Dân Sông Mã bỏ ngô trồng nhãn, cứ mùa trái chín là có tiền

Văn Chiến Thứ tư, ngày 29/05/2019 19:15 PM (GMT+7)
Sau vài năm bỏ ngô chuyển sang trồng nhãn, cuộc sống của gia đình anh Lò Văn Thính, bản Mo (xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) khấm khá hẳn lên. Với hơn 100 gốc nhãn, mỗi năm anh Thính thu gần 100 triệu đồng từ bán quả nhãn tươi cho thương lái.
Bình luận 0

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở xã biên giới Chiềng Khương, sau khi lập gia đình, anh Thính được bố mẹ chia cho ít đất ruộng, nương để làm ăn, sinh sống. Sau nhiều năm gắn bó với cây ngô, cây lúa mà cuộc sống của gia đình anh mãi chẳng khá lên được, anh Thính mới tính đến chuyện tìm cây trồng thay thế.

img

Vườn nhãn nhà anh Thính, cây nào, cây nấy cũng sai quả.

“Lúc bấy giờ là năm 2005, thấy một số hộ dân trong bản trồng nhãn, tôi quyết định cắt một phần diện tích trồng ngô, lúa trước đây sang trồng hơn 100 cây nhãn cỏ. Đến thời kỳ nương nhãn của gia đình cho thu hoạch thì giá bán quả rẻ như cho, tôi buồn lắm. Thu hoạch thêm vài vụ nữa, giá bán quả nhãn tươi cũng không cải thiện là mấy, tôi định chặt bỏ...", anh Thính nhớ lại.

Theo anh Thính, vào thời điểm đó, ở huyện Sông mã nói chung, xã Chiềng Khương nói riêng rộ lên phong trào ghép cải tạo giống nhãn địa phương bằng giống nhãn đặc sản Miền Thiết của tỉnh Hưng Yên. Thấy nhiều người làm nên anh quyết định không phá bỏ nữa mà mua cành giống rồi thuê người về ghép cải tạo nương nhãn của gia đình.

Chỉ sau một năm ghép cải tạo, nương nhãn của gia đình anh Thính đã cho quả. Nhìn nương nhãn, cây nào, cây nấy cũng sai chi chít quả, càng tới độ chín quả càng to anh Thính mừng lắm.

img

Anh Thính "bén duyên" với cây nhãn hơn 10 năm nay.

“Không chỉ sai quả mà giống nhãn ghép này quả to hơn nhiều so với giống nhãn cỏ. Với ưu điểm quả to, cùi dày, hạt nhỏ, ăn ngọt lịm nên giá bán cũng cao gấp nhiều lần so với giống nhãn cỏ địa phương. Vụ nhãn năm 2012 (một năm sau khi ghép – PV), tôi thu hơn 60 triệu đồng từ bán quả nhãn tươi cho thương lái” – anh Thính vui vẻ cho biết.

Theo anh Thính, trồng nhãn nhàn hơn nhiều so với một số cây trồng khác. Việc chăm bón cho cây nhãn cũng không cầu kì lắm, chỉ cần cho “ăn” phân thì cây nhãn sẽ sinh trưởng, phát triển tốt.

img

Mỗi năm, anh Thính thu gần 100 triệu đồng từ bán quả nhãn tươi cho thương lái.

Mỗi năm, anh Thính chỉ bón phân 2 lần cho nương nhãn của gia đình. Sau khi thu quả xong, anh Thính tiến hành cắt tỉa, dọn dẹp cành sâu bệnh, cành xấu, sau đó làm cỏ sạch sẽ rồi đào rãnh xung quanh gốc, bỏ phân chuồng xuống và lấp đất lại. Khi cây nhãn ra hoa, anh Thính lại cho “ăn” thêm phân 1 lần nữa. Lần này anh không sử dụng phân chuồng mà dùng phân NPK để bón cho vườn nhãn.

Ngoài bón phân đúng thời điểm, đúng liều lượng, chủng loại, anh Thính còn thường xuyên kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây nhãn. Khi phát hiện sâu bệnh hại, anh Thính ngay lập tức phun thuốc diệt trừ, không để lây lan ra diện rộng.

img

Theo anh Thính, trồng nhãn cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng ngô.

Từ khi ghép cải tạo nương nhãn, thu nhập của gia đình anh Thính tăng lên đáng kể. Thấy trồng nhãn cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, lúa, năm 2015, anh Thính chuyển hết diện tích trồng ngô, lúa sang trồng nhãn. Hiện nương nhãn nhà anh Thính lên đến hơn 600 cây.

“Chỉ tính riêng hơn 100 cây nhãn ghép cải tạo từ năm 2011, năm nào tôi cũng thu hơn 10 tấn quả, bán cho thương lái với giá bình quân 8.000 đồng/kg, thu gần 100 triệu đồng. Dự kiến vụ nhãn năm nay, gia đình tôi sẽ có thu nhập cao hơn bởi số cây nhãn trồng sau đã bắt đầu cho quả...” – anh Thính bảo vậy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem