Ốc đá gần như có mặt ở tất cả các con sông suối vùng miền núi Quảng Ngãi, thế nhưng nhiều nhất vẫn là ở Trà Bồng. Và đây cũng là một lý do để ốc đá trở thành thương hiệu đặc sản riêng của vùng đất nơi đây.
Với tên khoa học là Bellamya chinensis, thuộc họ Viviparidae, ốc đá còn nhiều tên gọi khác nhau như: ốc suối, ốc thuốc... Loại ốc này sinh sống ở núi đá, ven khe sông suối của miền núi, đặc biệt nhiều ở nơi có dòng nước trong xanh, không bị ô nhiễm và có nhiều đá.
Cứ tầm 6-7 giờ là người dân mang rổ, thau... đi bắt ốc đá
Ốc đá có màu đen, con trưởng thành dài khoảng từ 3-7 cm, với phần đuôi nhỏ và đầu to cỡ bằng ngón tay út người lớn. Ban ngày ốc đá chui xuống phía dưới các tảng đá để ẩn nấp, ban đêm mới bò ra thành từng bầy để kiếm ăn là các loại rong rêu bám trên đá.
Theo đó vào những ngày trời nắng, cứ tầm 6-7 giờ sáng nhiều người dân ở các thôn, bản trong huyện Trà Bồng lại mang thau, rổ... đi theo dọc ven bờ sông, suối trong vùng để tìm bắt, đến đầu giờ chiều thì về.
Nơi sống của ốc đá là khu vực ven bờ sông suối có nhiều đá
Chị Hồ Thị Hin (32 tuổi, ở xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng) bộc bạch: "Trước kia ốc đá chủ yếu được mang về để chế biến làm thức ăn cho gia đình. Thế nhưng gần đây do thịt thơm ngon nên nhiều người biết đến và tìm hỏi mua, mới bắt về đem bán".
"Mỗi ngày bắt được từ 12-15 lon/người. Có hôm gặp nơi ốc nhiều thì được hơn 20 lon/người. Với giá mua từ 6.000-8.000 đồng/lon, tính ra bình quân cũng được gần 100.000 đồng/ngày/người".
"Vì thu nhập không nhiều nên việc bắt ốc về bán thường chỉ là khoảng thời gian rảnh rỗi, hoặc tận dụng lúc đi làm ở gần sông suối để kiếm thêm tiền mua thức ăn cho gia đình", chị Hồ Thị Miên (41 tuổi, ở cùng xã) bày tỏ.
Ốc đá được bày bán dọc ven tuyến đường Trà Bồng về T.P Quảng Ngãi
Tuy nhiên khác với chị Thanh, chị Miên thì anh Hồ Văn Veo (38 tuổi) - một trong số những người chuyên nghiệp đi bắt ốc đá ở Trà Bồng cho biết: Do số lượng ốc bắt được nhiều hơn những người kia phải gấp 2-4 lần nên tiền bán ốc anh thu được thông thường phải được 250.000-300.000 đồng/ngày.
Tuy không phải là thứ mang lại "tiền triệu" như nhiều lâm sản vật khác, thế nhưng ngoại trừ lúc mưa to, lũ lớn thì ốc đá có thể tìm bắt được quanh năm. Cho nên số tiền bắt ốc về bán hàng ngày của nhiều người dân miền núi Trà Bồng thừa sức để đong gạo, mua thức ăn... cho cả gia đình trong nhiều ngày.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.