Dân trồng tiêu Phú Yên mất "nửa túi tiền" vì tiêu ngã đổ, chết yểu

Thứ sáu, ngày 02/02/2018 17:35 PM (GMT+7)
Bão số 12 cuối năm 2017 làm cho hàng trăm héc ta tiêu ở các huyện Tây Hòa, Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) ngã đổ, đứt rễ, rụng trái non. Sau bão, mưa kéo dài làm cho vườn tiêu úng thủy, nông dân không đầu tư chăm sóc dẫn đến phát sinh sâu bệnh hại, rụng lá khô dần...
Bình luận 0

Gần tháng nay, vườn tiêu của bà Tạ Thị Linh ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) khô lá rụng xuống gốc rồi chết dần. Kề đó nhiều trụ đổ ngã, xiêu vẹo, dây tiêu đứt văng tứ tung. 

Bà Linh cho hay: "Sau bão, tiêu non, bông lá rụng đầy gốc, đổ ngã, không có vốn đầu tư, tôi bỏ vườn đi làm việc khác để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Vườn tiêu đang chết dần chết mòn, lá khô rụng đầy gốc".

Theo nhiều người trồng tiêu ở đây, để khắc phục vườn, chi phí đầu tư ước tính phải tốn từ 25 - 30 triệu đồng/ha để mua trụ mới, giống, công trồng, chăm sóc..., trong khi lại “thất thu” lứa trái tiêu non. Bà con không có vốn đầu tư chăm sóc, nhiều người bỏ mặc vườn tiêu.

img

Vườn tiêu xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) đổ ngã, rụng bông trái, giờ tiếp tục khô lá chết dần.

Sau bão, người trồng tiêu ở xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) tiếp tục đứng ngồi không yên bởi thời tiết biến đổi bất thường, mưa kéo dài khiến vườn úng ngập. Khó có cây trồng nào khó tính như cây tiêu, nắng hạn thì không phát triển, ngập nước nhiều thì cây lại chết.

Bà Trần Thị Xinh, nông dân trồng tiêu ở xã Sơn Thành Tây chia sẻ: "Tiêu kỵ nước, vườn bị ngập nước “bó” bộ rễ lại, cộng với mưa kéo dài nấm mốc phát triển trên dây tiêu làm cây rũ lá "chết yểu". Nhiều đoàn công tác của ngành nông nghiệp về đây kiểm tra gọi là bệnh chết nhanh, chết chậm và tuyến trùng".

Cũng theo bà Xinh, thường phòng bệnh chết nhanh, chết chậm thì không có thuốc đặc trị mà người trồng tiêu phải phun thuốc ngừa bệnh cộng với bón phân, chăm sóc để cây có sức lướt qua (chống chịu). Vừa qua gặp bão tiêu ngã, rụng bông, trái, nhà không có tiền mua phân, thuốc nên bỏ vườn dẫn đến tiêu càng chết nhiều.

img

Vườn tiêu bị ngã đổ, rụng trái non khiến nông dân bị thiệt hại nặng. Ảnh: La Hai

Vườn tiêu rộng 1ha của ông Nguyễn Long cũng ở xã Sơn Thành Tây có hàng cây xanh trồng xung quanh che chắn nên ít đổ ngã hơn, nhưng bông, trái rụng nhiều.

Ông Long cho biết: "Theo tính toán của tôi, vụ này, vườn tiêu của gia đình chỉ thu được khoảng trên 2 tạ. Mọi năm, con số này thường phải gấp từ 3 - 4 lần. Trong khi đó, tôi phải ra sức chăm sóc, cứu vãn tình hình bằng việc đổ tiền chạy vạy mua phân, thuốc để cây giảm rụng bông, đậu trái nhưng kết quả cũng không được như mong đợi".

Cũng theo ông Long, không chỉ mất mùa, vụ thu hoạch tiêu năm nay còn tiếp tục đối mặt giá "lao dốc". Giá tiêu hiện chỉ còn 60.000 - 65.000 đồng/kg, người trồng lỗ nặng.

Thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, toàn tỉnh có 901,7ha tiêu, tập trung tại huyện Sông Hinh, Tây Hòa. Bão số 12 vừa qua làm đổ ngã 226ha, trong đó huyện Tây Hòa 160ha. Hiện bệnh chết nhanh, chết chậm gây hại 80ha, tuyến trùng gây hại 35ha.

Th.S Đặng Văn Mạnh, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên cho hay, ngành nông nghiệp đã tăng cường điều tra, khoanh vùng và xử lý kịp thời những vùng tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm và tuyến trùng xâm nhập gây hại. Hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc cây tiêu trước, trong và sau mùa mưa. Đối với vườn bị ngập úng, cần khẩn trương khai thông nước, cải tạo lại hệ thống tưới tiêu...

La Hai (Nông nghiệp Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem