Đà Nẵng: Nghề dệt chiếu Cẩm Nê vang bóng có nguy cơ mai một

Tuyết Nhung Thứ năm, ngày 12/03/2020 19:10 PM (GMT+7)
Tìm về thôn Cẩm Nê (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), ai cũng không khỏi ngỡ ngàng bởi làng chiếu một thời vang bóng nay trầm lặng, đìu hiu. Hiện tại, Cẩm Nê chỉ còn một “hộ nghề” dệt chiếu truyền thống của bà Dương Thị Thông.
Bình luận 0

Chiếu Cẩm Nê - Một thời vang bóng

Làng chiếu Cẩm Nê nổi tiếng làm ra những sản phẩm kỳ công, bền đẹp. Chiếu bền hơn các loại khác, mùa hè nằm mát mẻ, êm lưng và phảng phất hương cói, mùa đông chiếu tỏa ra hơi ấm. Theo lời kể của dân làng, chiếu Cẩm Nê từng được tiến vua nhà Nguyễn, nhiều nghệ nhân trong làng được khen thưởng và sắc phong.  

img

Chiếu Cẩm Nê chủ yếu bán ở Đà Nẵng và gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra ổn định.

Sau giải phóng 1975, nhà nào ở Cẩm Nê cũng có khung dệt chiếu, có mùi cói mới làm bao người rạo rực. Ai đã từng nằm chiếu Cẩm Nê thì sẽ không còn muốn nằm các loại chiếu khác. Tuy nhiên, ngày nay chỉ còn duy nhất hộ bà Dương Thị Thông (59 tuổi) giữ nghề, khiến làng mất đi tiếng nhịp nhàng của khung dệt xưa.

“Khi xưa, chiếu Cẩm Nê nổi tiếng gần xa nên dân làng luôn hăng hái sản xuất. Nhà nào cũng có ít nhất một khung dệt, nhiều thì có ba đến bốn khung và phải thuê nhân công phụ. Cả làng Cẩm Nê ngày ấy nhộn nhịp tiếng rập khung, tiếng xe cộ nườm nượp chuyển hàng. Theo thời gian, nghề dệt chiếu truyền thống dần bị mai một và đi vào quên lãng. Chỉ còn tôi vẫn cố gắng níu giữ nghề truyền thống sắp lụi tàn của cha ông.”, bà Thông nghẹn ngào chia sẻ

img

Nghệ nhân mất tầm 30 phút để buộc chặt các sợi đay vào khung dệt.

Năm 2017, nghệ nhân Dương Thị Thông được Phòng NN & PTNT huyện Hòa Vang hỗ trợ vốn 45 triệu đồng, để tiếp tục sản xuất chiếu truyền thống. Từ nguồn vốn đó, bà sửa chữa mái che để có chỗ dệt thoáng mát, đầu tư tiền mua nguyên liệu dệt (sợi cói, sợi đay, màu nhuộm,…). Bên cạnh đó, chính quyền TP.Đà Nẵng luôn tích cực ủng hộ, động viên nhà nghề giữ niềm đam mê với sợi cói, tìm đầu ra cho sản phẩm chiếu Cẩm Nê.

Nguy cơ xóa sổ làng nghề truyền thống

Cách đây vài năm, những người con của làng chiếu Cẩm Nê đã dùng nhiều tâm huyết và mọi nguồn lực để khôi phục, phát triển làng nghề dệt chiếu truyền thống. Nhưng vì không có thu nhập ổn định nên họ đành bỏ nghề. So với những làng nghề truyền thống khác tại Hòa Vang như: bánh tráng Túy Loan (Hòa Phong), rượu cần Phú Túc (Hòa Phú) thì chiếu Cẩm Nê gặp rất nhiều khó khăn trong duy trì sản xuất.

img

Vì ngồi suốt buổi để dệt chiếu nên bà Thông bị đau lưng và sức khỏe không còn được như trước.

Chính vì sự thay đổi của thị hiếu cơ chế thị trường, mà chiếu cói không cạnh tranh lại với chiếu trúc, chiếu nhựa. Không có nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhà nghề phải bỏ ra nguồn vốn lớn để đặt mua sợi cói từ làng chiếu Bàn Thạch (Quảng Nam) và lấy công phơi lát, nhuộm cói, dệt chiếu làm lời. Ấy vậy mà, một chiếc chiếu hoa dài 1m60 bán với giá 250.000 đồng thì nhà nghề chỉ lãi chưa tới 10.000 đồng. Dù lãi ít và nhiều cực nhọc nhưng nghệ nhân làng chiếu Cẩm Nê vẫn cố gắng bám nghề, để giữ ngọn lửa làng nghề truyền thống và trân trọng giá trị văn hóa dân tộc qua từng sợi cói.

“Để dệt chiếu bắt buộc phải có 2 người vừa ruôn cói vừa dệt cói vào đay. Mỗi ngày tôi chỉ dệt được 2 chiếc, trả nhân công 100.000 đồng thì chẳng còn lời bao nhiêu. Nếu như dệt nhiều, chiếu bán chạy thì may ra đủ trang trải cuộc sống. Bên cạnh đó, tôi phải làm thêm công việc phụ hồ, làm ruộng để kiếm thêm thu nhập.”, bà Dương Thị Thông tay vừa dệt chiếu vừa nói.

img

Sợi cói được nhuộm màu (xanh, đỏ, tím, vàng), phơi khô, nhúng nước trước khi dệt.

Bà Mua (người phụ ruôn cói để dệt chiếu) cho hay, vì sản phẩm chiếu Cẩm Nê không trụ được nên bà phải bỏ nghề và làm nhân công dệt chiếu cho bà Dương Thị Thông. Ngày nào hai chị em bà còn sức khỏe thì còn chắp đay, dệt chiếu với niềm mong mỏi sẽ có người nối nghề. Bởi là người con của mảnh đất này, ai cũng tiếc nuối khi nhìn làng chiếu Cẩm Nê, một thời danh tiếng sắp lụi tàn.

Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay, con người chạy theo cơ chế thị trường, người tiêu dùng xa dần các sản phẩm truyền thống và không còn mặn mà với bản sắc văn hóa dân tộc. Chính vì vậy, thế hệ trẻ không muốn tiếp nối nghề dệt chiếu xa xưa, thì những nghệ nhân thâm niên cũng đành nhìn nghề bị thất truyền. Nguồn nguyên liệu rẻ và thị trường ổn định luôn là bài toán nan giải của một làng nghề.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem