Tân Phước là huyện nằm trong vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Tiền Giang). Tại đây, trong thời gian qua, nhiều hộ nông dân nhờ phát huy tiềm năng đất đai, lao động kết hợp với sự cần cù, nhạy bén trước thời cơ và vận hội mang lại từ những chính sách, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước để tạo dựng nên cơ nghiệp vững vàng.
Ông Trần Văn Phương bên vườn mít Thái siêu sớm chuẩn bị thu hoạch.
Lập vườn trồng mít Thái siêu sớm có thu nhập cao là cách làm hay của ông Trần Văn Phương, ngụ ấp Mỹ Lộc, xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước. Ông Phương vào lập nghiệp tại ấp Mỹ Lộc từ năm 1992, cách đây đã trên 25 năm, ban đầu ông khai hoang trồng dứa (khóm), vốn là cây đặc hữu của vùng đất nhiễm phèn Đồng Tháp Mười trên diện tích 3 ha.
Những năm sau này, con cái trưởng thành, ông chia cho các con 1,8 ha đất, chỉ giữ lại 1,2 ha đất sản xuất cho mình. Khoảng năm 2014, vườn dứa đã già cỗi, không mang lại hiệu quả kinh tế, ông cải tạo đất đai và chuyển sang trồng mít Thái siêu sớm. Ông Phương cho biết, sở dĩ ông chọn trồng mít Thái siêu sớm, bởi thị trường ưa chuộng, đầu ra thuận lợi và giá trị kinh tế cao. Hơn nữa, cây mít thích nghi với thổ nhưỡng đất đai ở Tân Phước, dễ trồng, cho năng suất và sản lượng cao...
Trên diện tích 1,2 ha, ông Phương trồng được 1.000 gốc mít Thái siêu sớm. Giống cây ăn quả đặc sản này trồng sau 2 năm đã cho trái với năng suất có thể lên đến 40 tấn quả/ ha.
Năm qua, mít Thái siêu sớm ở Tiền Giang nói chung trúng mùa, trúng giá. Lúc giá thấp nhất cũng ở mức trên 20.000 đồng/kg, còn thời điểm hút hàng giá tăng lên gần 50.000 đồng/kg, cao gấp ba lần các năm trước đó. Với năng suất khoảng 40 tấn/ha, mỗi ha mít Thái siêu sớm đạt giá trị 1,2 tỉ đồng (lấy mức giá bình quân 30.000 đồng/kg), người trồng thu lãi ròng từ 500 đến 700 triệu đồng/ha.
Để đảm bảo thành công với cây mít Thái siêu sớm, ông Phương tìm hiểu qui trình, kỹ thuật canh tác, thâm canh qua các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, qua các kênh thông tin đại chúng cũng như các lớp tập huấn, hội thảo về kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm thực tế. Về kỹ thuật trồng và chăm sóc mít Thái, theo ông Phương, mít Thái siêu sớm nên trồng với mật độ vừa phải, chú ý bón nhiều phân hữu cơ hoai mục, ít hoặc không dùng phân vô cơ dễ làm cây suy kiệt, giảm tuổi thọ.
Do đặc điểm mít Thái siêu sớm rất sai trái cho trên người trồng cần hết sức chú ý khâu tỉa thưa trái. Tùy theo độ lớn của cây mà để trái mật độ vừa phải sẽ cho trái tốt khi thu hoạch, vừa giữ được độ sung mãn và kéo dài tuổi thọ vườn mít-ông Trần Văn Phương. |
Ông Phương cho biết, năm 2017, vườn mít cho thu hoạch lần đầu. Trung bình mỗi tháng, gia đình ông thu hoạch từ 3 đến 4 đợt với số lượng từ 500 đến 700 kg, bán thu từ 15 đến 20 triệu đồng. Còn tính cả năm, vườn mít đạt giá trị thu hoạch khoảng 700 triệu đồng, trừ chi phí, gia đình còn lãi ròng gần 500 triệu đồng.
Năm đầu thu hoạch, mít trong vườn cho năng suất chưa cao nhưng kết quả này vẫn tốt hơn nhiều, bởi so với trồng dứa (khóm) trước đây thì lợi nhuận cao gấp 4 - 5 lần. Ông Phương kỳ vọng, trong năm 2018, với đà này, thu nhập từ vườn mít Thái siêu sớm sẽ còn tăng hơn nữa.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước cho biết, mô hình làm giàu từ cây mít Thái siêu sớm của ông Trần Văn Phương rất độc đáo, bởi thích hợp với điều kiện nông dân địa phương ít vốn liếng, dễ trồng và sớm mang lại thu nhập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo ở nông thôn Đồng Tháp Mười còn nhiều khó khăn.
Ông Trần Văn Phương cho biết, cả năm 2017 và đầu năm mới 2018, giá bán mít Thái siêu sớm luôn ở mức khá cao giúp cho các nhà vườn trồng mít có khoản lợi nhuận tốt.
Từ thực tế của ông Trần Văn Phương, nông dân xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước đã tích cực chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng chuyên canh mít Thái siêu sớm và đều thành công. Đơn cử như các hộ cùng ở ấp Mỹ Lộc, như ông Nguyễn Huy Cường trồng 1,5 ha và bà Dương Hồng Thủy trồng 8.000 m2 đều thu lãi ròng từ 200 đến 500 triệu đồng/năm. Hiện nay, tổng diện tích mít Thái siêu sớm tại xã Thạnh Mỹ đã tăng lên hàng chục ha đang cho thu hoạch với giá trị kinh tế khá cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.