Nhiều địa phương hết dịch
Ngày 19/2/2020, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Quyết định số 33/QĐ-UBND công bố hết dịch bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có hơn 3.600 hộ chăn nuôi lợn ở 105 xã, phường, thị trấn thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố. Đã tiêu hủy hơn 65.400 con lợn với tổng trọng lượng hơn 4.300 tấn.
Đàn lợn ở Sóc Trăng hiện có trên 160.200 con, giảm hơn 32% so cùng kỳ năm trước.
Nhiều hộ chăn nuôi ở Đồng Nai vẫn dè dặt tái đàn lợn. Ảnh: T.L
UBND tỉnh An Giang cũng vừa ra quyết định về việc công bố hết DTLCP trên địa bàn đồng thời giao Sở NNPTNT chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục theo dõi, chỉ đạo kiểm tra, giám sát tình hình bệnh dịch và báo cáo kịp thời phát sinh mới trên địa bàn.
Sau khi công bố quyết định, tỉnh cũng xây dựng kế hoạch tái đàn lợn trong giai đoạn bệnh DTLCP được ngăn chặn với mục tiêu phục hồi 80% số lượng lợn bị tiêu hủy do bệnh DTLCP năm 2019.
Theo thống kê của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), đến thời điểm này, có khoảng 8.224 xã (chiếm 96% tổng số xã có dịch) thuộc 638 huyện đã qua 30 ngày không phát sinh thêm ổ dịch. Hiện tại, 34 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã qua 30 ngày; 24 tỉnh, thành phố có trên 85% số xã đã qua 30 ngày.
Chỉ còn 325 xã của 29 tỉnh, thành phố có ổ dịch chưa qua 30 ngày.
Tại “thủ phủ” chăn nuôi lợn Đồng Nai, DTLCP cơ bản được khống chế, toàn tỉnh không xuất hiện ổ dịch mới. Tuy nhiên, ngành chức năng vẫn khuyến cáo người chăn nuôi không chủ quan trong công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trong việc tái đàn, tránh “tiền mất tật mang”.
Điều đáng phấn khởi là, giá lợn hơi vẫn giữ ổn định ở mức cao, giúp người chăn nuôi ổn định tâm lý khi muốn tái đàn. Cụ thể, sau khoảng 1 - 2 tuần lặng sóng sau khi các doanh nghiệp lớn đồng loạt giảm giá lợn hơi theo lời kêu gọi của Bộ NNPTNT, vài ngày trở lại đây, giá lợn hơi ở các tỉnh miền Bắc bắt đầu tăng trở lại.
Tại Hưng Yên, giá lợn hơi đã đạt 88.000 đồng/kg, đối với lợn đẹp, chọn có thương lái đã đặt mua với giá 90.000 đồng/kg. Tương tự, giá lợn hơi tại Thái Bình, Nam Định, Hà Nam... cũng đã đạt mức 88.000 đồng/kg, riêng tại một số huyện của tỉnh Thái Bình, giá lợn chọn cũng đạt xấp xỉ 90.000 đồng/kg.
Tương tự, tại các tỉnh khu vực phía Nam, giá lợn hơi cũng đột nhiên tăng mạnh. Theo đó, giá lợn hơi tại Long An, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Trà Vinh, Tây Ninh đạt 75.000 đồng/kg. Trong khi tại Bà Rịa Vũng Tàu, có nơi thương lái bán được lợn hơi với giá 82.000 đồng/kg; tại Đồng Nai giá lợn hơi ổn định ở mức 75.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, khả năng giá lợn còn tăng.
Trang trại nhỏ e dè việc tái đàn
Theo ghi nhận của phóng viên, đến thời điểm này, nhiều cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã bắt đầu tái đàn trở lại nhưng chủ yếu việc tái đàn diễn ra ở các công ty chăn nuôi lớn. Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (khu công nghiệp Biên Hòa 2) đang là một trong những doanh nghiệp có quy mô tổng đàn lợn lớn của Đồng Nai.
Có nhiều trang trại nuôi gia công cho doanh nghiệp này đã tổ chức tái đàn, đến nay nhiều trại đã qua 60 ngày tái đàn, vẫn hoạt động ổn định, chưa bị tái phát dịch.
Thương lái mua bán lợn tại chợ đầu mối gia súc - gia cầm Hà Nam.Ảnh: T.Q
Trong khi đó các trang trại nhỏ lẻ lại e dè tái đàn do lo sợ dịch bệnh tái phát. Ông Nguyễn Văn Hinh - chủ trang trại lợn tại huyện Thống Nhất cho biết, hiện tổng đàn nái của doanh nghiệp có trên 2.300 con, tổng đàn thịt khoảng 40.000 con, giảm 15% so với trước khi xảy ra DTLCP. Doanh nghiệp này cũng đang nỗ lực khôi phục lại tổng đàn lợn.
8.224 xã (chiếm 96% tổng số xã có dịch) đã qua 30 ngày không phát sinh thêm ổ dịch
34 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã qua 30 ngày
24 tỉnh, thành phố có trên 85% số xã đã qua 30 ngày
Còn 325 xã của 29 tỉnh,thành phố có ổ dịch chưa qua 30 ngày
|
Còn bà Nguyễn Thị Phương - hộ chăn nuôi tại huyện Cẩm Mỹ cho biết: Trước đây trang trại của gia đình bà nuôi khoảng 5.000 con lợn thịt mỗi đợt. Tuy nhiên, sau khi dính dịch đến nay, gia đình bà vẫn chưa dám tái đàn do lo ngại dịch tái phát.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ, đa số các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ trên địa bàn huyện chưa dám tái đàn do nhiều nguyên nhân như: Chủ trương của địa phương là không đủ điều kiện thì không tái đàn; giá con giống cũng quá cao khiến người chăn nuôi e dè.
“Chúng tôi vẫn đang giám sát chặt việc tái đàn lợn. Qua khảo sát, chỉ những cơ sở đủ điều kiện của ngành chăn nuôi thì mới cho tái đàn và phải thực hiện nghiêm túc việc đăng ký tái đàn” - ông Thắng nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cũng đã yêu cầu các địa phương khẩn trương thực hiện việc công bố hết dịch trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi, doanh nghiệp trong việc cung cấp lợn ra thị trường.
Tuy nhiên, công tác kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển động vật vẫn phải thực hiện nghiêm túc, không để xảy ra vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.