Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ngành chăn nuôi Đồng Nai có nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp hàng hóa. Nhưng lâu nay, trang trại, doanh nghiệp (DN) mới chỉ tập trung cố gắng đủ sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu, rất ít DN nghĩ đến việc đưa sản phẩm ra nước ngoài.
Rào cản lớn nhất với thịt gà Đồng Nai là dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều thời điểm, gà nội địa chịu áp lực rất lớn trong việc cạnh tranh với gà nhập khẩu giá rẻ, người chăn nuôi phải gồng mình chịu lỗ.
Trang trại nuôi gà tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đăng ký chăn nuôi theo quy trình VietGAP. ảnh: BÌNH NGUYÊN
Ông Nguyễn Văn Quyền - Trưởng ban đề án xuất khẩu gà chế biến của Công ty Koyu & Unitek đánh giá thị trường trong nước luôn chứa đựng nhiều bất ổn. Giá gà tươi và gà chế biến trồi sụt thất thường và kéo dài trong khi kế hoạch sản xuất phải vạch ra cho cả năm. “Nếu các trang trại, DN liên kết tạo thành chuỗi khép kín và áp dụng các chương trình an toàn dịch bệnh, những vấn đề trên sẽ được cải thiện, sức cạnh tranh của sản phẩm mới nâng cao” - ông Quyền nói.
Nhờ Hội đồng quản trị có thành viên đến từ Nhật nên quá trình tìm kiếm thị trường được rút ngắn, Koyu & Unitek là DN đầu tiên tại Việt Nam được ký hợp đồng xuất khẩu ức gà chế biến ra nước ngoài.
Sau nhiều năm tự vận động thích ứng để đảm bảo các tiêu chuẩn thú y nước ngoài, cuối tháng 3 vừa qua, Công ty Koyu & Unitek tiếp tục hoàn thành việc xây dựng nhà máy chế biến để chuẩn bị cho đợt xuất hàng vào tháng 4. Tuy vậy, để sản phẩm chế biến đủ điều kiện xuất khẩu sang Nhật, gà còn phải được chăn nuôi ở vùng đệm an toàn trong và ngoài trang trại. Việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) ở các xã quanh trại nuôi xuất khẩu cũng nhằm đảm bảo tiêu chí này.
Ông Âu Dương Long - chủ trại gà ở xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom) cho biết để tham gia chuỗi cung ứng xuất khẩu thịt gà, trang trại phải cam kết sản phẩm đảm bảo tiêu chí an toàn với bệnh cúm (H5N1), Newcastle (tả) và tồn dư kháng sinh.
“Vì đàn gà chu chuyển rất nhanh nên để duy trì được chứng nhận an toàn còn khó hơn việc đạt được nó. Đây mới là mục tiêu chính yếu và cũng là khó khăn chung của hai huyện Trảng Bom và Thống Nhất khi thí điểm xây dựng vùng ATDB” - ông Long nói.
Tiến tới xuất khẩu
Theo ông Trần Văn Quang - Chi cục trưởng Chi cục Thú y (Sở NNPTNT Đồng Nai), khi chăn nuôi theo quy trình an toàn và liên kết, ức gà chế biến được khách hàng nước ngoài ưa chuộng sẽ mang lại giá trị kinh tế cao.
|
Ông Lã Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) cho biết lợi thế của địa phương là đã sớm hình thành 2 vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung ở Tây Bạch Lâm (nuôi gà) và Đông Đức Long (nuôi lợn). Gia Tân 2 là địa phương đi đầu trong toàn huyện dù cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ cũng khá nhiều.
Thừa nhận điều này, nông dân Trần Hữu Trung nhấn mạnh gà được chăn nuôi trong và ngoài vùng ATDB không có khác biệt về giá. Cái lợi trước mắt về kinh tế đối với các hộ nhỏ lẻ vì thế chưa nhiều, nhưng ý nghĩa của chương trình thì rất lớn.
“Tự thân các trang trại đã tuân thủ nghiêm ngặt việc phòng bệnh vì thiệt hại kinh tế sẽ rất lớn nếu dịch lây lân. Với nông hộ, chi phí vaccine phát cho bà con phòng dịch vẫn tiết kiệm hơn khi chẳng may dịch bùng phát. Chương trình vì thế được nhiều người ủng hộ” - ông Trung phân tích.
Theo thống kê, hầu hết các xã trên địa bàn hai huyện Thống Nhất (10 xã) và Trảng Bom (17 xã) đã cơ bản đủ điều kiện cấp chứng nhận ATDB cấp xã. Từ giữa tháng 3, Cơ quan thú y vùng IV đã bắt đầu thẩm định và hướng dẫn 2 huyện Thống Nhất, Trảng Bom. Đây là giai đoạn các địa phương tập trung xây dựng báo cáo và bảo vệ minh chứng để được cấp chứng nhận vùng ATDB cấp huyện, dự kiến trong 1 tháng nữa sẽ hoàn tất.
Bà Lương Thị Lan - Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom đánh giá việc tạo ra một khu vực ATDB để bảo vệ vật nuôi để có sản phẩm an toàn, tạo thuận lợi khi ký kết tiêu thụ và tiến tới xuất khẩu. “Trong đó ý nghĩa lớn lao trước hết là sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Việc thí điểm có khó khăn nhưng các mục tiêu chung cơ bản đã hoàn thành” - bà Lan nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.