Dịch tả lợn châu Phi: Không cấm vận chuyển lợn Bắc - Nam

Trần Quang Thứ năm, ngày 21/03/2019 15:46 PM (GMT+7)
Theo ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, đến thời điểm này, chưa cấm việc vận chuyển lợn từ Bắc vào Nam.
Bình luận 0

CLIP: Ông Long chia sẻ về công tác kiểm soát, quản lý dịch bệnh tại các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn, doanh nghiệp FDI ở Việt Nam.

Chăn nuôi an toàn sinh học, doanh nghiệp tránh dịch

Theo ông Long, nhờ thực hiện tốt an toàn sinh học nên các trang trại quy mô lớn của nhiều doanh nghiệp vẫn an toàn trước dịch tả lợn châu Phi. Về lo ngại có hiện tượng doanh nghiệp giấu dịch, ông Long cho rằng, tại các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, thường nuôi hàng nghìn con lợn, khi muốn tiêu thụ, vận chuyển chắc chắn các đơn vị này phải thông qua kiểm dịch thú y.

"Điều đáng nói là đặc điểm của dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm, một khi đã nhiễm bệnh này thì tỷ lệ lợn chết là 100%, nó không như các bệnh khác, một khi lợn đã nhiễm virus thì có muốn giấu để chữa cũng không thể giấu được. Thứ 2 là các trang trại quy mô lớn muốn giấu dịch cũng khó, không thể qua mắt được người dân, bà con là lá chắn quan sát rất giỏi, sẽ phát hiện ra ngay" - ông Long nói.

img

Công nhân chăm sóc đàn lợn tại một trang trại quy mô lớn ở Nghệ An.

Cũng theo ông Long, kể từ khi có thông tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NNPTNT các cơ quan chuyên ngành của Bộ đã chỉ đạo và vào cuộc rất quyết liệt nên các trang trại chăn nuôi quy mô lớn đã và đang thực hiện rất tốt vấn đề chăn nuôi an toàn sinh học. Đặc biệt thời điểm này, các trang trại lớn không cho bất kỳ ai vào chuồng nuôi, kể cả đoàn cán bộ cấp cao đến mấy, người ta cũng không cho vào thăm trại.

Qua đó thấy được rằng, các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn thực hiện rất tốt và rất triện để về chăn nuôi an toàn sinh học và chúng ta cũng mong muốn là việc làm này tiếp tục được duy trì để không để xảy ra trường hợp nào bị dịch tả lợn châu Phi.

Chia sẻ với phóng viên, đại diện Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam cho biết, ngay từ trước và sau Tết, đơn vị này đã nhanh chóng tăng cường giám sát, cách ly các khu nhập heo mới và heo xuất chuồng để theo dõi sức khỏe, tuân thủ đúng quy trình nhập heo.

Đơn vị cũng giám sát sức khỏe toàn đàn heo hàng ngày, để đưa ra giải pháp xử lý kịp thời nếu có nghi ngờ về bệnh. Mặt khác, công ty cũng kết hợp chặt chẽ với thú y để giám sát heo ở các hộ nuôi, đồng thời, kiểm dịch đúng quy định khi heo xuất chuồng.

img

Công nhân kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt tại một doanh nghiệp chăn nuôi lớn ở Việt Nam.

Chưa cấm vận chuyển lợn tuyến Bắc - Nam

Nói thêm về việc quản lý, kiểm soát công tác vận chuyển lợn tuyến Bắc - Nam, ông Long cho hay: Bản thân các nước tiên tiến có ngành chăn nuôi lợn phát triển như Tây Ban Nha, Bỉ..., dù bị dịch bệnh tả lợn châu Phi mấy chục năm nay song người ta cũng chưa cấm vận chuyển. Tại Việt Nam, chúng ta cũng rất minh bạch về thông tin dịch bệnh để các cơ quan truyền thông và người dân nắm được. Thêm nữa, hiện ở Việt Nam tổng số lợn bị dịch bệnh rất ít, chỉ chiếm khoảng 0,1% (gần 35.000 con bị dịch/trên tổng số gần 30 triệu con lợn) mà chúng ta cấm vận chuyển lợn trên tuyến Bắc - Nam là chưa hợp lý.

Tại Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo rất rõ là chưa cấm và không cấm việc vận chuyển lợn tuyến Bắc - Nam mà chúng ta phải tăng cường các biện pháp kểm soát dịch bệnh.

Theo chỉ đạo đó, Bộ NNPTNT đã có công điện 1237 ngày 22.2 chỉ đạo các địa phương cần tăng cường các biện pháp, lập các chốt kiểm dịch từ Bắc đến Nam. Đích thân lãnh đạo Bộ đã nhiều lần trực tiếp xuống các địa phương như Thanh Hóa, Quảng Bình... để kiểm tra công tác kiểm dịch tại các trạm, chốt này.

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường (ngoài cùng bên trái) kiểm tra công tác phòng chống DTLCP tại chốt kiểm dịch Dốc Xây (Thanh Hóa) ngày 19.3.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý các địa phương cần thực hiện nghiêm 3 việc như sau: Thứ nhất, thực hiện nghiêm quy trình kiểm dịch tận gốc, nghĩa là là các xe vận chuyển xuất phát từ trang trại nào là lực lượng thú y phải kiểm soát được tận nơi.

Thứ 2, toàn bộ phương tiện vận chuyển sẽ được kiểm tra thật kỹ và tiến hành phun thuốc sát trùng cẩn thận, triệt để. Thứ 3, các địa phương phải thực tế kiểm soát đàn lợn, sản phẩm lợn trong quá trình vận chuyển, nếu phát hiện bất kỳ trường hợp nào nghi ngời phải dừng phương tiện để tiến hành lấy mẫu xác định có hay không có mầm bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.

Cũng theo ông Long, mặc dù hiện nay dịch bệnh đã lan đến miền Trung nhưng số lượng lợn bị nhiễm rất ít, cụ thể như tại ổ dịch mới nhất ở Thừa Thiên Huế, chỉ có 5 con nhiễm bệnh nên chúng ta không nên quá hoang mang, gây xáo trộn ảnh hưởng đến kinh tế của người chăn nuôi và các vấn đề xã hội khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem