Mới xuất hiện đã lây lan chóng mặt
Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh đang có khoảng 11.000ha sắn. Bệnh khảm lá mì dù mới xuất hiện nhưng đang lây lan với tốc độ chóng mặt, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu.
Trên địa bàn tỉnh, giống sắn KM 505 và HL-S11 được ghi nhận đang bị nhiễm bệnh. Ðể tránh lây lan, ngành BVTV tỉnh đang khuyến cáo người dân phun thuốc trừ bọ phấn trắng, phát hiện sớm, nhổ bỏ và tiêu hủy cây bị bệnh để tránh lây lan.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh (giữa) khảo sát bệnh khảm lá sắn ở Tây Ninh. Ảnh: Thanh Nhi
Sở NNPTNT cũng đề nghị chính quyền các xã khuyến cáo nông dân không sử dụng hom giống có nguồn gốc từ tỉnh Tây Ninh, để tránh bệnh bùng phát thành dịch. Trong khi đó, diện tích mì nhiễm bệnh ở Tây Ninh đã lên đến hơn 31.000ha, tương đương 91% tổng diện tích mì toàn tỉnh. Thời điểm này, bệnh đã lây sang các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Ðồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Ðăk Lăk.
Vùng trồng sắn ở Tây Ninh cũng ghi nhận tình trạng khan hiếm nguồn giống kháng bệnh, khiến một số nông dân đánh liều xuống giống bằng các hom sắn đã nhiễm bệnh từ vụ trước.
Ông Trần Văn Ngọc - người trồng sắn ở huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) kể thời gian qua, giống sắn KM94 được ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo là ít nhiễm bệnh nhưng lại không đủ giống để cung cấp cho người dân. “Đây cũng là nguyên nhân khiến thương lái mua cây sắn không rõ nguồn gốc từ nhiều địa phương khác về bán cho người dân làm giống”- ông Ngọc kể.
Trước đó, trong tháng 6, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã kiểm tra và phát hiện một hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Xuyên Mộc kinh doanh số lượng lớn giống sắn HL -S11. Đây là giống sắn có nguy cơ lây nhiễm bệnh khảm lá cao. Chi cục đề nghị chủ hộ tiêu hủy ngay lô giống trên theo quy định.
Nghiêm cấm mua bán, trồng giống HL-S11
Bệnh khám lá sắn đến nay vẫn chưa có thuốc chữa trị. Ảnh: Nguyên Vỹ
Mới đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã ký ban hành Chỉ thị số 5957 đề nghị UBND các tỉnh có trồng sắn tăng cường chủ động phòng chống bệnh khảm lá, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất sắn trong toàn quốc. Chỉ thị cũng lưu ý phải cấm vận chuyển hom giống ra khỏi vùng dịch hoặc địa phương khác. Thông tin tuyên truyền, hướng dẫn nông dân, người sản xuất không trồng các giống sắn đã xác định nhiễm bệnh nặng. Đặc biệt, nghiêm cấm mua bán, trồng giống sắn HL-S11.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị các địa phương nghiêm túc áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh theo hướng dẫn trong quy trình kỹ thuật phòng trừ mà Cục BVTV đã ban hành; tích cực tổ chức phòng trừ bọ phấn là môi giới truyền bệnh; khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trồng sắn chuyển sang cây trồng khác, hoặc không trồng sắn ít nhất 1 vụ để cắt nguồn bệnh.
Theo Cục Trồng trọt, lũy kế nửa đầu năm 2018, diện tích gieo trồng sắn của cả nước khoảng 76.500ha; giảm 2.277ha. Trong đó, khu vực Đông Nam Bộ đạt 73.670ha, giảm 559ha; vùng ĐBSCL đạt gần 2.100ha; giảm gần 2.840ha. Sản lượng xuất khẩu sắn nửa đầu năm 2018 ước đạt 1,5 triệu tấn; đạt 560 triệu USD, giảm 24,6% về khối lượng.
Còn theo báo cáo của Cục BVTV, hiện nay các tỉnh Đông Nam Bộ (Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu) có tổng diện tích sắn nhiễm bệnh là 22.128ha, trong đó Tây Ninh có diện tích nhiễm bệnh cao nhất 21.036ha.
Lan rộng ra 10 tỉnh
Tại hội nghị bàn giải pháp phòng chống bệnh khảm lá ngày 28.8, đại diện Cục BVTV cho biết, tính đến ngày 20.8, diện tích sắn nhiễm bệnh khảm lá đã lên tới hơn 36.136ha (tăng khoảng 84% so với năm 2017), thuộc 10 tỉnh, thành. Trước tình hình dịch bệnh lây lan ngày càng nghiêm trọng, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh chỉ đạo tất cả các ngành, địa phương phải thống nhất nhìn nhận khảm lá sắn là căn bệnh nặng và tất cả giống sắn từ Tây Ninh là giống đã nhiễm bệnh. Các tỉnh chưa có diện tích lây nhiễm cũng không thể lơ là, chủ quan được nữa. Hệ lụy do dịch bệnh gây ra không chỉ nông dân mà còn hàng trăm nhà máy chế biến xuất khẩu sắn bị ảnh hưởng.
Với Cục BVTV, Thứ trưởng đề nghị Cục BVTV tham mưu với Bộ trưởng Bộ NNPTNT lập Ban chỉ đạo cấp quốc gia. Đồng thời phải lập tổ công tác do thường xuyên có mặt ở các tỉnh để bám sát trực tiếp, tham mưu và chỉ đạo ngay tại chỗ. Cục Trồng trọt và các trung tâm nghiên cứu giống, phải đánh giá lại tính kháng của các giống sắn hiện đang sản xuất. Ưu tiên số một là phải tìm giống kháng bệnh. Về phía Trung tâm Khuyến nông quốc gia, phải gắn với trung tâm từ các tỉnh, huyện cùng bàn biện pháp quản lý, hạn chế lây lan, dập dịch.
V.N
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.