Bén duyên ba kích tím, ông Sính thoát nghèo

Chiến Hoàng Thứ sáu, ngày 22/11/2019 17:42 PM (GMT+7)
Rừng nhiều, đất rộng mà bao năm quẩn quanh với cái đói cái nghèo, ông Giàng Seo Sính, trú thôn Vằng Doọc (xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) không cam chịu đã quyết định lặn lội lên tận vùng rừng núi Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc để mang về giống cây ba kích tím trồng thử nghiệm và mang lại kết quả bất ngờ.
Bình luận 0

Bén duyên ba kích tím

Từ trung tâm xã Bình Trung của huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) lên bản người Mông ở Vằng Doọc chưa đến 10km mà mất tới gần 1 giờ đồng hồ. Dù không đoạn nào phải xuống xe đi bộ mà mồ hôi ai cũng ướt sũng lưng áo.

Sau gần 1h đồng hồ leo dốc, phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt cũng đến được nhà ông Giàng Seo Sính - người đã mạnh dạn tiên phong mang giống cây ba kích tím về trồng giữa núi rừng heo hút này. Nhà ông Sính có thể nói là khang trang vào loại nhất nhì trong vùng, bao quanh ngôi nhà là bạt ngàn ba kích tím xum xuê, tươi tốt.

Bà Lý Thị Nhân, vợ ông Sính cho biết, có được như hôm nay cũng nhờ vào loài cây ba kích tìm cả. Người Mông Vằng Doọc này trước đây chủ yếu sống dựa vào lâm sản phụ từ rừng tự nhiên, chỉ đủ ăn thôi. Giàng Seo Sính không chịu, nó bảo đất rộng mà chỉ biết chặt, bẻ, hái, đào, không biết trồng là nghĩ cong rồi, nghĩ thế thì khác nào búp măng bị sâu ăn ngọn, không thành cây, thành rừng được, bà Nhân nói.

Ngồi trong nhà, nghe tiếng xe máy vọng từ trên dốc, gần lắm nhưng phải gần 10 phút sau mới thấy Giàng Seo Sính vào đến cổng, cũng vì đường khó mà nên nỗi vậy. Ông Sính bảo, vừa mang hàng ba kích tìm sang Thái Nguyên cho khách về. Khách hàng mua ba kích tìm của ông chủ yếu ở 2 tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên, xa tí nhưng được cái giá bán ổn định.

img

Ngoài trồng rừng, cây ăn quả, kết hợp trồng cây dược liệu, ông Giàng Seo Sính còn nhân giống cây ba kích để bán cho người có nhu cầu. Ảnh: Chiến Hoàng

Dẫn phóng viên ra khu vực đồi rừng trồng ba kích tím, Giàng Seo Sính cho biết, đất ở đây tưởng không trồng được gì, bởi khu vực này trước kia khi dòng Phó Đáy nên bị pha cát và rất xốp, ấy mà trồng cây ba kích lại hợp.

Không chỉ trồng ba kích tím lấy củ, Giang Seo Sính còn ươm giống, bán cây ba kích con. Vườn ươm cây ba kích của ông tuy không rộng và chuyên nghiệp như những vườn ươm thường thấy. Tuy nhiên cây ba kích con lại sinh trưởng tốt, tỉ lệ sống cao. Hiện ông có hơn 1 vạn cây ba kích giống, hằng năm cho thu riêng từ cây giống cũng hơn 20 triệu đồng. Ông bảo tới đây sẽ mở rộng diện tích lên khu vực vườn rừng của gia đình.

Lấy ngắn nuôi dài

17ha rừng đã được Giàng Seo Sính phủ xanh bằng cây mỡ, cây keo cùng nhiều cây ăn quả khác. Ông tính khai thác, chặt tỉa rồi cấy giống ba kích tím lên đó.

“Lấy ngắn nuôi dài thôi, chứ nhà nghèo, trông vào cây mỡ, cây keo phải 7-10 năm mới được khai thác thì treo nồi đấy. Hiện tôi cũng đang có 10.000m2 trồng cây nghệ. Nghệ giá khá rẻ, đầu ra cũng phập phù nên gia đình đã chủ động nghiên cứu, học hỏi rồi mua máy chế xuất bột nghệ bán ra thị trường. Bán bột nghệ được giá hơn”, ông Sính nói.

13ha cây keo của Giàng Seo Sính chỉ độ 3 năm nữa là cho khai thác, công sức nhiều năm vun trồng của gia đình Giàng Seo Sính giữa non cao này sắp được đền đáp. Ông Sính cho biết, mỗi 1ha cũng cho thu trung bình 90 triệu đồng. Tôi đã lên kế hoạch sau khai thác cho diện tích này rồi.

"Có gì là không khó đâu, nhưng thấy khó không làm thì đói cái bụng lắm. Vì đó mà vợ chồng tôi đã mua gom đất đồi của bà con để trồng rừng. Những ngày tháng ấy vất vả không kể xiết, gạo không có vào nồi nên phải tính phát triển thêm những cây ngắn ngày, nuôi cá… để giải quyết trước mắt thôi...", ông Sính tiết lộ.

Nhớ lại những ngày chạy xe máy rong ruổi lên mãi tận Tam Đảo, Vĩnh Phúc tìm mua giống ba kích tím, Giàng Seo Sính cười bảo, cứ đi thế thôi chứ có biết trồng được hay không đâu. May mà hợp đất. Được cái cây ba kích trồng dễ, ít sâu bệnh, mà có sâu ăn lá cây cũng không chết được, đầu tư cũng ít, chỉ sau 2 năm đã cho thu hoạch rồi.

"Gia đình tôi trồng 1 vạn cây,  sống đến 98%, giờ còn 4000 cây chưa đào. Mỗi cây trung bình cũng cho từ 1-3kg củ, với giá hiện nay 150.000đ/1kg củ tươi, gia đình túc tắc cũng đủ sống. Tôi trồng thêm cả chôm chôm và mấy trăm cây trà hoa vàng, đang phát triển tốt lắm", Giàng Seo Sính hồ hởi.

Trao đổi với phóng viên, ông Triệu Văn Phùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Trung cho biết, từ khi ông Giàng Seo Sính thực hiện mô hình trồng rừng kết hợp cây dược liệu, cây ăn quả, kinh tế gia đình rất vững. Riêng trồng cây ba kích tím, năm 2019, Hội Nông dân xã đã tổ chức cho nhiều hội viên xuống thăm để học tập mô hình này.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đăng ký với gia đình ông Giàng Seo Sính để được cung cấp giống cây ba kích tím với mục đích nhân rộng mô hình ra toàn xã. Hiện đã có 10 hộ tham gia trồng cây ba kích tím”, ông Triệu Văn Phùng cho biết thêm.

“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem