàn về môi trường để tiếp cận thị trường Mỹ" - ông Lập nói thêm.

Sẽ mời các bên họp vào ngày 5/3

Nhằm ứng phó kịp thời với vụ việc, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp xuất khẩu, Cục Phòng vệ thương mại đề nghị Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam hỗ trợ thông báo tới các doanh nghiệp xuất khẩu liên quan của Việt Nam để chủ động xử lý vụ việc.

Trước mắt, các doanh nghiệp cần khẩn trương xem xét các quan điểm, ý kiến đối với các nội dung trong đơn kiện của nguyên đơn và sớm gửi Bộ Thương mại Mỹ.

Trong trường hợp DOC khởi xướng điều tra, các doanh nghiệp cần xem xét tham gia và hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra nhằm đảm bảo kết quả tích cực trong vụ việc. Đồng thời thường xuyên trao đổi, phối hợp chặt chẽ với Cục trong quá trình xử lý vụ việc.

Cung cấp cho Bộ Công Thương danh sách các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gỗ dán cứng sang thị trường Mỹ; cử đại diện đầu mối để phối hợp với Bộ Công Thương xử lý vụ việc.

Tham dự cuộc họp với Cục Phòng vệ thương mại dự kiến vào ngày 5/3/2020 để trao đổi tình hình sản xuất, xuất khẩu và phương hướng phối hợp xử lý. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem