Đột phá từ dồn điền đổi thửa
Theo báo cáo của huyện Sóc Sơn, khi xây dựng NTM, huyện có xuất phát điểm thấp. Phần lớn các xã trên địa bàn chỉ đạt vài tiêu chí trong tổng số 19 tiêu chí NTM. Cụ thể, trong 25 xã của huyện có 7 xã đạt 5 - 10 tiêu chí, 18 xã đạt dưới 5 tiêu chí, đặc biệt có 3 xã chưa đạt tiêu chí nào.
Thực hiện mô hình sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP, nhiều nông dân ở xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn đã cùng liên kết xây dựng nhãn hiệu “Chè sạch Bắc Sơn”. Ảnh: Thu Hà
Tính đến hết năm 2017, huyện Sóc Sơn đã có 18/25 xã đạt chuẩn NTM. Chủ trương của huyện là tiếp tục xây dựng và phát triển NTM theo quy hoạch; giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt; phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM trên 25/25 xã, trở thành huyện NTM trước năm 2020. |
Bên cạnh đó, Sóc Sơn có địa hình phức tạp, diện tích đất đồi, gò tương đối lớn, nhiều vườn tạp. Việc chuyển đổi mô hình kinh tế, những cánh đồng lúa chất lượng thấp, những quả đồi trồng cây tạp thành những mô hình sản xuất chuyên canh là đòi hỏi tất yếu đặt ra. Nhưng khi ấy ruộng đất còn manh mún. Nhiều gia đình có đến hơn 10 thửa ruộng, mỗi thửa ruộng nằm ở một cánh đồng. Thậm chí có hộ sở hữu mảnh ruộng không đến 100m2.
Thời đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tại địa bàn chỉ đạt 75,3 triệu đồng/ha canh tác, thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức 18 triệu đồng/năm... Trước tình hình ấy, Sóc Sơn đã chọn dồn điền đổi thửa (DĐĐT) là khâu đột phá, để dỡ bỏ những cản trở lớn nhất trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Đối với công tác DĐĐT, ông Lê Hữu Mạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, được triển khai tích cực, tạo phong trào này diễn ra sôi nổi trong nhân dân. Tính đến hết năm 2016, toàn huyện tiến hành DĐĐT tại 121 thôn, làng với tổng diện tích trên 10.845ha; 31.924 hộ đã thực hiện DĐĐT với tổng số 94.119 thửa. Sau DĐĐT, mỗi hộ có bình quân 2,5 thửa đất, toàn huyện dôi dư 965 ha đất để bổ sung quỹ đất công, tạo điều kiện quy hoạch cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi tại các địa phương.
Sau DĐĐT, kinh tế tập thể của huyện đã có bước phát triển nhanh chóng; cơ cấu mùa vụ, cây trồng vật nuôi dần chuyển dịch theo hướng tích cực. Hiện nay, Sóc Sơn đã có 5 nhãn hiệu nông sản được công nhận, giá trị thu nhập đạt từ 350-400 triệu đồng/ha canh tác như: Rau hữu cơ Sóc Sơn, chè an toàn Bắc Sơn, gạo nếp cái hoa vàng Sóc Sơn...
Theo đó, thu nhập bình quân đầu người được cải thiện rõ rệt, năm 2010 đạt 18 triệu đồng/năm, năm 2015 đạt 29,8 triệu đồng/năm, năm 2016 đạt 35 triệu đồng/người.
Phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị sinh thái
Theo đánh giá của Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương, đến nay, chương trình xây dựng NTM đã mang lại gương mặt mới cho huyện với nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, địa bàn huyện vẫn chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung trọng điểm; việc ứng dụng công nghệ cao mới chỉ tập trung ở một số mô hình điểm. Đời sống nhân dân ở một số xã xa trung tâm còn gặp nhiều khó khăn…
Chính vì vậy, theo Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, huyện cố gắng phấn đấu xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái nhằm có nhiều sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, khả năng cạnh tranh cao. Giá trị tăng trưởng của khu vực kinh tế nông nghiệp phấn đấu đạt 2,5-3%/năm.
Để đạt được mục tiêu này, huyện sẽ có hệ thống chính sách đặc thù để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, liên kết 4 nhà tạo thành các chuỗi sản xuất, cơ chế hỗ trợ về thuê đất, vay vốn, xây dựng hạ tầng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch an toàn với phát triển nhanh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phát triển nông thôn ổn định, đời sống nông dân không ngừng được nâng cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.