Dự buổi làm việc có ông Nguyễn Xuân Dương- tân Cục trưởng Cục Chăn nuôi; ông Lê Văn Thành- Phó Chánh Văn phòng, Bộ NNPTNT.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương trao đổi với PV Báo Dân Việt về đợt tăng giá lợn lần này.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Dương - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: Giá lợn hơi trong nước biến động giảm trong quý I/2018 nhưng đã tăng trở lại trong tháng 4 và tháng 5/2018. So với cuối năm 2017, giá lợn hơi tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long tăng 16.000 đ/kg lên 43.000 – 46.000 đ/kg. Giá lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc cũng tăng 11.000 – 12.000 đ/kg lên 43.000–47.000 đ/kg. Giá lợn hơi tại miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam tăng 12.000 –16.000 đ/kg lên 42.000 – 45.000 đ/kg.
Đáng chú ý, tại một số nơi thuộc Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, giá heo hơi hôm nay đã tăng từ 2.000-4.000 đ/kg so với tuần trước, đạt mức cao kỷ lục 52.000- 53.000đ/kg.
Các hộ chăn nuôi quy mô nông hộ đang rất khó khăn.
Bình luận về việc giá lợn tăng mạnh trong thời gian qua, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay: “Đây là kết quả rất tích cực sau quá trình chỉ đạo của Chính phủ và các bộ ngành liên quan, đặc biệt là sự điều hành giảm cung, tăng cầu mà ngành chăn nuôi đã thực hiện từ 15 tháng qua và đến tháng 4 vừa rồi, đã bắt đầu phát huy tác dụng.
"Có thể nói cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để giúp ngành chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn, giá thức ăn không tăng, giá thuốc thú y không tăng, ngành điện hỗ trợ không tăng giá điện, về tín dụng có gắng dãn nợ, khoan nợ cho các hộ chăn nuôi để họ tiếp tục duy trì sản xuất"- ông Dương nói.
Cũng theo ông Dương: Sau một năm chỉ đạo điều hành, giá lợn đã tăng trở lại, tôi cho rằng đây là thành công lớn. Chúng ta đã thực hiện tốt vấn đề giảm cung, tăng cầu để có giá tốt và thực tế chúng ta đã có giá tốt. Thực tế chúng ta mong muốn giá duy trì ở mức 40.000-45.000 đ/kg, với mức giá này, người chăn nuôi lợn có lãi mà người tiêu dùng cũng chấp nhận được.
Ông Nguyễn Xuân Dương- Cục trưởng Cục Chăn nuôi.
Trả lời câu hỏi của Dân Việt về việc, đơt tăng giá này chỉ có lợi cho các doanh nghiệp lớn, nhất là các doanh nghiệp FDI, ông Dương thừa nhận: Trong đợt tăng giá vừa qua, chúng tôi nhận thấy có một số bất cập xảy ra, đó là chỉ có các doanh nghiệp có tiềm lực và các trang trại có tiềm năng mới giữ được số lợn để tiếp tục nuôi và được hưởng lợi khi giá tăng. Còn các hộ chăn nuôi nhỏ đã quá đuối không đủ khả năng giữ lợn nên không thể tham gia cuộc chơi khi thị trường tăng mạnh về giá. Đây là điều tất yếu của kinh tế thị trường, chúng ta không mong muốn chuyện này xảy ra.
"Qua quá trình này chúng ta cũng xây dựng được trật tự mới, ở trật tự này chủ yếu còn lại những hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, hộ trang trại, doanh nghiệp, còn các họ nhỏ lẻ rất khó tham gia vào trật tự mới này"- ông Dương nói.
Tiếp tục trả lời câu hỏi của Dân Việt, vậy các hộ chăn nuôi nhỏ đứng ở đâu trong "cuộc chơi" này, làm thế nào để giúp các hộ chăn nuôi nhỏ có thể tự vệ được trước các biến động của thị trường, ông Dương nói: Chúng ta có cách để giúp các hộ nhỏ lẻ này. Cụ thể đã có Quyết định 50 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả và hỗ trợ chăn nuôi nông hộ, hỗ trợ con giống, đệm lót sinh học, hỗ trợ mua giống… Các địa phương nghiên cứu để hỗ trợ cho các hộ thực sự muốn đi theo con đường chăn nuôi. Các hộ quá nhỏ lẻ, thiếu vốn, kiến thức thì không tham gia được cuộc chơi này.
Các hộ có thể chăn nuôi lợn hữu cơ, bán giá cao, đây là ngách để các hộ này tham gia cuộc chơi. Bởi đầu ra của sản phẩm chăn nuôi hữu cơ rất tốt, không cần cạnh tranh với chăn nuôi lợn thương phẩm bình thường. Phân khúc lợn hữu cơ rất tốt cho các hộ chăn nuôi nhỏ.
"Tôi tin rằng thị trường thịt lợn vừa qua là một bài học cho cả cơ quan quản lý và người chăn nuôi, người chăn nuôi giờ điềm tĩnh hơn nhiều. Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ tôi cho rằng cần chuyển hướng sang chăn nuôi lợn hữu cơ, đặc sản phù hợp cho nhu cầu tiêu dùng tại chỗ".
(Ông Nguyễn Xuân Dương)
|
Bên cạnh đó chúng ta cần tổ chức các hộ chăn nuôi tham gia sản xuất theo chuỗi liên kết. Trong chuỗi liên kết này doanh nghiệp phải là người đứng đầu, sau đó là các hợp tác xã làm đầu mối cho các hộ chăn nuôi, doanh nghiệp sẽ thông qua hợp tác xã để thu gom sản phẩm của người dân. Việc đẩy nhanh mô hình liên kết sẽ giúp các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không bị bỏ rơi trong cuộc chơi này.
Tại buổi làm việc này, ông Dương cũng nêu quan điểm đối với ngành chăn nuôi gia công và cho rằng, đó là một xu thế tất yếu. Tuy nhiên, khi PV Dân Việt hỏi, vậy ngành chăn nuôi đã có tổng kết đánh giá như thế nào về chăn nuôi gia công, nhất là mô hình của công ty C.P, ông Dương cho biết: Cuối năm ngoái có đánh giá, tuy nhiên tới đây sẽ đánh giá tiếp. Song ông Dương cũng thừa nhận, bên cạnh mô hình chăn nuôi gia công, còn tồn tại rất nhiều mô hình khác như chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi liên kết theo mô hình hợp tác xã.
Ông Dương cũng cho biết: "Ông rất thương các hộ chăn nuôi nhỏ". Tuy nhiên, khi PV Dân Việt đề cập đến trách nhiệm xử lý môi trường đối với mô hình chăn nuôi gia công của công ty C.P, ông Dương cho biết: "Trong hợp đồng, công ty này có trích 160 đồng/kg lợn để người dân xử lý môi trường, còn việc xử lý hay không là trách nhiệm của người nhận nuôi gia công".
Ông Dương cũng khẳng định, ông không thiên vị công ty nào, kể cả các doanh nghiệp FDI và tới đây trong dự thảo luật Chăn nuôi sẽ đề cập đến vấn đề xử lý môi trường trong chăn nuôi.
Trước đó, báo Dân Việt đã có loạt bài phản ánh về đợt tăng giá lợn này chỉ làm lợi cho các doanh nghiệp lớn, trong đó có các doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, hầu hết các hộ chăn nuôi quy mô nông hộ gần như đã không được hưởng lợi, bị loại ra khỏi "cuộc chơi".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.