Anh nông dân có tiền tỷ để trong... rừng

Xuân Khang   Thứ năm, ngày 17/12/2015 19:30 PM (GMT+7)
Cần mua xe máy, hay dựng nhà cửa, anh Hà Văn Din (SN 1975) ở xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ chỉ cần vào rừng dắt vài con trâu, con bò ra bán là xong. Đàn gia súc của anh Din có lúc lên đến cả trăm con. Sống ở nơi góc núi xó rừng, nhưng anh Din đã vươn lên làm giàu cho mình và giúp bà con xóa đói giảm nghèo.
Bình luận 0

Con đường bê tông xuyên qua khu rừng già của Vườn quốc gia Xuân Sơn dẫn vào xóm Luông đẹp tựa miền cổ tích. Ngôi nhà sàn chắc chắn, bền đẹp của anh Din nằm giữa xóm. Trước lúc vào xóm, ai cũng nghĩ người đàn ông nuôi trâu, bò, dê này sẽ suốt ngày bận bịu với đàn gia súc, nào ngờ anh Din lại đủng đỉnh như một công chức về hưu.

Anh thong thả thưởng trà cả buổi mà không vướng bận đến chuyện chăn nuôi. Người lữ khách sốt ruột hỏi: “Chắc anh phải thuê vài người trông nom trâu bò đấy nhỉ”. Anh Din cũng chẳng vội trả lời mà bảo, trà Tân Sơn ngon lắm. Vội gì. Đám trâu, bò ở trong rừng, chúng tự chăm nhau, đâu cần đến mình.

Thống soái cả khu rừng

Tan tuần trà, anh Din mới chịu đứng dậy dẫn chúng tôi vào rừng. Từ xóm đi vào khu gia trại của anh dài khoảng 1km. Con đường xuyên rừng này cũng do anh Din bỏ tiền ra làm. “Những năm trước đây muốn vào khu trại, anh phải đi bộ, giờ có thể đi xe máy vào gần đến nơi” - anh Din tự hào khoe. K

hoác bao ngô lên vai, anh Din vừa đi vừa huýt sáo vang xua tan cái tĩnh mịch của rừng chiều. Cái thú của anh Din là mỗi lần vào trang trại, anh sẽ được làm “thống soái” của đàn gia súc. Đến khu gia trại, anh Din đưa cái loa tay lên miệng “u u ú u u u…” là đám trâu, bò, dê dù đang tìm được bãi cỏ ngon cũng phải bỏ đó, nghe theo “hiệu lệnh” triệu tập, quay về nơi tập trung.

img

Hàng ngày, Hà Văn Din thường xuyên vào rừng để chăn trâu, dê. Ảnh: Xuân Khang

Sau vài lần hú, anh Din đưa đôi mắt nhìn về phía rừng già với ánh mắt tràn ngập niềm vui sướng. Anh tự tin khẳng định: “Lát nữa, đám trâu, bò sẽ lũ lượt kéo nhau về đây cho mà xem”. Anh Din vừa dứt lời, ở phía cửa rừng đã thấy từng đám cây rung rung. Tiếng chó sủa vang cả một góc rừng. Hóa ra con “vện” – đệ tử trung thành và đắc lực của anh Din đang đuổi đàn trâu, đàn bò trở về.

Dưới cái nắng yếu ớt nơi rừng già, bóng núi đổ dài đến khu gia trại, đám dê mấy chục con, cổ đeo lục lạc đang khẩn trương kéo về gia trại. Con nọ nối đuôi con kia tạo thành một hàng dài. Bầu đàn thê tử của gia đình nhà dê nom thấy bóng chủ, chúng lao thật nhanh tới. Chúng quây lấy anh như đón đợi một điều gì đó. Khi ấy, anh Din mới nhẹ nhàng lấy nắm muối trong túi tung ra đất cho đàn dê ăn.

Chúng tranh nhau nếm náp thứ gia vị mà ở nơi rừng già này khó mà kiếm được. Dường như chưa đủ “đô”, đám dê tiếp tục sán lại gần ông chủ mà đòi thêm. Mặc cho lũ dê con hà hít, rồi ngẩng mặt lên với thái độ cầu xin, nhưng anh Din dứt khoát không cho chúng ăn thêm. “Mình phải “mưu”, nếu cho nó ăn no nê, chúng không thèm trở về theo “hiệu lệnh” đâu.

Mỗi lần mình chỉ nên cho vài hạt, nhử chúng về cho quen thôi. Khi chúng đã nghiện món này thì cứ đúng giờ là chúng mò về”, anh Din nhìn đàn dê với thái độ của một người chủ cai quản cửa rừng mà lòng đầy hãnh diện khi giảng giải về “binh pháp” dụ đàn dê về chuồng.

Đàn dê con, dê mẹ còn chưa ổn định đội hình, đã thấy tiếng mõ trâu kêu lốc cốc bên sườn non. Dường như cả trăm tiếng mõ kêu dồn, tạo thành bản nhạc rừng quen thuộc nơi miền sơn cước. Từ khắp các cửa rừng dẫn về trang trại, đàn trâu, đàn bò nối đuối nhau về chuồng. Anh Din đứng trên căn nhà sàn dựng lên giữa bãi lại hú một hồi dài.

Tiếng hú đập vào vách đá rồi dội lại, nó chứa đựng niềm vui, như lời động viên, như sự ghi nhận của người chủ với đàn gia súc. Con trâu đầu đàn, thân hình vạm vỡ, hùng dũng đi về phía anh Din. Nó là con đầu tiên được ông chủ cho ăn muối. Rồi cứ thế lần lượt từng con được thưởng thức thứ gia vị mặn mòi của biển cả. Giống như đàn dê, chúng cứ bám lấy anh Din như đứa trẻ đón mẹ đi chợ về.

Tiếng dê kêu be be, tiếng trâu mẹ gọi con “ghé ngọ”, tiếng mõ trâu lốc cốc… như nói lên sự ấm no nơi rừng già. Tôi đứng trên gác cao của căn nhà sàn, đếm đi, đếm lại, mà không sao thống kê được đàn trâu, bò của anh Din. “Ở cái miền ngược này, chẳng bao giờ tôi kiểm trâu, bò vì cứ đôi tháng, chúng lại được bổ sung thêm vài con nghé. Chúng tự đẻ ở trong rừng. Con của chúng đủ ngày, đủ tuổi là nó dẫn về. Sau mỗi năm, đàn trâu, đàn bò lại tăng lên về số lượng” - anh Din chia sẻ.

Sự giàu có mà sung túc là những gì tôi cảm nhận được khi tiếp xúc với người đàn ông dám nghĩ, dám làm này. Anh còn kỳ công đào cái ao rộng trước nhà cho đám trâu đằm vào những ngày nóng bức. Mang tiếng là nuôi trâu, nuôi bò, nhưng anh Din chẳng mất công chăn dắt chúng. Đã thành cái lệ, ông chủ vào gia trại, là chúng khắc về. Tất cả là nhờ tài “điều hành” của anh Din. Đó cũng là bí quyết riêng của vị tỷ phú trẻ.

San sẻ cùng bà con làng xóm

Anh Din sinh ra và lớn giữa miền rừng núi bao la. Như bao thanh niên khác, lớn lên là lấy vợ, sinh con, gây dựng cuộc sống nơi núi rừng. Khác với những trai bản, anh Din đến giờ chưa lấy vợ, dường như anh đam mê làm kinh tế mà quên mất việc tìm một nửa của mình. Anh Din kể, những năm trước đây, gia đình anh còn nghèo lắm. Bố mẹ cày sâu, cuốc bẫm cả ngày mà vẫn thiếu cơm ăn, áo mặc.

Cả cái vùng Xuân Sơn này nằm lọt thỏm giữa Vườn quốc gia, đường sá đi lại khó khăn trăm bề. Núi rừng mênh mông là vậy mà cuộc sống của bà con vẫn cứ đói, cứ nghèo. Ngay từ những ngày khốn khó đó, bố anh Din đã động viên các con học hành cho thành người. Riêng anh Din học hết cấp II thì nghỉ, anh xin bố được ở nhà để chăn trâu, chăn bò. Anh Din tin rằng, một ngày nào đó xóm mình sẽ có đường, khi đó việc bán trâu bò sẽ dễ dàng hơn. 

  Theo bà Bàn Thị Ty -Trưởng xóm Luông, rừng nơi này rộng ngút ngàn, thức ăn đều từ ngoài tự nhiên, chỉ cần bà con dám làm là cơ hội thoát nghèo sẽ đến. Anh Din là “bà đỡ” cho kế hoạch này của xóm thành công. Tôi tin rằng, nếu như người dân dám thay đổi tư duy, cơ hội làm giàu của họ là rất lớn.    

Mỗi năm qua đi, đàn trâu của gia đình lại được bổ sung thêm “thành viên” mới. Anh Din nhận nuôi cả, chứ không bán. Số lượng trâu tăng nhanh, anh mới bàn với bố là di chuyển chúng vào trong lũng.

Có như thế, chúng mới đủ thức ăn và giảm công chăm sóc chúng. Cái ý tưởng đó của anh Din đã thành công mỹ mãn. Đàn trâu như cá gặp nước, chúng thỏa sức sống trong rừng mà kiếm thức ăn. Từ đó, cứ sau mỗi năm, số lượng đàn trâu tăng nhanh. Anh Din còn mua bò đưa vào lũng.

Người chủ “mát tay” nuôi con gì cũng nhanh lớn và khỏe mạnh. Ngoài đàn trâu, bò, dê, anh còn có đàn gà chín cựa 300 con. Con nào cũng chắc nịch như gà rừng. “Giờ đã có khách đặt mua hết đám gà trống chín cựa rồi. 300.000-350.000 đồng/kg. Giá đắt là vậy, nhưng chưa bao giờ tôi có đủ gà để bán” - anh Din tự hào khoe.

Sau 20 năm theo đuổi đàn trâu, giờ anh có tiền tỷ rủng rỉnh trong tay, chứ không phải lần hồi chạy ăn từng bữa như trước. Từ cách làm của anh Din, nhiều người trong xóm Luông cũng đã mở trại, nuôi gia súc trong rừng. Đàn trâu, đàn bò của bản được nhân lên nhanh chóng. Anh Din luôn mong muốn bà con mình tận dụng được lợi thế khi sống giữa khu bảo tồn trù phú này.

Hầu hết bà con nơi đây đều thuộc diện khó khăn, anh đã nghĩ ra cách xóa đói giảm nghèo cho họ là bán rẻ giống trâu, giống bò cho bà con. Một con trâu bán cho thương lái thu được khoảng 25-30 triệu đồng, khi bán cho bà con, anh chỉ lấy 10 triệu đồng.

Tất nhiên là anh phải ra điều kiện là bà con phải nuôi con trâu, con bò đó cho nó sinh sản. Nhờ cách làm này, rất nhiều hộ dân ở xóm Luông đã được hưởng lợi. Đàn gia súc của xóm Luông luôn nhiều nhất xã.

img

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem