Dùng Zalo “quét” nguồn gốc bầu, bí, rau cải…

Thuận Hải Thứ tư, ngày 18/01/2017 06:21 AM (GMT+7)
Sau thịt lợn, từ ngày 18.1, người tiêu dùng ở TP.HCM có thể sử dụng phần mềm quét mã QR Code trên điện thoại di động để truy xuất nguồn gốc rau sạch. Sở NNPTNT cho rằng, đây là nỗ lực để khôi phục niềm tin của người tiêu dùng đối với nông sản TP.HCM.
Bình luận 0

“3 giây” biết hết nguồn gốc rau sạch

Bà Lê Thị Nghiêm - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM thông tin, nhằm giúp người tiêu dùng biết được các thông tin nguồn gốc và chất lượng an toàn thực phẩm của rau củ quả, Sở NNPTNT TP.HCM đã triển khai thực hiện thí điểm việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau. Chương trình được thực hiện với sự phối hợp của Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao DAA.

img

Người tiêu dùng thử quét mã QR trên bó rau sạch của HTX Phước An. Ảnh: T.H 

Có lo ngại tem giả?
Xung quanh nhiều ý kiến thắc mắc về việc in tem giả, ông Nguyễn Trường Sơn cho rằng, việc in tem giả là điều khó xảy ra vì DAA và Sở NNPTNT chỉ cung cấp số tem dựa cho sản lượng rau trên một diện tích nhất định của hộ sản xuất. Ngoài ra, trên mỗi con tem có 2 dòng mã số nên khả năng làm giả là rất khó. 

Trước đó, tháng 12.2016, Sở NNPTNT TP.HCM chọn thực hiện thí điểm tại 2 HTX, gồm HTX Phú Lộc và HTX Phước An. Cụ thể, Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp đã thực hiện mô hình truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm rau đóng gói tại HTX Dịch vụ Phú Lộc với 6 sản phẩm của 8 hộ nông dân, gồm khổ qua, bầu, bí xanh, dưa leo, cải xanh và cải ngọt. Còn tại HTX Thương mại và Dịch vụ Phước An, có 12 sản phẩm của 86 hộ nông dân được gắn tem, với 141 loại và quy cách bao bì sản phẩm. Hiện tại, các HTX đã tiếp nhận hệ thống in mã vạch và thực hiện in, dán tem mã vạch trên bao bì sản phẩm.

Ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết thêm, sản phẩm có dán tem truy xuất nguồn gốc đã được phân phối tại hệ thống siêu thị Big C (10 điểm), siêu thị Lotte quận 7, chợ phiên nông sản an toàn tại Kỳ Hoà (quận 10)...

Dự kiến, ngày 18.1, rau được dán tem truy xuất nguồn gốc được bày bán tại các điểm của siêu thị Co.op Mart với 33 điểm. Người tiêu dùng sẽ sử dụng ứng dụng Zalo trên điện thoại thông minh (smartphone) hoặc các phần mềm quét mã QR Code để truy xuất nguồn gốc rau sạch. Chỉ chưa đầy 3 giây, tất cả các thông tin về vùng trồng, quy trình sản xuất, thời gian thu hoạch,… sẽ được hiển thị đầy đủ, rõ ràng cho người tiêu dùng.

Kiểm soát chặt đầu vào

Cũng theo báo cáo của Sở NNPTNT TP.HCM, chương trình “Truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau” của TP.HCM sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ nay đến tháng 3.2017, chương trình thực hiện thí điểm tại HTX Phước An (huyện Bình Chánh) và HTX Phú Lộc (huyện Củ Chi) và Công ty CP Kỹ thuật Việt – Vietek Farm (huyện Củ Chi, TP.HCM). Sang giai đoạn 2, chương trình sẽ áp dụng rộng rãi trên các HTX sản xuất, kinh doanh rau đạt tiêu chuẩn VietGAP của TP.HCM, đối tượng là các sản phẩm rau đóng gói.

Ông Bùi Xuân Quỳnh – Phó Giám đốc Kinh doanh HTX Phú Lộc thông tin, hiện tại, các đơn vị phân phối đã đặt hàng dán tem truy xuất nguồn gốc cho khoảng 8 tấn rau sạch, cung cấp tại các chuỗi siêu thị của Co.opMart, Big C và AEON.

Trong khi đó, đại diện của HTX Phước An cũng thông tin, sẽ có khoảng 2-3 tấn rau trong tổng số 6 tấn rau sạch của HTX này được gắn tem truy xuất nguồn gốc khi đưa ra thị trường trong ngày (18.1). Theo vị này, trước mắt, Phước An đang cung cấp số lượng ít vì chỉ làm theo đơn đặt hàng, lệ thuộc vào đơn đặt hàng của phía nhà phân phối.

Ông Nguyễn Trường Sơn – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA Việt Nam), mô hình này ứng dụng công nghệ số trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm bằng cách sử dụng tem thông minh "DAA Stamp". Loại tem này giúp truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng các loại thực phẩm an toàn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem