Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Xà Hồ, huyện Trạm Tấu còn nhiều khó khăn, từ lâu anh Mùa A Dơ đã luôn nung nấu quyết tâm làm giàu ngay tại quê hương. Giữa năm 2018, sau khi được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do Trạm Khuyến nông huyện Trạm Tấu (Yên Bái) tổ chức, anh Mùa A Dơ mạnh dạn đầu tư nuôi gần 1.000 con gà đen bản địa.
Do lựa chọn loại gà đen bản địa có khả năng đề kháng cao cùng sự hướng dẫn kỹ thuật thường xuyên của đội ngũ cán bộ khuyến nông nên ngay trong lứa nuôi đầu tiên, anh Dơ đã thu về trên 100 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả từ việc nuôi gà đen bản địa, anh Mùa A Dơ đã tiếp tục mua thêm hơn 500 gà giống để nhân đàn.
Mô hình nuôi gà đen bản địa của anh Cháng A Vàng tại thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca.
Trao đổi với chúng tôi, anh Mùa A Dơ chia sẻ: Quá trình nuôi, gia đình tôi đã được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật nuôi úm gà, kỹ thuật tiêm vắc-xin, cách thức phòng trị bệnh cho gà... Nhờ vậy, đàn gà đen của gia đình tôi có sức đề kháng cao; gà sinh trưởng khá tốt, ít bị bệnh dịch.
Từ nhiều năm trước, bà Lò Thị Chài ở thôn Hát Lừu, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu đã phát triển hoạt động chăn nuôi nhưng chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, tự cung tự cấp nên hiệu quả kinh tế thu được không cao. Đầu năm 2018, bà Chài chính thức đầu tư thực hiện mô hình chăn nuôi giống gà đen bản địa với quy mô từ 500 – 1.000 con/lứa.
Với việc tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, nhất là chủ động phòng trừ dịch bệnh nên việc nuôi gà đen bản địa đã mang lại thu nhập ổn định, giúp gia đình bà Lò Thị Chài vươn lên thoát nghèo. Năm 2018, sau khi trừ chi phí các loại, hình chăn nuôi giống gà đen bản địa đã mang lại cho gia đình bà Chài số tiền hơn 80 triệu đồng.
Tìm hiểu được biết, anh Mùa A Dơ và bà Lò Thị Chài chỉ là hai trong số hàng chục hộ dân trên địa bàn huyện Trạm Tấu đã thành công với mô hình chăn nuôi giống gà đen bản địa. Giống gà đen ở Trạm Tấu có đặc điểm xương đen, nhỏ và cứng; thịt đen, thơm, chắc, ngọt. Đặc biệt, đối với đồng bào Mông ở Trạm Tấu, gà đen không chỉ là món ăn mà còn là một loại thuốc quý. Hiện nay, giá bán loại gà đen dao động từ 150.000 - 180.000 đồng/kg nên việc chăn nuôi quy mô lớn đã mang lại giá trị kinh tế tương đối cao.
Đối với đồng bào Mông ở Trạm Tấu, gà đen không chỉ là món ăn mà còn là một loại thuốc quý, thịt thơm, chắc ngọt. Ảnh: T.L
Theo thống kê, số lượng gà đen bản địa của toàn huyện Trạm Tấu đã tăng từ khoảng 6.000 con (năm 2018) lên trên 18.000 con (năm 2019); trong đó có nhiều hộ nuôi quy mô lớn với số lượng từ 500 - 1.000 con/lứa.
Ông Hảng A Thào, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trạm Tấu (Yên Bái) cho biết, trong khi hoạt động chăn nuôi của người dân đang gặp nhiều khó khăn, nhất là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, việc phát triển chăn nuôi giống gà đen bản địa đã và đang giúp nhiều hộ nông dân có thêm thu nhập. Việc chăn nuôi giống gà đen bản địa không đòi hỏi yêu cầu quá cao, người dân có thể tận dụng hệ thống chuồng trại và nguồn thức ăn tại chỗ.
Tuy nhiên, đến nay hoạt động chăn nuôi gà đen bản địa ở Trạm Tấu cơ bản vẫn mang tính tự phát; thị trường tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc vào việc thu mua của thương lái nên tính ổn định chưa cao. Mong muốn chung của người dân địa phương là tiếp tục có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng và chính quyền các cấp trong việc bảo đảm nguồn con giống; hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh và xây dựng thương hiệu gà đen Trạm Tấu.
Với chu kỳ chăn nuôi ngắn, khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu vùng cao, việc tập trung chăn nuôi gà đen trên địa bàn huyện Trạm Tấu không chỉ giúp bảo tồn giống gà bản địa mà còn là hướng đi hiệu quả, giúp người dân địa phương phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và vươn lên làm giàu ngay tại quê hương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.