Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm các sở: Lao động – Thương binh, Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Tài chính tiến hành kiểm tra việc hỗ trợ, phát triển sản xuất thuộc Chương trình 30a nói chung và hỗ trợ lợn giống cho hộ nghèo nói riêng.
Quyết định thành Lập Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra những thông tin về việc cấp lợn giống Chương trình 30a tại huyện Nậm Nhùn
Tiến hành kiểm tra ngay tại huyện Nậm Nhùn
Làm việc với phóng viên Dân Việt, ông Giàng A Tính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 30a tỉnh Lai Châu cho biết: “Ngay sau khi Báo Dân Việt đăng một loạt bài điều tra về giá lợn cấp cho hộ nghèo thuộc Chương trình 30a tại huyện Nậm Nhùn có giá quá cao, 7 triệu đồn/con, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo tiến hành kiểm tra những thông tin Báo Dân Việt đã nêu".
Cụ thể, ngày 28.9.2017, UBND tỉnh đã có Công văn hỏa tốc số 1777/UBND-TM, về việc kiểm tra, báo cáo sự việc các báo đưa tin về việc cấp lợn giống cho hộ nghèo thuộc chương trình 30a ở huyện Nậm Nhùn. UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương tiến hành kiểm tra, đánh giá và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 10.10.2017.
Theo ông Giàng A Tính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thì UBND tỉnh đợi kết của đoàn kiểm tra liên ngành về báo cáo, sau đó dựa trên kết luận kiểm tra sẽ có những hình thức xử lý về vấn đề này.
Ông Giàng A Tính cũng cho biết: Ngoài thành lập đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, UBND huyện Nậm Nhùn cũng phải thành lập đoàn kiểm tra độc lập để kiểm tra, ra soát, đánh giá như những gì Báo Dân Việt đã nêu và báo cáo về UBND tỉnh.
Ngày 29.9, UBND tỉnh Lai Châu tiếp tục có Công văn hỏa tốc số 1785/UBND – TM gửi huyện Nậm Nhùn đề nghị báo cáo sự việc Báo Dân Việt đưa tin về việc cấp lợn giống cho hộ nghèo thuộc Chương trình 30a ở huyện Nậm Nhùn. Công văn nêu rõ: Yêu cầu UBND huyện Nậm Nhùn báo cáo về việc triển khai thực hiện việc cấp lợn giống thuộc Chương trình 30a như thông tin Báo Dân Việt đã đăng, gửi UBND tỉnh trước ngày 10.10.2017. UBND huyện Nậm Nhùn có trách nhiệm làm việc và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí theo quy định.
UBND tỉnh Lai Châu cũng có Công văn đề nghị huyện Nậm Nhùn tiến hành kiểm tra những thông tin Báo Dân Việt đã nêu, báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 10.10.2017
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Việt về xử lý vấn đề mà báo chí đã nêu như thế nào, ông Giàng A Tính khẳng định, sau khi có kết luận của đoàn thành tra, UBND tỉnh Lai Châu sẽ xem xét trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nếu có sai phạm. Đồng thời sẽ trả lời các cơ quan báo chí, quan điểm của UBND tỉnh Lai Châu sẽ không bao che cho cán bộ sai phạm.
Trước đó, như Dân Việt đã thông tin: Theo tìm hiểu của phóng viên, tháng 4.2017, huyện Nậm Nhùn tiến hành hỗ trợ cho 454 hộ tương ứng 454 con lợn (khoảng 2,8 tỷ đồng) với 100% giống lợn nái Móng Cái, trọng lượng tối thiểu 30kg/con. Tuy nhiên, sau 4 tháng thực hiện, đã có chuyện nhập nhằng trọng lượng con giống khi cấp (có những con dưới 30kg). Tỷ lệ con giống chết nhiều ở xã Nậm Hàng, khi cấp 103 con thì chết 81 con, xã Lê Lợi cấp 60 con thì chết gần 30 con...
Tình trạng lợn chính sách cấp bị chết xảy ra ở tất cả các xã nằm trong Chương trình 30a. Nhiều con giống sống được thì không sinh sản dù đã phối giống đúng kỹ thuật. Ông Lý Văn Hoài, Bí thư Chi bộ bản Nậm Hàng, thị trấn Nậm Nhùn cho biết: "Trong 2 năm 2015 và 2016, bản tôi được cấp 30 con lợn giống Móng Cái. Khi đến thời kỳ sinh sản, dù tất cả được phối giống đúng kỹ thuật nhưng chỉ có duy nhất 1 con đẻ. Nhưng lợn con đẻ xong cũng chết. Cấp ủy, chính quyền thị trấn Nậm Nhùn và cơ quan chuyên môn huyện xuống kiểm tra cho phép các hộ bán số lợn giống Móng cái không đẻ để mua giống địa phương nuôi thay thế.
Theo chia sẻ của người dân bản Huổi Van 1, xã Nậm Hàng: Năm 2016 bản được cấp 38 con lợn giống, nhưng chỉ sống được 5 con. Lợn giống cấp không đều nhau, con to có mà con nhỏ cũng có. Ngày đầu mang con giống về thì ăn tốt nhưng mấy tuần sau cho thức ăn nó không ăn, thân lợn run rẩy; bà con gọi người tiêm thuốc cứu chữa nhưng vẫn không cứu được lợn giống.
"Có trường hợp có 8 con chết trong thời gian "bảo hành" và 8 con giống chết đã được cấp lại nhưng sau vẫn chết 6 con. Bà con trong bản cho biết: Lúc mới nhận lợn nhìn giống, con nào cũng rất đẹp, mỡ màng nhưng chỉ ăn được vài bữa đầu, sau đó thì quay ra bỏ ăn, yếu và chết", anh Lò Văn Xuông, bản Huổi Van 1, xã Nậm Hàng chia sẻ.
Anh Xuông cũng cho biết, bà con có kiến nghị nên để người dân tự mua lợn giống địa phương, sau đó đưa tiền hỗ trợ sẽ hiệu quả hơn, bởi cũng số tiền đó có thể mua được tới 2-3 con lợn giống.
Anh Lò Văn Xuông, bản Huổi Van 1, xã Nậm Hàng, chăm sóc lợn giống Móng Cái được cấp.
Báo Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin việc này
Vui lòng nhập nội dung bình luận.