Vườn đu đủ bonsai hơn 30 chậu của ông Thanh đều đã có khách đặt hàng, mỗi cây có giá từ 1 triệu đến 4,5 triệu đồng.
Ông Thanh cho biết, theo quan niệm của người xưa, đu đủ thể hiện một cuộc sống đủ đầy, bền vững, không thừa cũng chẳng thiếu. Chính vì vậy, những năm gần đây, nhiều người tìm mua đu đủ bonsai về chưng trong nhà hoặc làm quà biếu trong dịp Tết.
Theo ông Thanh, để đu đủ bonsai phát triển tốt trong chậu cần trồng bằng loại đất thịt ải hoặc đất mới chưa qua gieo trồng bất cứ loại rau màu nào. Đây là khâu kỹ thuật then chốt, có ý nghĩa quyết định tỷ lệ sống của cây đu đủ trên chậu sau trồng.
Ông Thanh cho biết thêm, đu đủ là mặt hàng bonsai mới song việc trồng, tạo tán, thế cho mặt hàng này rất khó khăn, rủi ro cao nên không ít nhà vườn trong huyện gặp thất bại.
Cận cảnh một chậu đu đủ bonsai được ông Thanh chăm sóc, tạo tán rất đẹp mắt.
“Năm nay tôi làm 60 chậu nhưng do thời tiết bất thuận đu đủ bị sâu bệnh hại hỏng nhiều đến giờ chỉ còn giữ được hơn 30 chậu cung cấp cho khách chơi Tết” – ông Thanh chia sẻ.
Ông Thanh dùng các túi bao trái cho các quả trên các chậu nhằm giữ cho quả đẹp mã, hạn chế sâu bệnh, sương muối... tấn công.
“Mỗi cây từ lúc trong bầu đưa lên chậu đến khi có giá trị làm cảnh cần khoảng 7 tháng đến trên 1 năm. Vì vậy, thời điểm trồng đu đủ bonsai tốt nhất bắt đầu từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 Âm lịch để kịp thời thu hoạch vào dịp Tết”, ông Thanh tiết lộ.
Nhà vườn của ông Thanh là một trong số ít các nhà vườn ở miền Bắc trồng, chăm sóc thành công các chậu đu đủ bonsai độc đáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.