Chủ tịch Hội NDVN Lại Xuân Môn: Tàu 67 khẳng định cột mốc chủ quyền

Trương Hồng Thứ ba, ngày 29/08/2017 09:09 AM (GMT+7)
"Việt Nam là một quốc gia đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới. Với lợi thế bờ biển trải dài từ bắc vào nam có tổng chiều dài 3.260km, gồm 28 tỉnh có bờ biển hoặc các đảo lớn nhỏ chiếm 45% tổng số tỉnh thành trên cả nước. Vì thế,  khai thác và bảo tồn các tiềm năng, thế mạnh của biển là một trong những nhu cầu tất yếu trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay".
Bình luận 0

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn đã nhấn mạnh như trên trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo "Sửa đổi Nghị định 67: Những vấn đề cần đặt ra" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP.Đà Nẵng phối hợp tổ chức sáng nay 29.8. Báo NTNN/Dân Việt là đơn vị được giao trực tiếp tổ chức thực hiện hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lại Xuân Môn - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: Với vị trí chiếm gần 71% bề mặt trái đất, biển và hải đảo có vai trò quan trọng. Thực tế cho thấy, biển có mạng lưới giao thông thuận tiện, có tài nguyên phong phú, đa dạng và mang lại những giá trị cao trong đời sống con người. Vì vậy, cùng với sự phát triển của khoa học-kĩ thuật, những năm gần đây đã đẩy mạnh việc khai thác tài nguyên thiên nhiên và sử dụng các lợi ích từ biển của các quốc gia không ngừng gia tăng. Nhất là vào những năm cuối của thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI khi khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, các quốc gia nhận rõ vai trò quan trọng đặc biệt của biển trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, củng cố và bảo vệ an ninh quốc phòng góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác khu vực và hội nhập quốc tế.

img

Ông Lại Xuân Môn - Ủy viên Trung ương đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Việt Nam là một quốc gia đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới. Với lợi thế bờ biển trải dài từ bắc vào nam có tổng chiều dài 3.260km, gồm 28 tỉnh có bờ biển hoặc các đảo lớn nhỏ chiếm 45% tổng số tỉnh thành trên cả nước. Vì thế,  khai thác và bảo tồn các tiềm năng, thế mạnh của biển là một trong những nhu cầu tất yếu trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Song khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên đó phải đặt trong sự phát triển cân đối và bền vững của biển như bảo vệ môi trường sinh thái của biển, đáp ứng đa dạng sinh học, bảo đảm an ninh, quốc phòng...

Nhận thức về vấn đề này, trong thời gian qua Đảng và nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm định hướng và chỉ đạo để tăng cường nhận thức trong các tầng lớp nhân dân và tổ chức thực hiện quản lí một cách khoa học, phù hợp, hiệu quả. Quan điểm này Đảng ta chỉ rõ: “tiến ra biển trở thành một hướng phát triển của loài người” và “trở thành một nước mạnh về biển là một mục tiêu chiến lược xuất phát từ yêu cầu về điều kiện khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam” và được nhấn mạnh: “Vùng biển, hải đảo và ven biển là địa bàn chiến lược có vị trí quyết định đối với sự phát triển của đất nước, là tiềm năng và thế mạnh quan trọng cho sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa”.

img

Ông Lại Xuân Môn - Chủ tịch HND Việt Nam bắt tay các đại biểu tại hội thảo

Trong Nghị quyết đại hội IX của Đảng ta tiếp tục khẳng định: “phải phát triển tổng hợp kinh tế biển và ven biển, khai thác lợi thế của các khu vực biển, hải cảng để tạo thành vùng phát triển cao thúc đẩy các vùng kinh tế khác và phải phát triển kinh tế biển kết hợp với bảo vệ vùng biển” Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX), Nghị quyết đại hội X và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) của Đảng về “Chiến lược biển Việt Nam đến 2020” cũng đã xác định mục tiêu tổng quát: “Đến năm 2020, phấn đấu nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh”. Do tầm quan trọng của biển, hải đảo và xuất phát từ tình hình thực tiễn, trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Khai thác bền vững, có hiệu quả  nguồn lợi thuỷ sản, phát triển đánh bắt xa bờ, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường biển và vùng biển, ven biển và hải đảo, phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển nước ta...”.

Đây là những quan điểm mang tính định hướng chiến lược và cơ sở pháp lí quan trọng trong tổ chức, thực hiện để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển kinh tế biển nói riêng bảo đảm hiệu quả, cân đối và bền vững.

Ông Lại Xuân Môn nhấn mạnh thêm: Nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng vào hệ thống pháp luật của Nhà nước, thời gian qua Quốc hội đã ban hành các văn bản để tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với biển, đảo như Luật biên giới quốc gia năm 2003; Luật Thủy sản năm 2003; Luật Biển Việt Nam năm 2012… Gần đây, trước yêu cầu thực tiễn đặt ra, ngày 7.7.1014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản nhằm hỗ trợ, động viên, khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển. Theo đó, Nhà nước đã dành chính sách ưu đãi đặc biệt để hỗ trợ ngư dân đóng những con tàu vỏ thép hiện đại phục vụ cho công tác đánh bắt thủy hải sản xa bờ.

img

Quan cảnh hội thảo

au hơn 3 năm thực hiện NĐ 67 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đã có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 con tàu, trong đó đã đóng mới 1.510 con tàu. Tổng số tiền cam kết cho vay đóng mới tàu cá là 9.931 tỷ đồng và đã giải ngân cho vay được 9.012 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.838 tỷ đồng.

Qua các con số trên, có thể nói, NĐ 67 là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước mang tính đột phá, đồng bộ, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng phát triển bền vững.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện NĐ67 đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc như chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng cho thủy sản, vốn vay, thiết kế, thi công, công tác giám sát đóng mới tàu cá, công tác đào tạo nhân lực... Những vướng mắc này cần phải được tháo gỡ kịp thời để ”Xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển” như Nghị quyết Trung ương 4, khóa X Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Chính vì thế, hôm nay, tại thành phố Đà Nẵng, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67 - Những vấn đề cần đặt ra” nhằm thảo luận, trao đổi để chia sẻ thông tin, tiếp thu ý kiến của các đại biểu và tâm tư nguyện vọng của bà con ngư dân, cùng nhau tìm ra các giải pháp, đồng thời đề xuất các kiến nghị với Đảng, Nhà nước để tháo gỡ các khó khăn, bất cập.

img

Những chiếc tàu vươn khơi là cột mốc chủ quyền để bảo vệ biển đảo

ội Nông dân Việt Nam có chức năng: chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân. Vì thế, từ nhiều năm qua, HND Việt Nam luôn chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, cũng như các địa phương để hỗ trợ, giúp đỡ bà con ngư dân vươn khơi, bám biển, làm giàu chính đáng, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Trong khuôn khổ hội thảo ngày hôm nay, thay mặt lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tôi xin gợi ý một số nội dung trọng tâm, tập trung để chúng ta thảo luận:

Một là, về chính sách đầu tư: hạ tầng cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão đã đồng bộ chưa? Cần phải làm những gì để thời gian tới công tác đầu tư hạ tầng cho ngành khai thác thủy hải sản được tốt hơn.

Hai là, về chính sách tín dụng: Trong 3 năm qua, không thể phủ nhận nỗ lực của các ngân hàng thương mại trong việc cam kết, giải ngân nguồn vốn vay cho ngư dân để đóng mới các con tàu vỏ thép lên tới hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, nhìn nhận lại chúng ta có thể thấy, chính sách về tín dụng vẫn còn những hạn chế, bất cập như: Thủ tục cho vay rườm rà, phức tạp, các ngân hàng vẫn yêu cầu ngư dân phải thế chấp sổ đỏ, lãi suất cho vay còn cao..., vì vậy nhiều ngư dân rất khó vay hoặc không muốn vay vốn. Tại hội thảo hôm nay, có đại diện các địa phương, các ngân hàng, cùng bà con ngư dân cần tập trung thảo luận, cho ý kiến về vấn đề này để tiếp cận nguồn vốn được thuận lợi hơn?

Ba là, về bảo hiểm tàu cá: Khai thác thủy hải sản xa bờ chứa đựng rất nhiều rủi ro, vì thế việc bảo hiểm cho tàu cá, bảo hiểm chuyến đi biển, bảo hiểm thuyền viên đối với ngư dân rất quan trọng. Song, từ đầu năm đến nay, do hướng dẫn chậm, các doanh nghiệp bảo hiểm không tiếp tục thực hiện bảo hiểm theo NĐ 67 đã phát sinh vướng mắc, làm cho các ngân hàng thương mại không tiến hành giải ngân cho các tàu đang đóng hoặc tàu đã đóng xong nhưng không có bảo hiểm nên không đi biển được.  Đây là vấn đề rất cần sự quan tâm, cho ý kiến thảo luận của các đại biểu để tháo gỡ vấn đề này?

Bốn là, về thiết kế, thẩm định, thi công, công tác giám sát, kiểm tra đóng mới tàu cá: Như chúng ta đã biết, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được khi đã có gần 2.000 con tàu được nâng cấp, đóng mới theo NĐ 67. Tuy vậy, thời gian qua đã xảy ra sự cố đáng tiếc với hơn 40 con tàu bị hỏng hóc máy móc, rỉ sét. Các con tàu phải nằm bờ, ảnh hưởng đến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đời sống của ngư dân. Thời gian tới, chúng ta phải thực hiện các quy trình, bảo đảm tính công khai, minh bạch ra sao; trách nhiệm của các bên như thế nào để hạn chế tối đa sự cố nêu trên?. Có nên đóng tàu vỏ sắt hay chuyển sang đóng tàu vỏ gỗ?.

Năm là, một số chính sách khác như đào tạo, hướng dẫn thuyền viên vận hành con tàu, hỗ trợ thiết bị đi biển dài ngày; thời gian đi biển như hiện nay đã hợp lý chưa? Tôi cũng đề nghị các đại biểu tập trung phát biểu, thảo luận về vấn đề này.

Hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67 - Những vấn đề cần đặt ra” diễn ra vào đúng thời điểm Nhà nước đang dành nhiều nguồn lực để đầu tư, phát triển kinh tế biển. Vì thế, trong khuôn khổ của cuộc hội thảo này, tôi đề nghị các đại biểu tập trung làm việc khẩn trương, phát biểu thẳng vào trọng tâm vấn đề để hội thảo đạt được kết quả cao nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem