Sáng 22/2 (mùng 7 Tết Mậu Tuất 2018), lễ hội Tịch điền được tổ chức tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Đây là một lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông và là nét đẹp văn hóa trở về nguồn cội.
Theo sử sách ghi lại, lễ Tịch điền đầu tiên được vua Lê Đại Hành tổ chức và đích thân vua xuống đồng cày ruộng vào đầu xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (năm 987). Lần đầu vua cùng bá quan văn võ cày ruộng tịch điền ở Đọi Sơn và bắt được chum vàng, năm sau cày ở Bàn Hải bắt được chum bạc. Vì thế những thửa ruộng này còn được gọi là Kim Ngân Điền, người dân Hà Nam thì gọi là ruộng vàng, ruộng bạc.
Về dự lễ hội Tịch điền năm nay có ông Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cùng các lãnh đạo đại diện cho các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Hà Nam.
Từ đó, hàng năm cứ vào đầu xuân các triều đại Lý, Trần, hậu Lê, Nguyễn nối tiếp nhau long trọng cử hành nghi lễ Tịch điền, đích thân vua xuống đồng cày ruộng với các hình thức khác nhau để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu...Ngoài ra, Đọi Sơn nằm trong quần thể danh thắng núi Đọi - sông Châu đã đi vào thi ca, nhạc họa. Ở đó có chùa Long Đọi Sơn - nơi tâm linh chốn Tổ - do vua Lý Thánh Tông và vương phi Ỷ Lan chủ trì xây dựng từ năm 1054.
Được biế t, năm 2018, lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được tổ chức từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng. Đây là năm thứ 10 lễ hội được UBND huyện Duy Tiên duy trì, tổ chức nhằm quảng bá với du khách trong và ngoài nước về những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, độc đáo của địa phương.
Đây là một lễ hội liên hoàn các nghi lễ và diễn xướng, kết hợp với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao diễn ra ở một không gian rộng, từ trung tâm chùa Long Đọi Sơn đến làng Đọi Tam. Nghi lễ và diễn xướng lễ hội mang nét đặc trưng văn hóa cộng đồng cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.
Ông Nguyễn Xuân Đông - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đọc tấu sớ khai hội Tịch điền 2018.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt về ý nghĩa của lễ hội Tịch điền, ông Thào Xuân Sùng - ỦY viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cho biết, lễ hội Tịch Điền nói lên rất nhiều ý nghĩa, lễ hội này không chỉ mang ý nghĩa khuyến nông, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi mà đây còn là nơi lưu giữ nét đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc. Đặc biệt là giá trị văn hóa trong sản xuất nông nghiệp là lớn nhất và luôn trường tồn với thời gian.
"Theo tôi lễ hội này cần phải nghiên cứu dưới sự chủ trì của Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch, Bộ NN PTNT và các bộ, ngành có liên quan để làm sao nâng cấp lễ hội này lên cả về quy mô, phạm vi tổ chức rộng khắp cả nước để từ đó góp phần vào xây dựng đất nước chúng ta ngày càng to đẹp, đàng hoàng hơn như Bác Hồ của chúng ta đã từng mong muốn" - Chủ tịch Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.
Lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và tỉnh Hà Nam, các nhà nghiên cứu, học giả dâng hương trước bàn thờ Thần Nông và linh vị vua Lê Đại Hành.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội ND Việt Nam Thào Xuân Sùng xắn quần, lội ruộng trực tiếp cày với nông dân Hà Nam.
Ông Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội ND Việt Nam cho biết, lễ hội Tịch điền nói lên rất nhiều ý nghĩa, lễ hội này không chỉ mang ý nghĩa khuyến nông, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi mà đây còn là nơi lưu giữ nét đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc. Đặc biệt là giá trị văn hóa trong sản xuất nông nghiệp là lớn nhất và luôn trường tồn với thời gian.
Cụ Đinh Trọng Tế 95 tuổi (thôn Đọi Nhất, xã Đọi Sơn) hóa trang vua Lê Đại Hành cày những luống đầu tiên tại lễ hội Tịch Điền 2018.
Cũng tại lễ hội, ông Nguyễn Xuân Đông - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam trao bằng công nhận cho các xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Cũng nhân dịp này, đoàn công tác của Trung ương Hội ND Việt Nam do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng dẫn đầu đã đến chùa Đọi Sơn thắp hương tưởng niệm vua Lý Thánh Tông, Vương phi Ỷ Lan... người có công với đất nước, có công xây dựng ngôi chùa. Đây vừa là nơi thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, vừa là môi trường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại chùa Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam).
Lễ hội Tịch điền chia làm 2 phần:
Phần lễ bao gồm: Lễ rước chân nhang vua Lê Đại Hành từ đền Lăng ở Bảo Thái, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm - nơi thờ Lê Hoàn, Lễ cáo yết mở cửa đình, Lễ rước nước lên Đàn tế Thần nông, Lễ sái tịnh, Lễ cầu an trên Chùa Đọi, Lễ rước kiệu vua Lê Đại Hành, kiệu Thành hoàng làng và kiệu Tổ nghề trống, Lễ Khai hội tịch điền, Lễ dâng hương trước bàn thờ Thần nông và Linh vị vua Lê Đại Hành, Lễ công bố các xã đạt chuẩn Nông thôn mới…
Phần hội bao gồm: Các hoạt động văn hóa, thể thao như Hội thi vẽ và trang trí trâu, tổ chức thi đấu giải vật mùa xuân thượng võ, thi đấu bóng chuyền, cờ tướng, biểu diễn nghệ thuật chèo, trưng bày triển lãm sản phẩm nông nghiệp, làng nghề…
Nghi lễ chính trong toàn bộ lễ hội là lễ Tịch điền. Lễ Tịch điền được phục dựng theo thứ tự: vua Lê Đại Hành (do vị bô lão của làng Đọi nhập thế, mặc Long bào, đeo mặt nạ) cày 3 sá đầu tiên, đại diện lãnh đạo Đảng, nhà nước cày 3 sá tiếp theo, lãnh đạo tỉnh Hà Nam cày 5 sá, lãnh đạo huyện Duy Tiên cày 7 sá, lãnh đạo xã Đọi Sơn và các bô lão cày 9 sá. Những luống cày nâu tươi màu bật lên được các cô thôn nữ với giỏ hạt ngũ cốc đủ sắc màu gieo trên những luống cày hứa hẹn một năm mùa màng bội thu, no đủ.
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc. Năm 2017, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được cấp Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.