Bí thư Thành ủy Hà Nội đi kểm tra và tặng quà cho công nhân vận hành Trạm bơm dã chiến Phù Sa. Ảnh: K.Lực
Nhiều tỉnh đạt 100%, đề xuất rút ngắn 3 ngày
Khác với lo lắng thiếu nguồn nước, tiến độ lấy nước năm nay đã đạt và vượt so với kế hoạch ban đầu đề ra. Kết thúc Đợt 1 lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2019-2020 ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, đã có gần 54% diện tích được cấp đủ nước.
Trong dịp Tết Nguyên đán, do có mưa trên diện rộng cho khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ với tổng lượng mưa phổ biến từ 60-90 mm và các địa phương vẫn tranh thủ vận hành công trình tiếp tục lấy nước nên diện tích có nước đã tăng đáng kể.
Tính đến 4h ngày 6/2, đã có 3 địa phương cán đích, lấy đủ nước cho 100% diện tích gieo cấy là Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hải Phòng; các địa phương khác đạt ở mức cao như: Thái Bình (99,62%), Hưng Yên (99,17%), Nam Định (96,45%), Phú Thọ (95,65%), Ninh Bình (94,33%) Bắc Ninh (93,63%), Hải Dương (92,48%)... Riêng TP. Hà Nội, diện tích lấy nước là 67.000ha, đạt gần 75% - mức cao so với cùng kỳ năm trước (đạt 40%).
Làm việc với đoàn công tác, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội đề nghị Bộ NN-PTNT giảm bớt 3 ngày xả nước trong đợt 2 và tăng cường xả nước vào dịp 18-22/2 để tiết kiệm và đảm bảo lấy đủ nước cho gieo cấy vụ Đông Xuân 2019-2020.
Đồng tình với đề xuất này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề xuất cơ chế điều hành linh hoạt, đảm bảo cấp đủ nước gieo cấy cho Hà Nội. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tính toán, việc rút ngắn thời gian xả nước và điều hành linh hoạt này sẽ tiết kiệm khoảng 2,5 tỷ m3 nước.
Ông Ngô Hải Sơn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ảnh: K. Lực
Theo ông Ngô Hải Sơn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, như mọi năm khi diện tích lấy nước đạt trên 90% là kết thúc 3 đợt lấy nước. Vì thế, ông đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét kết thúc sớm đợt 2, đặc biệt là không xả nước đợt 3.
“Với mực nước năm nay, chúng ta kết thúc đợt 2 sớm thì có thể tiết kiệm so với kế hoạch khoảng 1,5 tỷ m3 nước. Cứ 1 tỷ m3 nước hiện nay rất là quý, nếu tiết kiệm để phát vào tháng 4, tháng 5 thì có thể thu được 700 tỷ đồng” – ông Hải nhấn mạnh.
Không để ăn đong mãi
Lý giải về nguyên nhân chậm lấy nước ở Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng do tập quán gieo cấy muộn, một số nơi làm vụ Đông nên phải chờ thu hoạch sang rằm tháng Giêng mới lấy nước để gieo cấy.
Cùng với đó, TP. Hà Nội hiện có 3 trạm bơm chưa được cải tạo là: Phu Sa, Ấp Bắc, Liên Mạc trong khi đáy sông Hồng lại hạ thấp, dẫn tới hiện tượng các trạm bơm trơ trõ, không lấy được nước lên ruộng. Để khắc phục, TP. Hà Nội đã phải đầu tư 274 trạm bơm dã chiến, đồng thời tiến hành nạo vét kênh dẫn, đầu hút ở các trạm bơm.
Không chỉ có vậy, với 90.000ha đất trồng lúa nhưng nhiều diện tích xen kẹt, gây khó khăn cho việc lấy nước, phục vụ gieo cấy. “Như tại huyện Quốc Oai (TP. Hà Nội) có 4.500ha trồng lúa, nhưng phải lấy nước từ 4 nguồn khác nhau: Nguồn trạm bơm dã chiến Phù Sa cấp cho 500ha, nguồn từ sông Tích 1.500ha; lấy Đồng Mô về 1.700ha; còn lại tự bơm” – Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đơn cử.
Đáng nói hơn, hầu như việc xả nước trong đợt 2 này chủ yếu để phục vụ riêng cho TP. Hà Nội. Chính vì thế, Bộ NN-PTNT đang tính toán nâng cấp các trạm bơm còn lại của Hà Nội để đảm bảo cung cấp đủ nước cho bà con gieo cấy.
Về lâu dài, Bộ NN-PTNT đang giao các đơn vị nghiên cứu, xem xét phương án xây đập dâng trên sông Hồng để nâng mực nước sông Hồng lên, góp phẩn đảm bảo nguồn nước cho gieo cấy và cải thiện môi trường các dòng sông trên địa bàn Hà Nội.
Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội đề nghị các đơn vị liên qua xem xét đề nghị rút ngắn đợt 2, tăng thêm đợt xả từ 18-22/2 để đảm bảo lấy đủ nước, phục vụ gieo cấy lúa trước ngày 25/2.
“Các huyện, xã và bà con nông dân cần tích cực chuẩn bị cho công tác xuống giống, gieo cấy” – ông Hải chỉ đạo. Ông cũng đồng tình và giao Bộ NN-PTNT mạnh dạn đề xuất phương án xây dựng đập dâng, góp phần cải thiện nguồn nước và môi trường của Hà Nội.
Trước đó, ngày 31/1, Bộ NN-PTNT đã điều chỉnh giảm mực nước hệ thống sông Hồng trong đợt 2. Thay vì duy trì mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội là 2m, tại Trạm Thủy văn Sơn Tây vào khoảng 3,5m, Bộ điều chỉnh - chỉ có 3 ngày ở Trạm Thủy văn Hà Nội 2m (từ ngày 8-10) do triều lên cao, các địa phương có thể tận dụng lấy nước tốt; 5 ngày còn lại duy trì ở Sơn Tây Trạm Thủy văn là 2,5m, để Trạm bơm dã chiến Phù Sa và một số trạm khác bơm được nước.
"Chúng tôi đánh giá rất cao sự phối hợp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với ngành nông nghiệp. Năm nay EVN đảm bảo cam kết ở những thời điểm nhất định và thực hiện vượt cam kết với BộNN-PTNT.
Trong Đợt 1, 4 ngày mực nước bình quân ở Trạm thủy văn ở Hà Nội đã vượt qua 1,6m (theo cam kết là 1,6m). Đợt 2 mực nước cam kết 2m tại trạm bơm Hà Nội, sau đó chúng tôi tính toán thì có giảm lại, trong đó có 3 ngày ở mực nước 2m, các ngày còn lại mực nước tại Trạm thủy văn Hà Nội chỉ giữ và duy trì ở mức 1,4m; tại TrạmThủy văn Sơn Tây là 2,5m. Hiện nay, mực nước tại Trạm Thủy văn Sơn Tây là 3,3m".
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.