Theo Sở KHCN tỉnh, trong 5 năm (2010 - 2015) qua, nhiều giải pháp đã được ngành KHCN thực hiện nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang loại hình có năng suất, giá trị kinh tế cao hơn.
Thu nhập tăng bền vững
Nông dân xã Sông Xoài, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thu hoạch bưởi da xanh. Ảnh: T.Đ
Việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp giúp nông dân giải quyết vấn đề giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập của hộ nông dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường..., đồng thời, góp phần hoàn thành các mục tiêu chương trình xây dựng NTM”.
Ông Võ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
|
Là địa bàn thuần nông, huyện Xuyên Mộc xác định mục tiêu lớn nhất của Chương trình xây dựng NTM là nâng cao mức sống cho người dân. Huyện luôn chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp để tạo việc làm, giúp người dân cải thiện thu nhập bằng việc mở các lớp tập huấn, xây dựng mô hình điểm về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Phòng Nông nghiệp huyện Xuyên Mộc cho biết, nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, những năm qua, hầu hết các loại cây trồng chủ lực của huyện như hồ tiêu, điều, quýt, nhãn xuồng cơm vàng, rau an toàn… đều đạt năng suất cao. Đặc biệt là cây hồ tiêu, nhờ giá hạt tiêu ổn định ở mức cao (140.000 - 180.000 đồng/kg) nên nhiều hộ đã vươn lên làm giàu. Các xã Hòa Hội, Bàu Lâm, Hòa Bình, Xuyên Mộc đang thực hiện dự án phát triển cây hồ tiêu với tổng số hơn 500 hộ tham gia. Hiện, thu nhập bình quân đầu người ở các xã xây dựng NTM trong huyện đạt từ 24 - 37 triệu đồng/người/năm, tăng từ 3,5 - 15,4 triệu đồng/người/năm so với trước khi xây dựng NTM.
Trong khi đó, huyện Tân Thành đẩy mạnh huy động các nguồn lực để hoàn thiện tiêu chí NTM khiến diện mạo nông thôn trên địa bàn đã khởi sắc, thu nhập bình quân của các xã xây dựng NTM đã đạt gần 41 triệu đồng/người/năm...
Ông Nguyễn Văn Tín - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thành cho biết, việc tăng thu nhập cho người dân phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, nên ngoài việc triển khai các mô hình thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, còn phải tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa (ấp Phước Bình, xã Sông Xoài) cho biết, trước đây gia đình bà trồng chanh, quýt, bưởi… nhưng năng suất không cao. Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, gia đình bà Thoa là một trong 12 xã viên của HTX bưởi da xanh Sông Xoài được Sở KHCN hướng dẫn cách trồng bưởi da xanh theo chuẩn VietGAP. Bà Thoa đã chuyển 2,5 sào trồng chuyên canh bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP. “Vườn bưởi nhà tôi mỗi năm lãi khoảng 200 triệu đồng” - bà Thoa khoe.
Đẩy nhanh đổi mới công nghệ
Từ nay đến năm 2020, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất gắn với đào tạo sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, coi trọng việc xây dựng kinh tế trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp và kinh tế hợp tác theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời, mở rộng hợp tác liên kết trong chuỗi giá trị gia tăng sản xuất - thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, hàng hóa bền vững.
Theo quy hoạch phân vùng phát triển nông, lâm, ngư nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2020, vùng I (phía bắc) là vùng phát triển nông nghiệp, nông thôn, vùng II (phía nam) phát triển nông nghiệp phục vụ đô thị và du lịch.
Quy hoạch phát triển nông lâm nghiệp đến năm 2020 của tỉnh cũng hướng đến phát triển ngành chăn nuôi thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp, chiếm khoảng 50% (hiện nay là 39%). Các vùng chăn nuôi bò, heo trang trại quy mô vừa và lớn tập trung chủ yếu tại các huyện như Xuyên Mộc, Châu Đức và Đất Đỏ. Vùng chăn nuôi gà trang trại quy mô vừa và lớn chủ yếu tại các xã Long Phước (TP.Bà Rịa), Sông Xoài (huyện Tân Thành), Hòa Hiệp, Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc)…
Ông Đỗ Hữu Hiền - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN cho biết, thời gian tới, để phát huy vai trò của KHCN trong xây dựng NTM, tỉnh cần đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ trong các ngành. Trong đó, công nghệ sinh học là khâu đột phá, thông qua lai tạo, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.