Bị phạt "thẻ vàng", xuất khẩu hải sản sang châu Âu tụt xuống thứ 5

Thục Anh Thứ tư, ngày 25/09/2019 17:08 PM (GMT+7)
Xuất khẩu hải sản sang châu Âu đang giảm rõ rệt, kể từ khi thị trường này phạt "thẻ vàng" đối với hải sản Việt Nam, do không đáp ứng được các yêu cầu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Bình luận 0

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường EU đang giảm rõ rệt. So với năm 2017, xuất khẩu năm 2018 giảm 6,5% còn gần 390 triệu USD. 8 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 251 triệu USD. Từ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu hải sản của EU, Việt Nam đã tụt xuống đứng thứ 5 và tỷ trọng của thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13%. 

Đây là kết quả của việc từ tháng 10/2017, EU phạt "thẻ vàng" IUU đối với VIệt Nam.

img

Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định

Chia sẻ tại Hội nghị đánh giá hai năm chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU diễn ra tai TP.HCM sáng nay, ông Huỳnh Thanh Lĩn, Giám đốc Công ty Hải Vương có trụ sở tại Khánh Hòa, cho biết trước khi EU cảnh báo thẻ vàng, hàng xuất sang EU của công ty ông được thông quan tự động, nhưng sau thẻ vàng, mỗi lô hàng phải mất tới 7-10 ngày kiểm tra, trong thời gian đó là rất nhiều chi phí đi kèm.

Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định, cũng thấm thía tác động của thẻ vàng IUU đối với hai nhà máy gần 1.000 lao động của mình. Sau thẻ vàng, đơn hàng đi châu Âu của công ty bà bị kiểm tra 70-80%, các lô hàng thường bị ách lại 10-15 ngày, thậm chí 20 ngày, khiến chi phí tăng 15-20%. Doanh số hàng đi châu Âu giảm từ 40-60 triệu USD/năm xuống còn 20-30 triệu USD/năm.

Công ty Phillips SeaFood của ông Đặng Thành Pha vốn chuyên về ghẹ, có trụ sở tại Khánh Hòa thậm chí đã mất hẳn thị trường châu Âu sau thẻ vàng, vì không lấy được giấy phép, do nguyên liệu công ty nhập chủ yếu từ miền Tây với cảng Kiên Giang chưa được cấp phép.

Để khắc phục tình trạng thẻ vàng, ông Huỳnh Thanh Lĩn cho rằng cần coi ngư dân là vấn đề mấu chốt, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để ngư dân tuân thủ được các quy định của chống khai thác IUU. Có điều như ông Đặng Thành Pha, sự chuyển biến của ngư dân là rất thấp.

img

Ông Huỳnh Thanh Lĩn, Giám đốc Công ty Hải Vương

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Vasep nhận xét ngư dân là những người rất đặc biệt, họ quan niệm đi biển và độc lập, không lệ thuộc vào ai nên tính tuân thủ không cao. Vì thế, việc tuyên truyền cho ngư dân và các chủ tàu cá các quy định cần thực hiện khi ra khơi là rất quan trọng.

Bà Thu Sắc cho rằng, để gỡ bỏ thẻ vàng, trong giai đoạn năm 2020, có ba vấn đề cần giải quyết: Chấm dứt các tàu cá đánh bắt vi phạm IUU, đầu tư vào các máy định vị GPS trên tàu cá, cải tiến hệ thống phần mềm lấy thông tin từ các tàu thuyền về tới cảng, làm sao có được phần mềm riêng từ vùng tỉnh này đến vùng tỉnh khác, tránh trường hợp có những tàu đánh bắt ở vùng này đến bán cá ở vùng khác.

Còn vấn đề nâng cấp hệ thống hạ tầng cảng cá, hay nuôi trồng trên biển nên được coi là kế hoạch dài hạn.

“Nếu thẻ vàng chuyển qua thẻ đỏ là điều rất khủng khiếp với doanh nghiệp hải sản. Cố giữ thẻ vàng để có thời gian củng cố hoàn chỉnh lại hệ thống đánh bắt của Việt Nam là mong muốn của Vasep cũng như các doanh nghiệp đồng hành với các cơ quan nhà nước nói không IUU”, bà Thu Sắc phát biểu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem