Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giải trình 3 vấn đề lớn trước Quốc hội

PV Thứ tư, ngày 01/11/2017 20:45 PM (GMT+7)
Sáng 1.11, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có phiên giải trình, làm rõ hơn về 3 vấn đề lớn của ngành là: chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp để thích ứng với biến đổi khí hậu, thích ứng với cơ chế thị trường; chuyển giao nhiệm vụ quản lý phân bón và chất lượng phân bón; và chính sách quản lý bảo vệ rừng.
Bình luận 0

img

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu giải trình. (Ảnh: Đàm Duy).

Lựa chọn đúng đối tượng, tái cơ cấu sẽ thành công

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Hiện nay đang có rất nhiều áp lực, điều kiện bắt buộc chúng ta phải tập trung để xử lý trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó nổi lên 2 vấn đề là: tính thích ứng biến đổi khí hậu và tính thích ứng với thị trường. Trong 2 năm qua, biến đổi khí hậu diễn biến cực đoan, gay gắt, có nhiều dị thường hơn so với kịch bản chúng ta dự báo và đã gây tổn thất rất lớn, nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế, xã hội. Vấn đề  thứ hai là cơ chế thị trường, sức sản xuất nông nghiệp Việt Nam không chỉ thỏa mãn cho nhu cầu ở trong nước mà chúng ta xuất đi 180 nước với kim ngạch 30 tỷ USD vừa qua, năm nay dự kiến 35 tỷ USD. Như vậy, chúng ta đã có một nền kinh tế mở về nông nghiệp và cũng phải chấp nhận hàng hóa bên ngoài về nông sản vào nước ta. Ở chỗ này, chúng ta không tính toán kỹ, xác định những sản phẩm lựa chọn mang tính thế mạnh có giá thành phù hợp, có sức cạnh tranh về chất lượng thì không thể chiến thắng được, thậm chí chúng ta thua trên sân nhà. Do đó, đây là hai nguyên tắc mang tính chất cơ bản trong tái cơ cấu nông nghiệp của chúng ta.

Chúng ta có làm được điều này không? Phải khẳng định nếu tập trung quyết liệt, chúng ta làm được. Biến đổi khí hậu cũng tạo ra những dư địa mới, nếu biết cách vận dụng chúng ta có thể đưa ra những sản phẩm phù hợp mang tính chất lợi thế cạnh tranh. Ví dụ ĐBSCL vốn trước đây chúng ta tập trung một vựa nông sản: lúa gạo, thủy sản, trái cây, nay chúng ta chuyển sang theo trình tự, thứ tự: thủy sản, trái cây, lúa gạo. Trong bối cảnh nước biển dâng, thượng nguồn thay đổi, quy luật dòng chảy thay đổi, chúng ta phải lựa chọn đối tượng gì thích ứng nhất với biến động mới. Thủy sản được lựa chọn lên vị trí hàng đầu với 2 sản phẩm điển hình là tôm và cá tra do xu hướng thị trường thế giới tốc độ tăng, nhu cầu thủy sản tăng 5-7%.

Bộ trưởng khẳng định: “Riêng con tôm, thế giới 7 tỷ người, mỗi người ăn 1kg là 7 triệu tấn trong khi hiện nay mới có 5 triệu tấn cung ứng. Rõ ràng dư địa còn rất lớn. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo hội nghị xây dựng một ngành hàng này thành ngành hàng chủ lực - đến 2025 chúng ta phấn đấu trở thành một ngành hàng có giá trị 8-10 tỷ USD, chỗ này hoàn toàn có cơ sở”. Các vùng miền khác cũng vậy, Ninh Thuận khô hạn nên có sản phẩm táo và nho rất ngon. Từ những tác động của biển đổi khí hậu, nếu chúng ta biết lựa chọn đúng đối tượng sản xuất thì chắc chắn chúng ta vẫn thành công trong tái cơ cấu.

img

Bộ đang phối hợp cùng các cơ quan xây dựng Nghị định về xử phạt trong lĩnh vực phân bón.

Chính vì thế, vừa qua trong chương trình tái cơ cấu chung, ngành và các địa phương đã tập trung mạnh vào 3 trục sản phẩm: Một là trục sản phẩm quốc gia, hai trục sản phẩm của các tỉnh, ba là trục sản phẩm OCOP – mỗi làng một sản phẩm. Theo Bộ trưởng, với 10 sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên, chúng ta đang rà soát lại, tập trung vào những khâu yếu nhất ở những chuỗi sản xuất đó để chúng ta lập lại. Ví dụ con cá tra, chúng ta chỉ có 5.000ha nuôi cho sản lượng 1,3 triệu tấn. Hiện nay, có những khâu khó, vướng mắc, đang tồn tại thì chúng ta phải tập trung dồn sức vào để giải quyết như: giống, chế biến ra sản phẩm chưa nhiều, chưa sâu... “Vừa qua, tôi hoan nghênh tỉnh An Giang đã phối hợp cùng với Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT làm tốt khâu giống, hiện nay đảm bảo được 30%, thời gian tới chúng ta giải quyết 100%” – Bộ trưởng nói.

Trục sản phẩm của các tỉnh, chúng ta có nhiều sản phẩm mang tính quy mô đặc sản, hàng hóa lớn như: xoài Cao Lãnh, rau hoa Đà Lạt, nhãn lồng Hưng Yên, rồi cam Cao Phong, Hòa Bình. Điển hình Bắc Giang có 3 sản phẩm chủ lực của tỉnh: vải thiều 20.000ha, cho giá trị sản lượng gần 5.000 tỷ đồng; gà đồi Yên Thế 15 triệu con, có giá trị 1.400 tỷ đồng; na của Lục Nam hơn 3.000ha có giá trị gần 1.000 tỷ đồng. Như vậy, riêng một tỉnh lựa chọn đúng đối tượng ngành hàng mang tính chất quy mô của tỉnh chúng ta cũng có giá trị 6.000-7.000 tỷ đồng.

Trục thứ ba chúng ta đang tập trung đó là mỗi làng một sản phẩm hay nói đúng hơn mỗi khu vực lân cận các xã có đặc thù, đặc sản. Chúng ta có gần 9.000 xã, trải dài 15 vĩ độ, tiểu khí hậu tốt, nông hóa thổ nhưỡng các vùng tốt, những lựa chọn các sản phẩm mang tính địa phương, tổ chức ngành hàng cũng theo quy trình như nông nghiệp công nghệ cao nhưng quy mô mang tính chất đặc sản. Vừa qua, Quảng Ninh trong 3 năm làm OCOP rất tốt, đến nay đã thành lập được 198 doanh nghiệp, HTX từ người dân làm OCOP, đưa ra 290 sản phẩm trong đó có 85 sản phẩm đạt cấp độ 5 sao, là xuất khẩu được như: trà hoa vàng, chả cá...

img

Thủy sản chính là sự lựa chọn hàng đầu và chúng ta chọn tôm và cá tra

 Như vậy, cùng một lúc với 3 trục sản phẩm: trục sản phẩm quốc gia, trục sản phẩm cấp tỉnh, trục sản phẩm OCOP, chúng ta áp dụng công nghệ cao, lựa chọn đối tượng phù hợp, thích ứng biến đổi khí hậu, có tín hiệu thị trường tốt... thì sẽ tái cơ cấu thành công.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ sự vui mừng khi lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng như cả hệ thống chính trị và các thành phần kinh tế. Theo Bộ trưởng, thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp lớn cũng vào cuộc với ngành rất quyết liệt, đóng vai trò rường cột cho sự phát triển của ngành. Đặc biệt, bà con nông dân rất sáng tạo. “hông có nơi nào na, vải thiều lại ra ở trên thân cây; rồi thủy phi cơ sáng tạo ở Phú Yên, ra một máy bừa tầm bùn dày 50cm bừa được” – Bộ trưởng nói.

 Chuyển lĩnh vực phân bón về Bộ NN&PTNT quản lý

Liên quan đến lĩnh vực phân bón, Bộ trưởng Cường cho biết, hiện nay, chuyển lĩnh vực phân bón về Bộ NN&PTNT quản lý. Đến nay, Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ ký Nghị định 108, thay cho Nghị định 202 trước đây (lúc đó, phân bón giao cho 2 Bộ Công thương và NN&PTTN quản lý).

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện Bộ đang tiếp nhận bàn giao từ Bộ Công thương. Cùng đó, Bộ đang phối hợp cùng các cơ quan xây dựng Nghị định về xử phạt trong lĩnh vực phân bón. “Đây là vấn đề phức tạp, gây thiệt hại lớn cho nông dân, nên mức xử phạt tăng lên, chế tài kèm theo mức độ quyết liệt, thậm chí chỗ nào vi phạm, sẽ trình Thủ tướng dừng sản xuất”- Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, quản lý phân bón là nhiệm vụ nặng nề, không thể làm xong một sớm một chiều mà phải cần một quá trình dài. Hiện nay, có tới 14.000 loại phân bón, trong đó 96% là phân bón vô cơ, có tới 706 nhà máy sản xuất phân bón, với công suất gấp 3 lần nhu cầu...  “Tôi đã thống nhất với Bộ Công thương, tới đây phải làm quyết liệt, không chỉ bàn giao là xong mà tới đây phải phối hợp, để giải quyết các vấn đề trên cơ sở nguyên tắc làm sao gọn bớt đầu mối, gọn sản phẩm và tăng dần sản phẩm phân hữu cơ, giảm dần số lượng phân vô cơ đi và tăng cường kiểm soát”- Bộ trưởng nói.

Nhiều chính sách bảo vệ, phát triển rừng

img

Bộ trưởng cho biết, hiện có nhiều chính sách để thực hiện những định hướng lớn về bảo vệ và phát triển rừng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, sau một thời gian phấn đấu, độ che phủ rừng đã tăng  từ 28% lên 41,19% trong năm 2017. “Mục tiêu cao nhất là chúng ta phải giữ được hệ số che phủ rừng theo Nghị quyết của Đại hội XII là đến năm 2020 chúng ta phải giữ được hệ số che phủ rừng là 42%. Thứ hai, chúng ta phải hình thành một ngành kinh tế lâm nghiệp với giá trị đến năm 2020 là 40.000 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng 5-6% và giá trị xuất khẩu đồ gỗ 8,5 tỷ USD đến 2020” – Bộ trưởng khẳng định.

Trên tinh thần đó, Bộ trưởng cho biết, trong 14,3 triệu héc ta rừng, chúng ta kiên quyết giữ bằng được 10,2 triệu héc ta rừng tự nhiên với hai giải pháp chỉ đạo: Một là kiên quyết không chuyển đổi những  dự án xâm phạm vào vùng này, trừ trường hợp dự án quốc phòng, an ninh, hoặc dự án đặc biệt phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Thứ hai, Thủ tướng Chính phủ sau một năm yêu cầu quyết định đóng cửa rừng tự nhiên, năm tiếp tục thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ trưởng chỉ đạo thâm canh 4,1 triệu ha rừng trồng, rừng sản xuất để đảm bảo đủ lượng gỗ cung cấp cho công nghiệp chế biến.

Bộ trưởng cho biết, hiện có nhiều chính sách để thực hiện những định hướng lớn về bảo vệ và phát triển rừng. Chính sách đầu tiên là Quyết định 886 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển rừng bễn vững giai đoạn 2016 – 2020 (ban hành tháng 6/2017), trong đó tổng giá trị tiền đầu tư cho chương trình này trong 5 năm là 14.900 tỷ đồng, riêng về nội dung xây dựng cơ bản hơn 9.000 tỷ đồng, còn sự nghiệp hơn 5.000 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định chính thức năm nay bổ sung ngay 1.200 tỷ đồng cho chương trình.

Mặt khác, số tiền thu được từ dịch vụ môi trường rừng cũng là một nguồn thu đáng kể. Năm 2016 thu 1.200 tỷ đồng, năm nay tình hình nước nhiều, thủy điện hoạt động nhiều dự kiến sẽ đạt 1.500 tỷ đồng.  Sang năm với Nghị định 147, Thủ tướng đã cho phép đưa từ 20 đồng lên 36 đồng/1 kWh điện thì con số này nó vào khoảng 2.000 tỷ đồng. Bộ trưởng đề nghị 42 tỉnh đã có quỹ này chúng ta sử dụng nguồn lực để tăng cường công tác khoanh nuôi, bảo vệ, tập trung đầu tư cho người dân, tổ chức trong khu vực đó giữ bằng được rừng tự nhiên.

Bên cạnh đó, Nghị định 75 của Thủ tướng Chính phủ ban hành để nhằm tập trung đầu tư cho khu vực đồng  bào thiểu số, gắn với chương trình xóa nghèo bền vững. Nghị định này có nhiều nội dung, trong đó có hỗ trợ 400 nghìn đồng/ha cho đồng bào miền núi khi tham gia giữ rừng, đồng thời có cả chính sách tín dụng cho phát triển ngoài gỗ, chuyển đổi sinh kế, hỗ trợ gạo... “Những chương trình này hiện nay đang được tổ chức, rất mong sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương để bảo vệ được 10,2 triệu ha rừng tự nhiên và thâm canh 4,1 triệu ha rừng sản xuất đảm bảo mục tiêu lớn về lâm nghiệp bền vững” – Bộ trưởng khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem