“Danh hiệu 3 nhất ở miền Tây giờ không còn nhất nào nữa”

Huỳnh Xây Thứ sáu, ngày 30/06/2017 06:07 AM (GMT+7)
Đó là ý kiến đặc biệt nhấn mạnh của Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Trí Dũng khi nói về lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ được tổ chức tại TP.Cần Thơ vào ngày 29.6.
Bình luận 0

img

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phát biểu tại hội nghị.

Ông Trần Trí Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh nói: “Tôi mới nghe nói, 13 tỉnh , thành ĐBSCL không có tỉnh nào tự cân đối được nguồn ngân sách, tất cả đều rất khó khăn. Trong khi đó, ngoài vùng chúng ta, nhiều địa phương, có cả tỉnh lẻ, không nằm trong trung tâm nhưng vẫn tự cân đối ngân sách được. Tôi rất tiếc về vấn đề này”.

Ông Dũng nói thêm: “Nhiều năm trước đây, ĐSBCL là một trong những vùng phát triển nhất của cả nước, thường được gọi với danh hiệu là 3 nhất, cụ thể là thuỷ sản nhất, lúa nhất và trái cây nhất, giờ coi như không còn nhất nữa. Tương tai, nếu không có quan tâm đầu tư thì nông nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó và không thể phát triển”.

Trước tình trạng trên, ông Dũng đề nghị Chính phủ, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và các đơn vị có liên quan nghiên cứu hỗ trợ nông dân tránh tình trạng được mùa mất giá, 3 sản phẩm chủ lực của nông dân làm ra khó tiêu thụ. Đồng thời, có dự báo thông tin thị trường để các tỉnh nắm để từ đó cân đối sản lượng. Tránh tình trạng, khi xảy ra tình trạng khó khăn trên thì đổ thừa cho địa phương không quy hoạch, nói nông dân tự phát.

Theo ông Sơn Minh Thắng – Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng sản phẩm toàn vùng (GRDP) ước đạt 253,7 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 6,45% (trong khi đó cùng kỳ năm trước tăng trưởng ước đạt 6,5%).

img

Ông Trần Trí Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh nói về khó khăn trong sản xuất nông nghiệp vùng Tây Nam Bộ

“Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng thấp hơn so với cùng kỳ. Ở một số địa phương, do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh nên năng suất nông nghiệp không cao, sản phẩm tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong chăn nuôi heo. Tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển phức tạp cũng làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân.”  - ông Thắng nói.

Ông Thắng nhận định, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là do công tác quy hoạch, liên kết vùng còn nhiều bất cập, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là sản xuất nông nghiệp chưa gắn với thị trường.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng cho rằng, tốc độ tăng trưởng ngành sản xuất nông nghiệp của vùng chỉ đạt 2,07%, thấp hơn mức của cả nước là 2,65%. Mặc dù những tháng đầu năm không có hạn hán, xâm nhập mặn nhưng mưa nhiều làm năng suất, sản lượng sụt giảm. Ngoài nguyên nhân về thời tiết, nông nghiệp gặp khó khăn còn do thu hút đầu tư nước ngoài chưa thật sự sáng sủa.

img

Nông dân trồng dưa hấu ở ĐBSCL gặp khó khăn về đầu ra

“Vì vậy, chúng ta cần tăng cường quan tâm và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hơn trong thời gian tới, đặc biệt lưu ý thu hút doanh nghiệp đầu tư vào này. Tiếp tục triển khai ra các phần việc cụ thể về vấn đề liên kết vùng, nếu có vướng mắc Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và các địa phương phải báo cáo Chính phủ để sớm có quyết sách mạnh mẽ hơn’” – Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Riêng về phương hướng 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cần tập trung tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, các sự kiện xúc tiến vào ĐBSCL, thu hút tài trợ quốc tế, tìm giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng sạt lở trình Chính phủ trong thời gian tới…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem