Làm nông sẽ gắn với... du lịch
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho rằng những sản phẩm đặc trưng của Cần Giờ như khô cá dứa cần được xây dựng thương hiệu. Ảnh: H.P
Trong buổi gặp gỡ với Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Ngô Văn Lâm - người dân nuôi tôm ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ kiến nghị thành phố đầu tư hệ thống cống thủy lợi, kéo điện ba pha đến đầm để thuận tiện việc nuôi tôm. Bên cạnh đó, thành phố cũng nên đầu tư đường đê vận chuyển để tư thương có thể vào tận ruộng mua muối cho người dân giá cao hơn.
|
Ông Lê Minh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, trên địa bàn có gần 2.700 hộ nuôi trồng thủy sản, trong đó chủ yếu là nuôi tôm. Bên cạnh đó, năm 2016, Cần Giờ còn hơn 700 hộ sản xuất muối theo phương thức truyền thống và muối kết tinh trên ruộng trải bạt. Năm nay thời tiết thuận lợi cộng với việc áp dụng phương thức sản xuất mới nên sản lượng muối tăng lên. Tuy nhiên, giá muối tiêu thụ bình quân chỉ 300 – 550 đồng/kg và có xu hướng giảm. Trong khi đó, giá thành sản xuất bình quân 613 đồng/kg. Cũng theo ông Dũng, do điều kiện thổ nhưỡng nhiễm phèn, mặn nên diện tích trồng lúa chủ yếu là luân canh tôm – lúa, năng suất thấp.
Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết thêm, trong thời gian tới, huyện sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và phương thức canh tác của nông dân theo hướng đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, chuyển đổi diện tích sản xuất muối sang nuôi tôm, cua, cá nhưng phải gắn với cơ sở chế biến và phát triển du lịch.
Nông dân có nhà yến thì “quá ngon”
Cái khó của huyện Cần Giờ hiện nay, theo lãnh đạo địa phương này là sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, sản xuất muối còn thô sơ, sản phẩm chưa thể xuất khẩu… do đó thu nhập của nông dân còn bấp bênh. Bà Nguyễn Huỳnh Trang-Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, hằng năm sản lượng muối huyện Cần Giờ sản xuất được khoảng 94.000 tấn nhưng chỉ tiêu thụ được khoảng 45.000 tấn. Phần còn lại phải “nằm ruộng” chờ tạm trữ hoặc chịu tồn kho. Nguyên nhân là do muối Cần Giờ không đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu, chỉ tiêu thụ được tại TP.HCM. Để giải quyết vấn đề này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đề xuất cho vay mỗi hộ từ 300-400 triệu đồng để xây nhà nuôi yến.
Ông Trần Minh Hòa - một điển hình nông dân sản xuất giỏi tại xã Lý Nhơn (có thu nhập 2-3 tỷ đồng mỗi năm từ nuôi tôm, nuôi yến) cho rằng, nếu được hỗ trợ nhà yến cho các hộ nông dân như vậy thì “quá ngon”. Ông Hòa nói thêm, hiện giá yến từ 19-20 triệu đồng/kg, một tháng tổng chi phí điện, nước chỉ 500.000 - 600.000 đồng/nhà mà đầu ra của yến thì không phải lo vì có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, thậm chí không đủ để bán.
Bí thư Đinh La Thăng cho rằng, việc chuyển đổi sản xuất là bắt buộc vì làm muối tại Cần Giờ hiện không hiệu quả. Ông yêu cầu các sở, ngành phải tập trung mọi nguồn lực để lo cho Cần Giờ, không thể để một thành phố lớn mà lại có một huyện người dân quá khó khăn. Ông Thăng cũng yêu cầu đánh giá lại khó khăn của từng xã, xây dựng cơ sở dữ liệu thủy văn, khí hậu... để từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất khoa học. Theo ông, việc cần làm ngay hiện nay là phải xây dựng thương hiệu sản phẩm cho nông sản Cần Giờ. Mặt khác, phải có ngay đề án để hỗ trợ người nông dân nuôi yến, hình thành các vùng sản xuất tập trung nuôi tôm, nuôi yến thì mới thu hút được doanh nghiệp tham gia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.