Băn khoăn với giá dịch vụ thủy lợi: Làm rõ hơn tác động tới nông dân

Thiên Ngân Thứ ba, ngày 15/11/2016 08:30 AM (GMT+7)
Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định và áp dụng giá dịch vụ thuỷ lợi thay cho “thuỷ lợi phí” là một chủ trương đúng, góp phần làm thay đổi nhận thức của xã hội về công tác thủy lợi từ “phục vụ” sang đúng bản chất “dịch vụ”... Tuy nhiên, chủ trương này cần có lộ trình thực hiện phù hợp, hiệu quả, nhất là đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các bên.
Bình luận 0

Làm rõ tác động đến nông dân

Liên quan đến việc chuyển từ “thủy lợi phí” sang “giá dịch vụ thủy lợi”, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận dự án Luật Thủy lợi hôm 8.11 đều cho rằng chủ trương này góp phần bảo đảm hiệu quả khai thác công trình thủy lợi, khuyến khích việc sử dụng nước tiết kiệm, giảm gánh nặng bao cấp từ ngân sách cho đầu tư xây dựng công trình thủy lợi.

img

Nông dân huyện Phúc Thọ (Hà Nội) vận hành máy bơm nước nhỏ lấy nước cho ruộng cấy vụ đông xuân 2016. Ảnh: Trần Quang

Nếu luật là cần thiết, thì phải làm rõ các mức phí, xây dựng phương án giá bán nước sản xuất phù hợp với đặc thù đồng ruộng từng địa phương. Đặc biệt, trong trường hợp mùa màng bị ảnh hưởng bởi hệ thống thuỷ lợi không cung cấp đầy đủ nước tưới thì quy định đền bù thiệt hại như thế nào?”. 

Ông Nguyễn Hữu Huân

Đại biểu Trần Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng đây là một chủ trương đúng, phù hợp với sự phát triển của ngành nông nghiệp, tuy nhiên cần có lộ trình thực hiện phù hợp và hợp lòng dân. Bởi lẽ, các khoản phí, thuế để làm nông nghiệp hiện đã là cao so với thu nhập của người nông dân nên cần nghiên cứu kỹ tác động đến bà con, chứ không chỉ đơn giản là ngôn từ rằng chuyển qua kinh tế thị trường thì phải là giá dịch vụ.

Trước đó, tại phiên thảo luận tổ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị quy hoạch thủy lợi phải gắn với đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chú ý đến đặc điểm của vùng, miền, khuyến khích xã hội hóa đầu tư các công trình thủy lợi, tạo điều kiện cho người dân sản xuất nông nghiệp được hưởng lợi nhiều hơn từ các công trình thủy lợi và phải phân định rõ chức năng của bộ, ngành, địa phương trong quản lý các công trình thủy lợi. Chính phủ, cơ quan soạn thảo dự luật cần làm rõ việc chuyển từ thủy lợi phí sang giá dịch vụ thủy lợi sẽ có tác động như thế nào đối với lĩnh vực nông nghiệp nói chung và đời sống bà con nông dân nói riêng.

Ông Nguyễn Hữu Huân – nguyên Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Phú Mỹ (xã Minh Quang, Ba Vì, Hà Nội) bày tỏ băn khoăn: “Nếu luật là cần thiết, thì phải làm rõ các mức phí, xây dựng phương án giá bán nước sản xuất phù hợp với đặc thù đồng ruộng từng địa phương. Đồng thời, quy định rõ mức hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng miễn giảm, nhất là hộ nông dân nghèo. Đặc biệt, trong trường hợp mùa màng bị ảnh hưởng bởi hệ thống thuỷ lợi không cung cấp đầy đủ nước tưới thì quy định đền bù thiệt hại như thế nào?”.

Cũng theo ông Huân, việc chuyển từ thuỷ lợi phí sang giá dịch vụ thuỷ lợi là hướng đi đúng, song phải làm sao để có lợi cho cả người nông dân và bên cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, cần tính toán xem với những công trình thủy lợi nhỏ, nội đồng, người dân đã tham gia đầu tư rồi thì việc cung cấp dịch vụ giá sẽ tính như thế nào để công bằng… “Thực tế cho thấy, những năm qua Nhà nước đã miễn thuỷ lợi phí song vẫn có nhiều người bỏ ruộng đồng vì trồng lúa thu nhập quá thấp, quá vất vả. Tâm lý bà con nông dân đã quen được miễn gần 10 năm qua, nay nếu phải mua nước để cấy lúa, trồng rau, chắc chắn bà con sẽ cảm thấy lo ngại” – ông Huân nói thêm.

Phải có lộ trình phù hợp

Theo Chi cục Thủy lợi TP.Hà Nội, hiện mỗi năm địa phương được ngân sách thành phố cấp bù thủy lợi phí khoảng 400 tỷ đồng. Ông Chu Văn Tuấn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho biết, đây là phần kinh phí giúp giảm đóng góp đáng kể cho người nông dân. Tuy nhiên, khoản kinh phí này thường được cấp chậm so với tiến độ, khiến một số doanh nghiệp, HTX được giao quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi không có đủ nguồn vốn thường xuyên để duy trì các hoạt động, sửa chữa bảo dưỡng máy móc, kênh mương, kể cả tiền cấp bù thủy lợi phí. Do đó, nếu chuyển sang cơ chế giá thị trường, có thể tình hình này sẽ được cải thiện.

Góp ý cho dự án Luật Thuỷ lợi mới đây, bà Trần Thị Quốc Khánh - đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cho rằng việc ban hành dự thảo luật là phù hợp, vì hiện nay đã có Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phí và lệ phí. Nước sạch là tài nguyên quý, không phải chỗ nào cũng có và nó càng ngày càng khan hiếm. Nếu chúng ta không quy định ngay từ bây giờ thì sẽ có tình trạng lãng phí, thiếu trách nhiệm trong bảo vệ nguồn nước. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa quen với các quy định này, nhất là ở những nơi khó khăn bởi có thể sẽ tạo thêm gánh nặng, nhất là vùng khó khăn về nguồn nước.

 “Vì vậy, để giảm khó khăn cho người dân, đề nghị Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan ngồi lại để tính toán cách sử dụng công trình thủy lợi như thế nào nhằm đảm bảo mục tiêu vừa tiết kiệm, vừa tái sử dụng nguồn nước hiệu quả. Theo tôi, cũng không nên xây dựng hồ đập lớn như trước, giờ cần phải hướng tới tiết kiệm công nghệ cao, tránh lãng phí và tham nhũng” – bà Khánh nêu.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Lê Viết Chữ (Quảng Ngãi) cho biết: “Dự án Luật Thủy lợi sẽ là cơ sở pháp lý để quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên nước, mà tài nguyên nước là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, dự luật này chưa bao quát hết các nội dung cần thiết có liên quan đến lĩnh vực này và cần mở rộng thêm về quản lý sử dụng tài nguyên nước. Nước là tài nguyên quý giá, hữu hạn nên chúng ta phải sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, do đó cần đặt trong mối quan hệ kinh tế thị trường xem chỗ nào sử dụng không hiệu quả  thì không được sử dụng. Tiếp đó là giá cả. Bản chất của cung - cầu là cạnh tranh nên phải tuân thủ cơ chế thị trường, như vậy người ta sẽ sử dụng nó tiết kiệm và hiệu quả”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem