Dừng thông quan hàng sang Trung Quốc, xuất khẩu nông sản "tê liệt"

Thiên Hương - Khải Như Thứ năm, ngày 30/01/2020 07:30 AM (GMT+7)
Trước tình hình một số cửa khẩu với Trung Quốc phải tạm thời đóng cửa, hoặc ngừng thông quan hàng hoá do dịch viêm phổi Vũ Hán, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) lưu ý các doanh nghiệp cần có giải pháp chuyển hướng xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước, nhất là đối với hàng nông sản. Hiện, một số mặt hàng như thanh long đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ khiến giá rớt mạnh.
Bình luận 0

Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong những ngày qua, bệnh dịch viêm phổi do virus Corona (viêm phổi Vũ Hán) gây ra đang có những diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, số người mắc bệnh và tử vong do bệnh dịch này tăng lên nhanh chóng.

Phía Trung Quốc cũng đã có thông báo do dịch bệnh virus Corona, các cặp cửa khẩu tại Bằng Tường và các cửa khẩu phụ gồm: Na Hình, Bình Nghi, Nà Nưa dừng làm thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu đến ngày 16 tháng giêng âm lịch (ngày 9/2). Riêng tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ được mở cửa từ ngày mùng 10 tháng Giêng (ngày 3/2).

Tình hình này đã khiến một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, điển hình là thanh long (nơi Trung Quốc chiếm tới 90% thị phần xuất khẩu) đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, giá giảm mạnh.  

img

Cục Xuất nhập khẩu cho biết đang theo dõi sát sao tình hình dịch viêm phổi do virus Corona gây ra tại Trung Quốc để đánh giá khả năng tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó có các mặt hàng nông sản. Ảnh minh hoạ

Hiện đã có thông tin về việc nhu cầu tiêu thụ một số sản phẩm nông sản tại Trung Quốc chững lại do diễn biến phức tạp của bệnh dịch tại Trung Quốc. Mặt khác, do công tác chống dịch đang được thực hiện nghiêm ngặt nên việc vận chuyển giao nhận hàng hóa giữa các tỉnh, thành của Trung Quốc cũng hết sức khó khăn.

Do vậy, nếu dịch kéo dài, việc thông thương, đi lại tại các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hạn chế thì chắc chắn lưu lượng hàng hóa và nông sản thông quan qua các cửa khẩu sẽ bị ảnh hưởng.

"Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh nông sản, cần lường trước tình huống doanh nghiệp Trung Quốc không thể nhận hàng để có giải pháp thay đổi phương thức giao hàng, chuyển hướng xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước cho phù hợp. Các doanh nghiệp cần bám sát tình hình, trao đổi thường xuyên với đối tác để nắm được những thay đổi phát sinh trong trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh gây ra" - Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo.

Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ tiếp tục theo dõi và có thông báo, khuyến cáo đến các địa phương, doanh nghiệp khi có những diễn biến mới của bệnh dịch có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường cũng trực chiến trên tinh thần tăng cường, siết chặt kiểm soát, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng địa phương...

Lo ngại bị ảnh hưởng bởi virus Corona gây viêm phổi ở Trung Quốc khiến việc tiêu thụ thanh long vào quốc gia này gặp khó khăn nên mới đây, 23 nhà kho mua thanh long ở tỉnh Tiền Giang và Long An đã tổ chức cuộc họp khẩn bàn cách khắc phục những khó khăn trong phân phối và tiêu thụ thanh long sang thị trường Trung Quốc.

Theo các nhà kho trên, do diễn biến phức tạp của virus corona ở Trung Quốc, khiến việc phân phối và tiêu thụ thanh long vào quốc gia này gặp nhiều khó khăn.

Phần lớn khách hàng ở Trung Quốc đều không nhận hàng do các quy định về hạn chế đi lại và đóng cửa một số cửa khẩu nhằm ngăn chặn sự lan rộng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra.

Để giải quyết tình trạng trên, các nhà kho đã thống nhất từ ngày mùng 3 đến mùng 10 Tết, tức từ ngày 27/1 đến ngày 3/2 không nhận thanh long của thương lái và nông dân mà các nhà kho đã đặt cọc thu mua trước đó.

Tuy không nhận mua nhưng các nhà kho ở Tiền Giang và Long An sẽ hỗ trợ cho thương lái và nông dân (đã ký hợp đồng bán sản phẩm trước đó và có thời gian thu hoạch từ ngày 27/1 đến 3/2) với mức 5.000 đồng/kg thanh long.

Tương tự, các nhà vườn trồng chôm chôm tại tỉnh Vĩnh Long, Bếp Tre cũng đang lo ngay ngáy vì giá chôm chôm lao dốc, tiền bán chôm chôm không đủ trả công thu hái, vận chuyển... 

Theo đó, giá chôm chôm thu mua tại vườn ngày mùng 4 Tết đã giảm xuống chỉ còn 9.000-10.000 đồng/kg, trong khi trước Tết giá chôm chôm vẫn ở mức 16.000 đồng/kg. Còn so với cùng kỳ năm ngoái giá chôm chôm giảm xuống chỉ còn 1/3.

Giám đốc một doanh nghiệp chuyên kinh doanh xuất khẩu trái cây tại phía Nam cho biết, họ đã bị thiệt hại khoảng 3 tỉ đồng do 2 lô hàng bị đối tác phía Trung Quốc hủy bỏ, dù đang được xử lý để chuẩn bị xuất nhân dịp khai trương trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Điều này cũng khiến kế hoạch thu mua sản phẩm từ nông dân cũng đang bị thay đổi rất lớn.

Còn theo bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, vấn đề dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới virus Corona ở Trung Quốc đã có ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang quốc gia này, bởi nhóm hàng nông, thủy sản chiếm tỷ trọng xuất khẩu rất lớn vào đây, nhất là với trái cây chiếm đến khoảng 70%.

Giá thanh long xuất sang Trung Quốc giảm mạnh vì bị huỷ hợp đồng

Một số nhà kho ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An cho biết, doanh nghiệp thu gom thanh long từ nhà kho bán sang Trung Quốc đã hủy hợp đồng với họ, trong khi họ đã ký hợp mua từ nhà vườn trước đó. Vì vậy, các nhà kho đang gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy các nhà kho thực hiện hỗ trợ 5.000 đồng/kg cho thương lái và nông dân nhưng cũng không phải dễ dàng thực hiện được. Do khi ký hợp đồng thu mua của nông dân, các nhà kho đã đưa tiền cọc từ 5-10 triệu đồng/tấn thanh long, nên nếu nông dân nào cảm thông thì giải quyết được, còn không thì coi như mất tiền cọc.

Trước Tết Nguyên đán 2020, các nhà kho đặt cọc mua thanh long của nông dân với giá 30.000-32.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay do tình hình tiêu thụ sang Trung Quốc rất khó khăn nên giá bán chỉ còn từ 5.000 -10.000 đồng/kg.

Giá thanh long ruột đỏ loại 1 giảm xuống còn 25.000-27.000 đồng/kg, loại 2 giảm còn 20.000 đồng/kg. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem