Ông Tấc nhớ lại, năm 2009 khi gia đình còn khó khăn, ông mạnh dạn viết đơn xin chính quyền xã đấu thầu 4 mẫu đất hoang (gần 1,5ha) làm trang trại. Khu đất này vốn sỏi đá, khô cằn, canh tác khó khăn nên bị bỏ hoang lâu năm. “Chưa nhận được quyết định của địa phương mà ai cũng can ngăn tôi rút đơn lại. Nhưng tôi vẫn quyết tâm nhận đất và cải tạo…” - ông Tấc nhớ lại.
Ông Phạm Hồng Tấc chăm sóc đàn ngan thịt 1.500 con trong trang trại. Ảnh: Vũ Dương
Với 4 mẫu đất đã được cải tạo, ông Tấc sử dụng 2 mẫu để trồng lúa, 2 mẫu còn lại xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và đào ao thả cá. “Ban đầu vốn còn mỏng, tôi cũng chỉ chăn nuôi với số lượng cầm chừng, về sau lãi ở năm trước được gia đình gối sang để tái đầu tư, mở rộng quy mô… Mình là nông dân nên cứ phải ăn chắc mặc bền”-ông Tấc thổ lộ.
Hiện ông Tấc đang nuôi 2 ao cá, 8 con bò, 40 đầu lợn nái, 1.500 con ngan… Lợn nái đẻ ra đến đâu, ngoài bán giống, ông Tấc để lại nuôi thành lợn thịt thương phẩm. Riêng lợi nhuận từ nuôi lợn, mỗi năm gia đình ông “bỏ túi” 100-150 triệu đồng. Dẫn chúng tôi đi thăm đàn bò của gia đình, ông hồ hởi cho biết, hiện gia đình ông đang nuôi 8 con bò, 2 con bò nuôi để phối giống và 6 con nuôi vỗ béo. Ông Tấc chia sẻ: “Khi chọn bò giống phải chọn bò mập mạp, lưng bò rộng nuôi sẽ cho hiệu quả cao hơn. Trong quá trình nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt công tác tiêm phòng ngừa bệnh…”.
Một trong những nguồn thu lớn của trang trại của ông Tấc là từ nuôi ngan thịt. Bình quân mỗi năm ông Tấc nuôi gối được tới 9 lứa ngan, mỗi lứa hơn 1.000 con. Trừ chi phí, mô hình nuôi ngan thịt mỗi năm mang lại lãi ròng 200 triệu đồng cho gia đình…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.