Hai lần tay trắng
Trước khi trở thành chủ trang trại chanh bốn mùa Hà Oanh nổi tiếng khắp xã Tân Dân (Khoái Châu, Hưng Yên), Hà mất hơn 15 năm loay hoay, chật vật trên con đường lập nghiệp. Ở đó, có những tháng ngày lang thang làm đủ thứ nghề ở Hà Nội, có những giọt mồ hôi giữa mênh mang tuyết trắng ở xứ sở Bạch Dương - nước Nga xa xôi, có giọt nước mắt của cha mẹ, có những thất bại đắng cay. Nhưng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ý chí và khát khao được làm việc cũng giúp Hà đứng lên và bước tiếp.
Nguyễn Hữu Hà giới thiệu sản phẩm chanh vàng tại Hội chợ Xuân Đinh Dậu 2017. Ảnh: A.T
“Sở dĩ nông dân quanh năm vất vả mà thu nhập không được cải thiện là do sản phẩm để đến được thị trường phải qua quá nhiều khâu trung gian. Chính vì vậy, tôi phải cắt giảm tối đa khâu trung gian trong quá trình phân phối các sản phẩm từ trang trại. Để làm được điều đó, tôi tự mang sản phẩm của mình đi giới thiệu ở các hội chợ, siêu thị. Khi chất lượng sản phẩm được đảm bảo, được người tiêu dùng ưa chuộng, tự khắc cơ hội sẽ đến với mình”.
Anh Nguyễn Hữu Hà
|
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên Hà đến với nông nghiệp. Trước đó, anh đã phải trả giá rất đắt cho sự đầu tư có phần nông nổi của mình. Sinh năm 1979, khi đang học dở THPT, năm 1993, Hà bỏ ngang, lên Hà Nội làm thuê. Hơn 10 năm lăn lộn chốn Hà thành, chàng trai trẻ làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Vất vả, cực nhọc, nhưng cứ “ráo mồ hôi là hết tiền” nên Hà quyết định về quê... trồng vải. “Lúc đó tôi thấy nhiều người giàu lên nhờ trồng loại quả này nên ham” - Hà giải thích cho quyết định của mình.
Năm 2004, Hà bỏ lại hết những vất vả mưu sinh chốn đô thành, dồn toàn bộ vốn liếng tích cóp được trong 10 năm làm thuê, vay thêm anh em, bạn bè về quê trồng 4ha vải với bao hy vọng. Thời điểm đó, Hà phải cầm cố 4 sổ đỏ của gia đình để vay ngân hàng đầu tư cho cây vải. Sau mấy năm chăm sóc vất vả, năm 2007, Hà thu lứa vải đầu tiên. Nhưng chờ đợi, hy vọng bao nhiêu thì Hà thất vọng, cay đắng bấy nhiêu bởi giá vải tuột dốc không phanh, chỉ còn 1.500 đồng/kg. “Chưa bao giờ tôi thấy cay đắng như vậy khi toàn bộ vốn liếng sau hơn 10 năm làm thuê cực nhọc, cộng với khoản tiền vay mượn đã trôi ra sông ra biển” - Hà nhớ lại khoảng thời gian đen tối của cuộc đời.
Chính thức phá sản với khoản nợ hơn 200 triệu đồng, không còn con đường nào khác, Hà làm thủ tục sang Nga với người họ hàng. Cuộc sống nơi xứ người tuy rất vất vả nhưng cũng giúp Hà có nguồn thu nhập ổn định, nhanh chóng trả được khoản nợ nơi quê nhà. Cũng tại đây, Hà gặp được ý trung nhân của cuộc đời mình, chị Nguyễn Thị Kiều Oanh, người làm nên mảnh ghép cho trang trại chanh vàng Hà Oanh sau này. Nhưng nào ai học được chữ ngờ, công việc làm ăn của Hà đang lên như diều gặp gió thì năm 2009, chợ Vòm – khu chợ có đông người Việt kinh doanh, buôn bán ở Nga bị cháy, Hà lại một lần nữa trắng tay. “Khoảng 25.000 USD là toàn bộ vốn liếng của tôi sau những tháng ngày đổ mồ hôi sôi nước mắt ở xứ người đã bị ngọn lửa liếm sạch. Chưa bao giờ tôi cảm thấy cuộc đời mình thảm hại đến thế” - Hà bộc bạch.
Sau sự kiện chợ Vòm đóng cửa, năm 2010, Hà và vợ về nước. Trở về quê nhà khi trong tay chẳng có một đồng vốn, chỉ còn những bầm dập đau đớn sau không ít lần thất bại, Hà chơi vơi không biết làm gì để sống. “Thú thực lúc đó tôi vô cùng hoang mang về bước đi sắp tới của mình, bởi bây giờ tôi không chỉ có một mình mà còn một gia đình nhỏ phải chăm lo” -Hà nói.
“Tại sao có rất nhiều cách có thể lựa chọn để lập nghiệp, anh lại quay trở về làm nông nghiệp, lĩnh vực đã khiến anh phải rời bỏ quê hương ra xứ người làm ăn?” - tôi hỏi. “Thú thực lúc ấy tôi cùng đường rồi, chẳng biết làm gì nữa, trong khi đất đai nhà mình rộng lại chưa được khai thác hiệu quả. Những năm tháng lăn lộn ở xứ người giúp tôi nhận ra nếu cứ theo con đường mà nhiều người đã đi thì sẽ thất bại, bài học về trồng vải vẫn còn mới như vừa xảy ra ngày hôm qua nên tôi không thể vội vàng” - Hà lý giải cho quyết định của mình.
Hà bắt đầu sự nghiệp làm nông bằng việc chọn giống chanh tứ mùa của Australia để trồng do loại cây này đòi hỏi vốn đầu tư không quá lớn, thị trường tiêu thụ rộng mở do còn ít người trồng. Nhưng lần này, khó khăn lớn nhất Hà gặp phải lại là sự phản đối của gia đình khi họ đã phải chứng kiến và lao đao theo Hà ở thời điểm anh cầm cố tài sản đầu tư trồng vải và sau đó là vỡ nợ.
“Lúc ấy anh làm thế nào để thuyết phục gia đình cải tạo lại mảnh vườn đã cũ?” - tôi hỏi. “Tiền trảm, hậu tấu thôi, nhân lúc bố mẹ tôi bận việc riêng hơn 1 tháng, tôi chặt hết các gốc bưởi Diễn của ông bà, ghép giống chanh mới lên đó, phang luôn 1,5 mẫu nhãn đang ra quả để trồng chanh. Ông bà về đến nhà khi sự việc đã rồi giận tôi một thời gian dài” - Hà nhớ lại. Tôi hiểu, quyết định của Hà lúc ấy khó khăn đến độ nào, bởi nếu thêm một lần thất bại, anh không chỉ có lỗi với bản thân mà còn có tội với cha mẹ, với mảnh vườn mà họ đã dày công vun xới trong bao nhiêu năm.
Để nắm chắc thành công, Hà vào Tiền Giang học tập mô hình trồng chanh bốn mùa. Năm 2014, Hà bắt đầu thu quả ngọt sau bao gian nan, vất vả. Chuyến xuất hàng sang Trung Quốc giúp Hà bỏ túi 200 triệu đồng. Nhận thấy triển vọng của cây chanh tứ mùa khá lớn, Hà đầu tư mở rộng diện tích. Hiện, trong tổng số 9 mẫu đất của gia đình, diện tích chanh vàng đã lên đến 7 mẫu với khoảng 1.700 cây, còn lại là cam Canh, bưởi Diễn. Riêng năm 2016, sản lượng chanh đạt khoảng 80 tấn, Hà đã ký hợp đồng cung cấp cho các siêu thị trên địa bàn Hà Nội với giá 25.000 – 35.000 đồng/kg, cộng với nguồn thu từ các loại cây ăn quả khác và bán cây giống, lợi nhuận của trang trại đạt 2,7 tỷ đồng. “Giờ thì bố mẹ đã hết giận rồi” - Hà cười và nói.
Sáng tạo không giới hạn
Nguyễn Hữu Hà cùng phóng viên VTV tại trang trại của gia đình.
Điều đặc biệt nhất trong trang trại của Hà là các cây chanh được “sống nhờ” trên gốc bưởi. Lý giải cho sáng kiến này, Hà bảo: “Nếu chỉ trồng trực tiếp thì đòi hỏi vốn đầu tư lớn do thời gian sinh trưởng của chanh dài hơn, nhưng nếu ghép trên cây bưởi thì có thể khắc phục được điểm yếu này”.
“Chưa từng học qua kỹ thuật ghép cây, anh làm thế nào để thành công?” - tôi hỏi.
"Thú thực khi tôi mới thực hiện ý tưởng này, nhiều người hoài nghi ghê lắm, họ không tin tôi sẽ thành công nhưng có một người anh trong nghề đã chỉ dạy cho tôi từng chút một, còn tặng tôi một con dao ghép. Cũng may, cây sau khi ghép phát triển tốt, sớm cho quả với năng suất cao. Tôi luôn thầm cảm ơn người thầy đã dạy tôi những mắt ghép đầu tiên và con dao đó tôi vẫn giữ làm kỷ niệm cho đến giờ", Hà thổ lộ.
Theo Hà, cây bưởi đủ tiêu chuẩn ghép là cây được khoảng 3- 5 tháng tuổi, có lộc bánh tẻ, có nhiều nhựa để khi ghép mắt chanh vào sẽ liền mắt ngay và phát triển tốt. Khoảng 21 ngày sau ghép thì mầm ghép bắt đầu phát triển. Một cây bưởi có thể ghép được tối đa 30 – 50 mắt.
Giờ thì Hà thuộc nằm lòng những “tính cách” cũng như cách chăm sóc giống chanh không hạt. Trong năm đầu tiên, do chanh không ưa đạm nên Hà dùng bột đậu tương bón cho cây với lượng 300g/gốc/năm, chia làm 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 3 tháng. Ngoài ra, Hà còn dùng phân chuồng hoai mục đã ủ với nấm Trichodema để bón cho cây với lượng 15kg/gốc/năm, chia làm 2 đợt bón. Cây 2 năm tuổi khi đã đủ tán và vào khai thác quả phải bón lượng phân gấp 2 lần năm thứ nhất. Chanh từ lúc ra hoa đến lúc thu trái là 5,5 tháng, có thể thu từ quả xanh đến quả chín, tùy theo nhu cầu người sử dụng. Chanh có vị chua thanh, khi chín sẽ teo hết hạt và tép chanh có màu vàng. Có lẽ vì vậy mà ngoài cái tên tứ mùa giống chanh này còn có tên: chanh vàng.
Hà cho biết, giống chanh vàng Úc có ưu điểm ít bị bệnh vàng lá, sâu cuốn lá, xì mủ như các loại cây có múi khác. Nếu chăm sóc tốt, cây có thể cho quả quanh năm và trung bình 20 ngày cho thu hoạch một lứa. Một cây chanh tứ mùa cho sản lượng khoảng 100kg/năm, cá biệt có cây đạt 200kg/năm. Không dừng lại ở đó, Hà còn đang thử nghiệm đưa chanh vào trồng trong chậu, tạo dáng thế đẹp để cung cấp cho thị trường cây cảnh dịp Tết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.