Từ kết quả nổi bật của phong trào ND thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2017, T.Ư Hội NDVN có đánh giá gì về phong trào, thưa Chủ tịch?
- Trong giai đoạn 2012 – 2017, bình quân hàng năm có hơn 6,2 triệu hộ ND đăng ký danh hiệu ND sản xuất kinh doanh giỏi, chiếm hơn 41,3% so với tổng hộ ND cả nước. Năm 2016, tổng số hộ ND đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp đạt hơn 3,55 triệu hộ, chiếm 57,2 % số hộ đăng ký danh hiệu.
Từ phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều ND kiên trì vượt khó, năng động làm giàu và mạnh dạn nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn thu hút hàng trăm lao động, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. So với giai đoạn 2007 - 2012, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng tăng gấp 5 lần. Hộ ND sản xuất kinh doanh giỏi các cấp đã tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động.
Thông qua phong trào, những ND sản xuất kinh doanh giỏi đã đóng vai trò nòng cốt trong việc tổ chức lại sản xuất, thành lập mới HTX, tổ hợp tác và cả doanh nghiệp; hướng tới vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị. Trong 5 năm qua, Hội NDVN đã hướng dẫn và hỗ trợ thành lập 14.604 mô hình kinh tế tập thể và 1.029 HTX kiểu mới.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/3-2017/images/2017-09-21/150598102565804-ong-huynh-doan-thong-2.jpg)
Ông Huỳnh Đoàn Thông - ND giỏi ở xã Đoàn Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM với mô hình trồng các loại cây rau, quả, sản xuất hạt giống, cây giống... cho doanh thu hơn 10 tỷ đồng/năm. ảnh: Thuận Hải
Bên cạnh những kết quả rõ nét, công tác chỉ đạo và triển khai phong trào ND thi đua sản xuất kinh doanh giỏi chắc hẳn còn những hạn chế gì cần rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo?
- Chúng ta đã xây dựng tốt các mô hình nông nghiệp điểm. Từ những mô hình này, nhiều bà con ND đã học tập thành công. Tuy nhiên, phần lớn các hộ ND đều đang gặp khó khăn, lúng túng trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
Tiêu thụ khó khăn chắc chắn ảnh hưởng đến tính hiệu quả của phong trào. Về cơ bản, quy mô các mô hình của hộ ND sản xuất kinh doanh giỏi còn nhỏ, hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi liên kết còn hạn chế, chưa tính đến yếu tố thị trường tiêu thụ, chưa coi trọng các yếu tố liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường trong sản xuất, kinh doanh, dẫn đến không ít chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường.
Phong trào ND thi đua sản xuất kinh doanh giỏi còn đóng góp đáng kể vào xây dựng nông thôn mới, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia; tích cực thúc đẩy công tác củng cố, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để gắn bó với lợi ích thiết thực của hội viên, ND”.
Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn |
Đến nay đã có 5 kỳ hội nghị phong trào ND thi đua sản xuất kinh doanh giỏi được tổ chức. Vậy những thành quả và tồn tại như Chủ tịch nói có được đánh giá, phân tích kỹ tại hội nghị lần thứ 6 sắp diễn ra ở Hà Nội?
- Phong trào ND thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là 1 trong 3 phong trào trụ cột của Hội NDVN, phát động từ năm 1989, là phong trào mang tính hiệu quả kinh tế xã hội và ý nghĩa nhân văn cao cả. Phong trào không chỉ tạo điều kiện và khích lệ mỗi người ND có ý thức và quyết tâm tự vươn lên xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng cho bản thân, cho gia đình mà còn đoàn kết tương thân, tương ái, cùng giúp nhau thoát nghèo và làm giàu.
Khác với 4 kỳ hội nghị, trước hội nghị Đại biểu ND sản xuất kinh doanh giỏi lần thứ V (giai đoạn 2012 – 2017) gắn liền với việc tổ chức hội nghị “Tọa đàm các giải pháp giúp ND khởi nghiệp”. Đây là chuỗi sự kiện tổ chức hội nghị, nhằm đưa ra nhiệm vụ và giải pháp phát triển phong trào ND sản xuất kinh doanh giỏi trong 5 năm tới.
Hội nghị ND khởi nghiệp nhằm hưởng ứng phong trào khởi nghiệp quốc gia, góp phần định hướng và hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; khuyến khích khả năng tư duy sáng tạo, sản sinh ý tưởng kinh doanh của ND trong cả nước, nhất là các hội viên ND trẻ có niềm đam mê và mong muốn phát triển ngành nông nghiệp…
Hội nghị Đại biểu ND sản xuất kinh doanh giỏi lần thứ V (giai đoạn 2012 - 2017) và hội nghị “Tọa đàm các giải pháp giúp ND khởi nghiệp” do T.Ư Hội NDVN tổ chức lần này có thế tổng quát lại là 5 chữ G. Đó là: “G1” - Sản xuất giỏi, “G2” - Kinh doanh giỏi, “G3” - Làm giàu, “G4” - Giảm nghèo và “G5” là Giá trị gia tăng hiệu quả thương mại. Người ND là chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới cần hướng tới 5G đó.
Hướng ND theo “5G” này là để NDVN trở thành ND chuyên nghiệp. Vậy Hội NDVN có giải pháp gì để tham gia thúc đẩy, hỗ trợ ND khởi nghiệp, làm giàu thưa Chủ tịch?
- Trong suốt 30 năm đổi mới đất nước, nền kinh tế NDVN đã tạo được những bước đột phá, là trụ đỡ cho đất nước phát triển. Trong bối cảnh nước nhà hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, lĩnh vực nông nghiệp và người NDVN đang có những thời cơ, thuận lợi và thách thức, trong đó thách thức nhiều hơn thuận lợi. Đó là thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, biến động của thị trường…
Để giúp ND vượt qua khó khăn, thách thức đó, T.Ư Hội NDVN đã phát động phong trào thi đua trong toàn hệ thống Hội với 5 nội dung, trong đó trọng tâm là 3 nhiệm vụ cốt lõi, xuyên suốt là: Bảo vệ ND; thực hiện tốt dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ ND và xây dựng các mô hình kinh tế theo chuỗi giá trị…
Theo 3 nhiệm vụ trọng tâm này, các cấp Hội NDVN đã đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, ND xây dựng các chuỗi liên kết ứng dụng công nghệ cao và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để nâng cao sức cạnh tranh cho ND.
Vốn Quỹ Hỗ trợ ND của Hội NDVN hiện có 2.500 tỷ đồng, cùng với vốn ủy thác với Ngân hàng CSXH hơn 50.000 tỷ đồng; vốn tín chấp với Ngân hàng NNPTNT hơn 38.000 tỷ đồng đã, đang và sẽ giúp ND khởi nghiệp. Bên cạnh đó, Hội NDVN cũng đã hợp tác, phối hợp rất hiệu quả với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước ở lĩnh vực cung ứng, hỗ trợ ND về vật tư, phân bón, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ nông dân, Hội NDVN cũng tích cực trong việc tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước trong việc hỗ trợ ND vươn lên sản xuất giỏi, khởi nghiệp. Hội NDVN đã tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 61/2009 và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 673/2011. Với Kết luận 61 và Quyết định 673, lần đầu tiên Hội NDVN có tư cách pháp lý, pháp nhân trực tiếp tham gia phát triển kinh tế, xã hội… Đảng, Nhà nước cũng quy định, việc xây dựng chính sách liên quan đến nông nghiệp, ND, nông thôn phải có sự tham gia của Hội NDVN.
Vừa qua, T.Ư Hội NDVN cũng đã kiến nghị với Ban Bí thư 4 vấn đề về phát triển nông nghiệp, ND, nông thôn. Thứ nhất đó là về chính sách đất đai gồm: Quy hoạch, duy trì diện tích đất trồng lúa, khuyến khích ND liên kết, hợp tác, hạn chế chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Thứ 2, chính sách khoa học công nghệ: Nhà nước đặt hàng với các viện nghiên cứu để sản xuất xuất các loại cây, con chủ lực quốc gia; chuyển giao khoa học công nghệ.
Thứ 3 là chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn: Xây dựng hệ thống kho bảo quản, chợ đấu giá nông sản, chế biến tiêu thụ sản phẩm. Thứ 4 là chính sách với ND: Tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm xã hội cho ND. Về 4 vấn đề trên mà Hội kiến nghị, Ban Bí thư đã chỉ đạo Ban cán sự Đảng, Chính phủ chỉ đạo việc xem xét, giải quyết.
Xin cảm ơn Chủ tịch!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.