Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án điều hành xuất khẩu gạo tháng 5/2020 và thời gian tới, Bộ Công Thương nêu rõ, căn cứ bối cảnh trong nước và ngoài nước, Bộ Công Thương đã kiến nghị cho phép hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường kể từ 1/5, tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Cũng kể từ thời điểm này, theo đề xuất của Bộ Công Thương, sẽ dừng cơ chế điều hành xuất khẩu gạo quy định tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.
Bộ Công Thương đề xuất bỏ hạn ngạch xuất khẩu gạo từ 1/5. Ảnh: NLĐ.
Sở dĩ Bộ Công Thương đưa ra phương án điều hành này là dựa trên mục tiêu giãn tiến độ xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong thời điểm khó khăn nhất đã đạt được.
Bên cạnh việc đề xuất cho phép xuất khẩu gạo bình thường, để duy trì, đảm bảo an ninh lương thực trong trạng thái bình thường mới hiện nay, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng cho tiếp tục thực hiện một số biện pháp hỗ trợ.
Cụ thể, tiếp tục thực hiện nghiêm việc chỉ xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không). Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan, Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Biên phòng, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an, Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ để phòng ngừa, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu gạo qua biên giới.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đôn đốc các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nghiêm túc tuân thủ quy định tại Điều 12 của Nghị định số 107 về việc thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó và cam kết sẽ cung cấp ngay ra thị trường trong nước nếu được Chính phủ yêu cầu.
Bộ Công Thương cũng đề nghị 20 thương nhân xuất khẩu gạo lớn nhất ký thỏa thuận với ít nhất là 1 hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu.
“Trường hợp thương nhân không thực hiện việc duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định, hoặc không thực hiện cam kết theo thỏa thuận đã ký, hoặc khai báo không trung thực, đã được nhắc nhở nhưng không khắc phục, cho phép Bộ Công Thương thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp cho thương nhân đó”, Bộ Công Thương kiến nghị.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng cần có trách nhiệm trong việc chỉ đạo các Sở Công Thương trên địa bàn tăng cường công tác đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn, đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đẩy mạnh công tác sản xuất nông nghiệp, đảm bảo đáp ứng đủ nguồn cung thóc gạo phục vụ nhu cầu lương thực trong nước và xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, với phương án điều hành xuất khẩu gạo mới sẽ đảm bảo hai mục tiêu, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực, vừa duy trì được sản xuất và tăng trưởng kinh tế phù hợp với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tại nước ta đã được kiểm soát tốt như hiện nay.
Bộ Công Thương cho biết, số liệu của Bộ NNPTNT cho thấy, dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước năm 2020 (đã bao gồm cả dự trữ) là 29,96 triệu tấn thóc, cụ thể như sau, tiêu thụ của người dân 14,26 triệu tấn; phục vụ chế biến 7,5 triệu tấn; phục vụ chăn nuôi 3,4 triệu tấn; dùng làm giống, giống dự phòng 1,0 triệu tấn; dự trữ trong nước 3,8 triệu tấn.
Như vậy sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ, lượng thóc còn dư có thể xuất khẩu là khoảng 13,54 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo.
Riêng vụ đông xuân, theo báo cáo của Bộ NNPTNT, sau khi trừ đi nhu cầu dự trữ và tiêu dùng, lượng gạo hàng hóa có thể xuất khẩu là khoảng 3 triệu tấn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.