Đàn châu chấu sa mạc khổng lồ bay nhanh như bão khó vào Việt Nam

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 14/03/2020 13:11 PM (GMT+7)
Theo nhận định của các chuyên gia, khả năng loài châu chấu sa mạc xâm nhập và gây hại nặng ở Trung Quốc, Việt Nam và các nước lân cận trong khu vực là rất thấp.
Bình luận 0

Trong báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp ứng phó nếu dịch châu chấu sa mạc bùng phát, Bộ NNPTNT nêu rõ, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) dịch châu chấu sa mạc Schitocera gregaria bắt nguồn từ tháng 5 - 6/2019 tại Yemen, Ả rập Xê út và phía Tây Nam Iran sau đó di cư đến phía Bắc Somalia, Ethiopia, Kenya và khu vực biên giới Ấn Độ - Pakistan từ tháng 7 - 12/2019.

Dịch nhanh chóng bùng phát, lan rộng sang hầu hết các quốc gia châu Phi gồm Somalia, Ethiopia, Kenya, Djibout, Eritrea, Uganda và Tanzania; châu chấu sa mạc phát triển nhanh bất thường tại một số quốc gia Trung Đông và các nước Nam Á, đe dọa đến an ninh lương thực của nhiều quốc gia trực thuộc khu vực này, nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Kenya, Ethiopia, Somalia.

img

Bão châu chấu sa mạc tại Ấn Độ. Ảnh: Reuters.

Theo FAO, dịch châu chấu tại Đông Phi hiện ở tình trạng tồi tệ nhất trong 25 năm qua, đàn châu chấu với số lượng ước tính hàng trăm triệu con di chuyển giữa các quốc gia Đông Phi với tốc độ lên đến 13 km/giờ, tàn phá cây trồng và các nguồn thực phẩm khác, đe dọa an ninh lương thực cho khoảng 13 triệu người.

Ngày 22/02/2020, tờ Thời báo South China Morning Post dẫn lời Ma Wenfeng, một chuyên gia phân tích nông nghiệp thuộc Công ty Nông nghiệp tổng hợp Bắc Kinh cho rằng khu vực biên giới giữa Tây Tạng, Pakistan, Ấn Độ, Nepan đang là những điểm bùng phát nạn dịch châu chấu và trong thời gian tới có khả năng đàn châu chấu tại khu vực này có thể di cư đến các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây qua bán đảo Đông Nam Á tương tự như con đường sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại năm 2019.

Để kiểm chứng thông tin trên, ngày 24/02/2020, Cục Bảo vệ thực vật đã liên hệ với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông quốc gia Trung Quốc (NATESC) thuộc Bộ Nông nghiệp và Thương mại Trung Quốc (MARA) để tìm hiểu thông tin về tình hình phát sinh gây hại của loài châu chấu hiện nay tại Trung Quốc.

Phòng Dự tính dự báo dịch hại quốc gia - NATESC cho biết châu chấu sa mạc từ các quốc gia đang có dịch chưa xâm nhập vào Trung Quốc.

Theo nhận định của các chuyên gia dự tính dự báo ở Trung Quốc thì trong thời gian tới khả năng loài châu chấu sa mạc xâm nhập và gây hại nặng ở Trung Quốc, Việt Nam và các nước lân cận trong khu vực là rất thấp do dịch châu chấu tại Ấn Độ, khu vực tiếp giáp với Trung Quốc đã được dập; nguy cơ đàn châu chấu di cư từ khu vực biên giới Pakistan - Ấn Độ tới Trung Quốc cũng thấp do gặp rào cản tự nhiên là dãy núi Hymalaya với độ cao và nhiệt độ không khí lạnh.

Hướng gió tại các khu vực có dịch trong tháng 1, 2 chủ yếu là gió Đông và Đông Bắc cũng không thuận lợi cho việc di cư của châu chấu vào các nước Đông Á và Đông Nam Á; châu chấu sa mạc là loài chủ yếu sinh sống tại các khu vực khô hạn ở châu Phi, Trung Đông và Tây Nam Á, chúng phát triển mạnh nhất khi nhiệt độ khoảng 40 độ C và ẩm độ khoảng 60-70%.

img

Châu chấu sa mạc trưởng thành. Ảnh: Getty.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, mặc dù các chuyên gia dự tính dự báo của FAO và Trung Quốc nhận định nguy cơ châu chấu sa mạc xâm nhập và gây hại tại Việt Nam là tương đối thấp, nhưng trước sự bùng phát, lây lan như hiện nay của chúng tại các nước Châu Phi và Tây Á và với sự thay đổi khó lường của khí hậu trong những năm gần đây, chúng ta cần có kế hoạch sẵn sàng ứng phó châu chấu sa mạc.

Theo đó, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Tây Bắc (nơi có khả năng, dự kiến đàn châu chấu có thể di chuyển qua) theo dõi sát về tình hình phát sinh gây hại, phát hành tài liệu hướng dẫn các Chi cục nhận diện đối với châu sa mạc và biện pháp phòng chống.

Mặc dù nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam là rất thấp, tuy nhiên trong trường hợp xấu nhất thì chúng có thể di cư vào Việt Nam vào khoảng tháng 6 do nền nhiệt độ cao và hướng gió phù hợp để chúng di cư (theo nhận định của FAO và Trung Quốc).

Để chủ động có phương án phòng chống không để bất ngờ trước tình hình dịch bệnh xảy ra, Bộ NNPTNT sẽ chủ động giám sát từ xa, cảnh báo sớm.

Tăng cường hợp tác quốc tế với FAO và các quốc gia có chung đường biên giới (Trung Quốc, Lào, Camphuchia) để trao đổi thông tin, kinh nghiệm và phối hợp đối phó với dịch châu chấu sa mạc (bao gồm cả châu chấu tre lưng vàng, sâu keo mùa thu).

Thu thập thông tin, tài liệu của quốc tế về châu chấu sa mạc và các biện pháp phòng trừ để tổng hợp, xây dựng thành tài liệu tiếng Việt gửi các địa phương nắm rõ, chủ động các biện pháp phòng chống nếu bị dịch hại xâm nhập;

Trao đổi với Bộ Quốc phòng xác định khả năng sử dụng rađa quân sự phát hiện, xác định hướng và đo kích thước đàn châu chấu khi chúng di chuyển và sử dụng dụng máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong trường hợp dịch trên diện rộng, Thủ tướng chỉ đạo chống dịch.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem