Chị Hạnh cho biết, chị bén duyên với nghề trồng nấm từ gần 8 năm nay. Chị bắt đầu học nghề trồng nấm từ lớp học dạy nghề ngắn hạn do Hội ND thành phố Đà Nẵng tổ chức. Từ đây, chị bắt đầu tìm hiểu, vay vốn đầu tư để phát triển nghề trồng nấm.
Mỗi tháng chị Hạnh cung cấp ra các chợ 1 tấn nấm, trừ chi phí lãi 15 triệu đồng/tháng.
Khi mới lập trại, chị vấp phải nhiều thất bại do kinh nghiệm chưa có, việc áp dụng kỹ thuật vào trồng nấm chưa được bài bản. “Lúc đầu tôi được hội nông dân hỗ trợ 60 bịch nấm về treo thí điểm, thấy hiệu quả nên bắt tay vào làm. Tuy nhiên, khi làm lại vấp phải nhiều trở ngại. Ban đầu trồng thí điểm vào mùa hè 1.000 bịch thì hiệu quả. Sau đó, đến mùa đông tôi tiếp tục làm lên 3.000 bịch thì nấm bị hỏng do không biết cách chăm sóc. Rồi hỏng do làm nhiên liệu không đảm bảo khiến bịch nấm bị sâu bệnh”, chị Hạnh chia sẻ.
Sau thất bại, chị tìm đến các trại trồng nấm hiệu quả để học hỏi thêm kinh nghiệm. Vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, đến nay chị Hạnh đã có nhiều kinh nghiệm quý trong việc trồng nấm.
Theo chị Hạnh, sau khi trồng nhiều loại nấm, chị chọn nấm sò để đầu tư sản xuất bởi loại nấm này có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng.
Với diện tích 400m2, chị trồng gối đầu mỗi năm 3 vụ, mỗi vụ trồng trên 10.000 bịch. Mỗi tháng chị cung cấp ra thị trường 1 tấn nấm, với giá bán bình quân 35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, chị bỏ túi 15 triệu đồng/tháng.
Theo chị Hạnh để trồng nấm đạt hiệu quả kinh tế cần “hãm” ngày thu hoạch bằng cách cân bằng độ ẩm.
“Trồng nấm sò không khó, nhưng đòi hỏi người trồng phải tỉ mỉ, chịu khó từ khâu chọn nguyên liệu cho đến khâu xử lý, tưới nước cũng như chăm sóc. Nghề trồng nấm không chỉ cần sự tỉ mỉ, kiên trì mà còn đòi hỏi người trồng biết quan sát, để ý từng thời kỳ phát triển của nấm để có sự can thiệp kỹ thuật kịp thời. Bên cạnh đó, việc thu hoạch nấm sớm hay muộn cũng ảnh hưởng đến chất lượng nấm để bán được giá hay không trên thị trường”, chị Hạnh chia sẻ.
Nói về bí quyết trồng hiệu quả, chị Hạnh cho biết: “Để trồng nấm đạt hiệu quả kinh tế cao cần đảm bảo nhiều yếu tố. Quan trọng là điều tiết sao cho nấm ra đúng thời điểm để đạt hiệu quả cao. Chẳng hạn chị thường có sự điều tiết, “hãm” để nấm ra vào những ngày rằm, mùng một bán giá cao, bằng cách cân bằng độ ẩm từ việc hạn chế tưới nước. Độ ẩm để nấm phát triển là 60-70 độ C, do vậy chỉ cần hạn chế sao cho độ ẩm đủ để nấm phát triển…”.
“Vào những ngày trời mưa, nhiều người nghĩ độ ẩm cao nên không cần tưới cho nấm. Tuy nhiên, trời mưa mà có gió đông bắc vẫn cần phải tưới nước cho nấm phát triển, nhưng không được tưới nước nhiều, nấm sẽ bị hỏng do nhiễm khuẩn, nhiễm bệnh. Đối với nấm sò cần trồng ở nhiệt độ từ 20-30 độ C là chuẩn. Quy trình phát triển của nấm từ lúc làm bịch đến thu hoạch là 3 tháng rưỡi. Theo kinh nghiệm của tôi, khi ươm bịch nấm vào mùa đông thường 30 ngày là treo bịch, còn mùa hè từ 20-22 ngày là treo bịch….”, chị Hạnh chia sẻ thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.