Cung cấp con giống, quy trình nuôi sạch
Chia sẻ tại Giao lưu trực tuyến “Đối phó với cúm gia cầm bằng cách nào?” do Báo NTNN/Điện tử Dân Việt tổ chức, bà Ba Huân (tức Phạm Thị Huân) nói: "Được sự động viên của nhiều lãnh đạo bộ, ngành, thành phố, Ba Huân chúng tôi đã đầu tư nhà máy trên 100 tỷ để xử lý trứng gia cầm tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Tháng tới, chúng tôi sẽ đưa nhà máy vào hoạt động. Sau khi nhà máy khánh thành, chúng tôi sẽ thu mua trứng ở nhiều địa phương phía Bắc cho bà con nông dân. Bà con nông dân có thể đến tham quan nhà máy, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với nông dân, hướng dẫn bà con quy trình nuôi gia cầm và sản xuất trứng sạch, không lo cúm gia cầm".
“Chúng tôi cam kết thu mua trứng cho bà con, bà con yên tâm đầu ra bởi sản lượng bà con so với nhu cầu của nhà máy trứng sạch theo công nghệ Moba (Hà Lan) của chúng tôi cũng chưa gọi là nhiều” - bà Ba Huân nói.
Bà Ba Huân (giữa) hướng dẫn quy trình chăn nuôi cho nông dân ĐBSCL. Ảnh: Ngọc Thọ
“Trong nguy có cơ, trong thách thức có vận hội. Tôi đang nghĩ, biết đâu cúm gia cầm lại có khi là cơ hội cho những nhà sản xuất sạch khẳng định mình trên thị trường. Số liệu của chúng tôi thể hiện rõ, chưa có một doanh nghiệp chăn nuôi, sản xuất, chế biến... theo quy trình sạch, an toàn bị ảnh hưởng bởi cúm đợt này. Với những sản phẩm gia cầm như Ba Huân hay Dabaco... rất rõ nguồn gốc, được kiểm định rõ ràng, người tiêu dùng cứ an tâm dùng trứng, thịt của họ”.
Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) Đàm Xuân Thành
|
“Điều tôi trăn trở, qua giao lưu trực tuyến này, tôi muốn nhắn nhủ tới các hộ chăn nuôi cần tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã để nuôi theo quy trình sạch. Bà con nông dân, người nuôi cần phải tập hợp lại làm tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, bắt đầu từ 1 hộ gộp thành 10 hộ, từ 10 hộ thành 100 hộ, từ 100 hộ hợp thành 1.000 hộ để có quy mô lớn dần. Ba Huân không thể thu mua nhỏ lẻ cho bà con, chúng tôi có dàn xe chuyên thu mua sản phẩm trên khắp cả nước, chỉ những hợp tác xã có sản lượng khá, lớn hàng nghìn, hàng vạn quả trứng thì chúng tôi sẵn sàng đứng ra bao tiêu toàn bộ” - bà Ba Huân cho hay.
“Cũng không giấu gì, công suất của chúng tôi trên 65.000 quả trứng/giờ. Khi nhà máy tại Hà Nội đi vào vận hành, chúng tôi sẽ đưa con giống, quy trình sản xuất ra các tỉnh phía Bắc, hỗ trợ nông dân chăn nuôi gia cầm, tham gia sản xuất trứng sạch” - bà Ba Huân cho hay.
Nguyện cả đời gắn bó với nông nghiệp, sát cánh với nông dân
Dây chuyền xử lý trứng sạch theo công nghệ Hà Lan của Ba Huân. Ảnh: Ngọc Thọ
Nói về tâm huyết của đời mình, nữ nông dân điển hình thế giới do FAO trao tặng, một trong 20 người phụ nữ được Forbes xếp hạng là quyền lực nhất Việt Nam, bà Ba Huân chia sẻ: "Tôi yêu nông nghiệp, tôi yêu người nông dân. Nếu không có người nông dân thì làm sao có Phạm Thị Huân tôi đây. Nếu không có sự chân thành, gắn bó, tin tưởng tới vô điều kiện của người nông dân thì làm sao có Ba Huân ngày nay. Đại dịch cúm gia cầm 2003 rồi 2005, tôi đi khắp Đồng bằng sông Cửu Long thấy những cánh đồng trắng xóa, chuồng trại bỏ trống không, tôi xót xa qua. Từ thời khắc đấy, tôi tự dặn lòng mình: Dù bán hết tài sản đã có tôi cũng phải sở hữu những công nghệ xử lý trứng sạch hàng đầu thế giới. Và cuối cùng, nhờ công nghệ tốt, chúng tôi đã có được sản phẩm trứng rất sạch từ khâu trang trại tới bàn ăn.
Chúng tôi mong muốn người nông dân là một khâu quan trọng, then chốt trong chuỗi chăn nuôi khép kín của chúng tôi. Người nông dân giàu mạnh cũng nghĩa đóng góp cho sự vững mạnh của Công ty Ba Huân. Cúm gia cầm đáng ngại với chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ nhưng khi người nuôi tập hợp lại, có tiềm lực, được hướng dẫn quy trình thì không lo cúm nữa".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.