Sáng nay 24.10, Tổng cục Thủy sản thông tin, phía EU vừa có Thông cáo báo chí về vấn đề chống lại nạn đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý (IUU) trên toàn thế giới bằng cách cảnh báo Việt Nam với một “tấm thẻ vàng”.
Hải sản Việt Nam vừa bị EU "giơ thẻ vàng" vì đánh bắt phi pháp
Việt Nam cũng bị EU đánh giá là “quốc gia không hợp tác” chưa có nhiều biện pháp hiệu quả để ngăn chặn ngư dân đánh bắt bất hợp pháp. Ngoài ra, hệ thống quản lý sản lượng hải sản chế biến trước khi xuất khẩu ra thị trường thế giới của Việt Nam cũng bị đánh giá là “nghèo nàn”.
Do đó, EU cho rằng, việc “giơ thẻ vàng” là một lời cảnh báo, cũng như đề xuất Việt Nam có nhìn nhận lại tình trạng IUU và khắc phục những điểm còn hạn chế về chống IUU trong khoảng thời gian hợp lý.
Đây là kết quả của quá trình đánh giá, cân nhắc mức độ phát triển của Việt Nam trong những năm qua, cùng với một thời gian dài thảo luận ngoài lề với cơ quan chức năng Việt Nam.
Cũng theo Tổng cục Thủy sản, "thẻ vàng" theo quyết định của EU ngày 23.10 vùa qua chưa đi kèm các biện pháp trừng phạt, EU cũng đã mời Việt Nam tham gia đối thoại để giải quyết các vấn đề. EU cũng cho rằng, Việt Nam thiếu hành động để ngăn chặn hoạt động đánh bắt phi pháp ở vùng biển các nước láng giềng.
Việc bị "giơ thẻ vàng" lần này chưa đi kèm các biện pháp trừng phạt
Trước đó, trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết, việc hải sản Việt Nam nếu bị EU “phạt thẻ vàng” sẽ là việc nghiêm trọng, gây nhiều tác động xấu ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU. Sau đó có thể sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu sang thị trường Mỹ và nhiều thị trường khác.
Do đó, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám khẳng định, sẽ không dung túng cho hành vi khai thác bất hợp pháp, đồng thời sẽ hoàn chỉnh các quy định, chính sách để kiểm soát vấn đề trên trong thời gian tới.
Hồi cuối tháng 9, Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức hội nghị kêu gọi doanh nghiệp cam kết chống IUU. Một loạt hoạt động đã diễn ra, gồm ra Tuyên bố Báo chí, ra mắt Ban Điều hành IUU VASEP và kế hoạch hành động trong 1 năm tới…
Tính đến 23.10, đã có 73 doanh nghiệp tham gia cam kết chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chỉ nhập khẩu hải sản khai thác có nguồn gốc khai thác hợp pháp.
Các doanh nghiệp cũng cam kết không thu mua hải sản của các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, khai thác không có giấy phép, không có nhật ký và không báo cáo theo quy định, khai thác bằng ngư cụ bị cấm, đồng thời, nói không với những loài hải sản quý hiếm, những sản phẩm đánh bắt có kích cỡ nhỏ hơn quy định....
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam, nhận định, với hơn 40% sản lượng hải sản xuất khẩu vào EU, việc Việt Nam bị “thẻ vàng" sẽ ảnh hưởng nhiều tới hoạt động xuất khẩu hải sản của doanh nghiệp.
Khi EU giơ thẻ vàng, xuất khẩu hải sản của doanh nghiệp qua khu vực này sẽ giảm, thậm chí họ sẽ giảm hoặc ngừng mua hàng do khách hàng sẽ rất e ngại việc bị phạt theo quy định IUU. Ngoài ra, trong thời gian bị thẻ vàng, 100% container hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị EU giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác.
Ngoài ra, chi phí, thời gian tăng thêm cho việc kiểm tra hàng hóa này sẽ đội lên rất nhiều. Riêng phí kiểm tra nguồn gốc khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ cảng và hệ lụy kinh doanh của đối tác khách hàng.
Còn nếu bị trả về do không đáp ứng đủ các yêu cầu khi nhập khẩu của EU, doanh nghiệp sẽ phải chịu thêm khoản thất thoát do bị trả về, từ 5.000-10.000 euro (khoảng 270 triệu đồng)/container. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm chống IUU.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.