Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 4: Nông sản chủ động “vượt rào”

Hoàng Nhật Thứ tư, ngày 02/10/2019 05:05 AM (GMT+7)
LTS: Khi Việt Nam tham gia CPTPP và EVFTA, nông nghiệp có rất nhiều cơ hội phát triển ở các mặt hàng trái cây, thủy sản… Song, những sản phẩm chăn nuôi Việt Nam sẽ bị cạnh tranh gay gắt. Đây sẽ là một trong những vấn đề sẽ được thảo luận tại Diễn đàn nông dân quốc gia lần thứ 4 với chủ đề “Từ CPTPP tới EVFTA: Cùng nông dân đi chợ thế giới”, do Báo NTNN tổ chức vào ngày 11/10 tới. Từ số báo này, Báo NTNN sẽ đăng tải các ý kiến, tham luận của các chuyên gia xung quanh diễn đàn này.
Bình luận 0

Chủ động “vượt rào”

Theo PGS - TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế, các FTA cũng ngày càng có nhiều hàng rào phi thuế quan, còn gọi là hàng rào kỹ thuật. Cụ thể, đối với lĩnh vực nông nghiệp, hàng rào phi thuế quan chính là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ. “Trong tất cả các ngành kinh tế lớn của Việt Nam có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, chúng ta có hơn 30 ngành hàng và nông nghiệp chiếm một phần lớn trong số đó. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn gặp những trở ngại về chất lượng, năng lực cạnh tranh, công nghệ chế biến, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật khi tham gia các FTA”- ông Long cho biết.

img

PGS - TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế sẽ tham dự Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 4. I.T

Chia sẻ về tình hình vượt rào cản kỹ thuật đối với nông sản Việt, ông Long cho biết, chất lượng nông sản Việt Nam ngày càng được cải thiện theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn VietGAP, VietGAHP, GlobalGAP… Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đạt được kết quả tích cực. Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm vị trí dẫn đầu trên thị trường thế giới như gạo, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản, rau... Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế và bất cập, đặc biệt là chất lượng nông sản và việc tiêu thụ, phân phối. Cùng với đó, những rào cản về kỹ thuật là khó khăn lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế khoảng 5%.

img

Ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia thương mại.

Còn theo ông Vũ Vinh Phú – chuyên gia thương mại, về cơ bản sản xuất hàng hóa ở nước ta vẫn ở trình độ thấp, mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm không ổn định, an toàn thực phẩm còn nhiều vấn đề phải khắc phục, năng suất lao động trong nông nghiệp còn thấp do trình độ sản xuất còn lạc hậu, giá thành các sản phẩm còn cao...

Ông Phú phân tích: “Chúng ta đang yếu ở 2 khâu là chế biến và tổ chức thị trường trong và ngoài nước. Theo Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ của Bộ Công Thương thì 90% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ở dạng thô hoặc sơ chế, kim ngạch xuất khẩu tuy lớn song phần thu về cho đất nước lại rất khiêm tốn”.

Chờ bàn tay kiến tạo của Nhà nước

Để thuận lợi trong việc tìm kiếm đối tác, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước. Những chuyến công tác, những hội chợ quảng bá sản phẩm của Việt Nam sẽ là con đường thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận với đối tác nhập khẩu”.

 ông Ngô Trí Long

 Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, lúc này rất cần có sự hỗ trợ nhiều mặt của Nhà nước, bộ ngành có liên quan cùng các địa phương trong cả nước: “Cần làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất trên thế mạnh của các địa phương. Đi đôi với đó là những chính sách đầu tư hợp lý và hiệu quả cho những vùng sản xuất được quy hoạch. Sản xuất sản phẩm hàng hóa nông sản cần đi đôi với việc phát triển các nhà máy chế biến nông sản, các kho dự trữ, hệ thống giao thông vận chuyển...”.

Một vấn đề khác được ông Phú nêu ra là cần tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và tiêu thụ hàng hóa không đạt chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm trên thị trường cần được xử lý nghiêm minh theo pháp luật, bảo vệ những doanh nghiệp nông nghiệp, người nông dân làm ăn chân chính.

Còn theo ông Long, hàng rào kỹ thuật của các nước, nhất là trong lĩnh vực nông sản rất phức tạp. Về phía các doanh nghiệp nông nghiệp cần sự nghiên cứu về chuẩn mực yêu cầu đối với từng khu vực thị trường, pháp luật chi phối, các rào cản nào sẽ gặp phải…  “Các doanh nghiệp cần áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến nhất trên thế giới, đồng thời xây dựng thành công hệ thống quản lý chất lượng… Để vượt qua các rào cản về kỹ thuật của các nước thì các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý mấy điểm chính: Hàng hóa phải đáp ứng được chất lượng, các vấn đề về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường”- ông Long đề xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem