Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Thanh long sẽ trở thành cây 2 tỷ USD

Nguyễn Vy Thứ ba, ngày 11/02/2020 16:20 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, tiềm lực từ thanh long còn rất lớn. Tiềm năng này được nhìn trong cả chuỗi liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ, tiến tới khắc phục các hạn chế của ngành nông sản, mà dịch virus corona đang diễn ra là điển hình.
Bình luận 0

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết như thế tại buổi thăm nhà máy chế biến nông sản Lavifood trên địa bàn tỉnh Long An chiều ngày 11/2.

img

Bộ trường Nguyễn Xuân Cường đánh giá tiềm năng của thanh long còn rất lớn nếu liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ

Theo Bộ trưởng, cả nước có 60.000ha thanh long; mỗi năm thu hoạch gần 3 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu gần 2 tỷ USD. Ngay tại Long An, trong nhiều năm qua, ngành đã tích cực thực hiện việc chuyển đổi sang các loại cây hiệu quả cao, trong đó có thanh long.

Ngoài ra, Long An còn thành công trong việc mời gọi đầu tư từ cảng biển tới sản xuất, nhất là khâu chế biến nông sản. Đây là những điều kiện thuận lợi để tiếp tục nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp tại địa phương.

“Sự cố virus corona gây ra càng cho thấy giá trị của việc đầu tư vào logistics và chế biến nông sản”, Bộ trưởng nói.

Từ đó, người đứng đầu ngành nông nghiệp đề nghị Long An cần tổ chức tốt hơn vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến; tạo liên kết chặt chẽ hệ sinh thái sản xuất và tiêu thụ. Với nhà máy, cần tiếp tục hỗ trợ nông dân giải quyết trái cây tồn dư với chi phí hợp lý, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm để mở rộng thị trường.

img

Nhà máy Lavifood thu mua thanh long của nông dân đưa vào chế biến.

Ông Đặng Ngọc Cẩn - Tổng Giám đốc Công ty Lavifood cho biết, hiện công ty có 2 nhà máy đã đi vào hoạt động với công suất hơn 500 tấn nguyên liệu/ngày.

Trước bối cảnh khó khăn chung của dịch bệnh, công ty đang mở rộng thu mua và chế biến thanh long thành các dạng sản phẩm nước ép, sấy khô, sấy dẻo, đông lạnh…

Ông Cẩn cho biết, không thể phủ nhận việc nông dân trồng tươi bán tươi thì tiện lợi nhưng sản phẩm chế biến đi ra từ các nhà máy sẽ hạn chế nhiều rủi ro. Thực tế từ trước tới nay, nông dân và doanh nghiệp vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Việc chung tay giải quyết tồn dư nông sản do sự cố virus corona đem lại lợi ích cho cả nông dân lẫn doanh nghiệp. Cái lợi lớn hơn là người trồng thấy rõ lợi ích từ việc liên kết với doanh nghiệp.

“Hi vọng dịch corona qua mau và sau đợt dịch, việc ký kết hợp đồng mua bán để sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng sẽ thuận tiện hơn”, ông Cẩn nói.

img

Theo ông Cẩn, sự cố virus corona sẽ đưa người dân và doanh nghiệp xích lại gần nhau hơn. Ảnh Gia Hân

Ông Võ Tấn Hoàng Văn – CEO của Ngân hàng SCB, một đơn vị tham gia lễ ký kết đồng hành cùng nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ nông sản cho rằng sự cố virus corona chỉ mang tính tức thời.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn khẳng định, SCB không coi đầu tư vào nông sản là rủi ro cao vì khả năng xoay vòng vốn nhanh trong khi tiềm năng ngành này còn lớn. “Không chỉ riêng Lavifood, SCB luôn sẵn sàng nguồn vốn vay với lãi suất thấp để hỗ trợ cho doanh nghiệp có dự án khả thi từ công nghệ chế biến đến logistics” - ông Văn nói.

Toàn tỉnh Long An hiện có hơn 11.825ha trồng thanh long. Trong đó diện tích cho trái khoảng 9.586ha. Hiện tại thanh long đang vào vụ thu hái nhưng tình hình tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn. Sản lượng thanh long tồn chưa tiêu thụ được từ cuối tháng 1/2020 đến nay khoảng 30.000 tấn. Chưa kể đến 59.580 tấn sẽ được thu hoạch trong tháng 2/2020 và 31.750 tấn được thu hoạch trong tháng 3/2020.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem